Bắt quả tang hơn 3 tấn bánh quy “ngoại” đang được gia hạn sử dụng

NDO -

Ngày 6-1, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hơn 3 tấn bánh quy có xuất xứ từ nước ngoài đã hết hạn sử dụng từ tháng 2/2020 đang được doanh nghiệp "gia hạn sử dụng" thì bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Cục QLTT Hà Nội bắt quả tang.

Đội QLTT số 24 đã tiến hành lập biên bản vi phạm đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật để tiếp tục làm rõ các sai phạm.
Đội QLTT số 24 đã tiến hành lập biên bản vi phạm đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật để tiếp tục làm rõ các sai phạm.

Sau thời gian dài trinh sát, chiều 5-1-2021, Đội QLTT số 24 phối hợp với lực lượng Công an huyện Hoài Đức đột xuất kiểm tra và bắt quả tang Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang có trụ sở chính tại Đội 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội do ông Lê Văn Hướng là đại diện theo pháp luật đang chứa, trữ một lượng lớn sản phẩm bánh quy do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu hết hạn sử dụng.

Kiểm đếm thực tế tại cơ sở này, Đội QLTT số 24 ghi nhận hơn 3 tấn bánh quy yến mạch hiệu "Torku" có nguồn gốc xuất xứ trên bao bì từ Thổ Nhĩ Kỳ đã hết hạn sử dụng từ tháng 2/2020 đang được công nhân ngang nhiên "gia hạn sử dụng" bằng máy dập date có sẵn tại doanh nghiệp. Ngoài ra, tại đây còn có nhiều loại máy móc khác như máy in, máy đóng gói bao bì, sản phẩm cùng hàng loạt các loại túi, vỏ hộp để đựng, đóng gói sản phẩm. 

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Đội trưởng Đội QLTT số 24, phải mất một thời gian dài trinh sát Đội mới bắt quả tang vi phạm của doanh nghiệp này. Hầu hết các loại bánh, kẹo tại đây là hàng nước ngoài, được sản xuất từ năm 2018 và có hạn sử dụng đến tháng 2/2020. Doanh nghiệp này đã tiến hành vứt bỏ vỏ hộp với hạn sử dụng đã hết để chuyển sang một bao bì mới với hạn sử dụng mới dài hơn được in lại từ máy dập date có sẵn. 

Đội QLTT số 24 đã tiến hành lập biên bản vi phạm đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật để tiếp tục làm rõ các sai phạm. 

Khảo sát trên thị trường thương mại điện tử hiện nay, giá một gói bánh quy yến mạch Torku rơi vào khoảng từ 55.000 - 60.000 đồng/gói và được bán nhiều trên các trang thương mại điện tử. 

Phát hiện 350 “thuốc lá điện tử” tại Hải Dương
Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 5-1, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Hải Dương 4 phối hợp Công an huyện Bình Giang tiến hành kiểm tra tại của hàng kinh doanh do ông N. làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở đang bày bán 350 hộp thuốc lá điện tử (mỗi hộp có 01 “điếu”). Toàn bộ số hàng hóa nêu trên do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ theo quy định có trị giá 17,5 triệu đồng. Đội QLTT số 4 đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt chủ cơ sở với số tiền 5 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.

“Thuốc lá điện tử” còn được gọi với tên khác là “thuốc lá thế hệ mới”, có nhiều sự khác biệt về đặc tính sản phẩm cũng như cơ chế hoạt động so với thuốc lá truyền thống nhưng cũng có những điểm tương đồng nhất định. Mặc dù hiện nay, Việt Nam đã có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 77/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng các quy định này lại chủ yếu được áp dụng cho thuốc lá điếu truyền thống; Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm. Do đó, với mặt hàng này, các cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý như các loại hàng hóa thông thường. Quản lý mặt hàng “thuốc lá điện tử” là một vấn đề cần được nghiên cứu để đưa ra cơ chế quản lý phù hợp trong thời gian tới.