Tiến hành khám xét nơi làm việc và nhà ở của Chi, cơ quan chức năng thu giữ nhiều con dấu giả, tài liệu về một số dự án khác, nhằm mục đích lừa đảo. Vụ án có nội dung như sau:
Ngày 1-11-2002 và ngày 2-1-2003, Nguyễn Ðức Chi, lấy danh nghĩa là Giám đốc kinh doanh, đại diện Công ty ARABELA của Mỹ ký hai hợp đồng kinh tế và sáu phụ lục hợp đồng bán gạo trả chậm với ông Nguyễn Thọ Trí, Giám đốc Công ty lương thực Trà Vinh. Từ ngày 10-11-2002 đến 27-1-2003, Công ty lương thực Trà Vinh đã giao cho Nguyễn Ðức Chi 31.488 tấn gạo, trị giá 5.994.862 USD. Chi đã trả cho Công ty lương thực Trà Vinh 523.100 USD. Số tiền còn lại hơn 5,4 triệu USD Chi đã chiếm đoạt. Công ty lương thực Trà Vinh đã nhiều lần đòi tiền, nhưng Chi không trả. Do đó ngày 18-7-2003, công ty đã có đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Ðức Chi gửi Cơ quan CSÐT đề nghị giải quyết. Sau khi CSÐT tiến hành xem xét vụ việc, thì Chi đã gán nợ biệt thự số 707A ở phường Thảo Ðiền, quận 2, TP Hồ Chí Minh với giá 700 nghìn USD và lừa lấy 43,5 tỷ đồng của Công ty Lâm Viên, để trả Công ty lương thực Trà Vinh.
Hiện nay, số tiền Chi chiếm đoạt của Công ty lương thực Trà Vinh hơn 2,4 triệu USD. Ðể chiếm đoạt số tiền này, Chi dùng các thủ đoạn gian dối gây lòng tin với Công ty lương thực Trà Vinh bán gạo trả chậm như: Mua gạo cao hơn với giá thị trường, đưa lãnh đạo Công ty lương thực Trà Vinh đi tham quan các dự án của Chi ở Việt Nam (RUSALKA, COMOS), và tham quan tại Nga.
Ðể tạo điều kiện lấy gạo được ồ ạt, lô gạo đầu Chi trả tiền đủ, đúng thời hạn, các lô hàng sau Chi không trả nữa. Thông qua INTERPOL Việt Nam xác minh các doanh nghiệp ở Mỹ, Nga, Ðức,... liên quan Nguyễn Ðức Chi, cơ quan CSÐT được biết, Công ty ARABELA (Mỹ) có đăng ký kinh doanh, nhưng Nguyễn Ðức Chi không có liên quan gì ở công ty này, và Cảnh sát Ðức đang điều tra công ty này vì có hoạt động buôn người và rửa tiền.
Qua điều tra, cơ quan công an nhận thấy, ông Nguyễn Thọ Trí, Giám đốc Công ty lương thực Trà Vinh bán gạo cho Chi không mở L/C để bảo đảm việc thanh toán, dẫn đến việc mất hơn 2,4 triệu USD.
Bằng các thủ đoạn gian dối nêu trên: Nguyễn Ðức Chi đã lừa đảo chiếm đoạt 43,5 tỷ đồng của Công ty Lâm Viên. Công ty đầu tư và phát triển du lịch RUS-INVEST-TUR 100% vốn nước ngoài tại Nha Trang, gồm ba nhà đầu tư: Công ty cổ phần ELAITROX góp 2,7 triệu USD, Công ty LUZHNIKY góp 900 nghìn USD, Công ty DHL CARGO góp 900 nghìn USD, do Nguyễn Ðức Chi đại diện cho cả ba công ty điều hành toàn bộ hoạt động dự án tại Việt Nam, đã được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cấp Giấy phép số 2178/GP ngày 16-11-2000. Vốn đầu tư: 15 triệu USD, vốn pháp định: 4,5 triệu USD.
Tại điều 7 của Giấy phép số 2178 quy định: Trong thời gian triển khai xây dựng dự án, các chủ đầu tư không được chuyển nhượng vốn cho các đối tác khác. Sau khi dự án được hoàn tất và đi vào kinh doanh, nếu các chủ đầu tư có nhu cầu chuyển nhượng vốn cho đối tác khác, thì phải được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chấp thuận. Nhưng ngày 20-11-2003, Nguyễn Ðức Chi ký hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng dự án khu nghỉ mát RUSALKA-Nha Trang với Công ty Lâm Viên về việc tăng vốn pháp định từ 4,5 triệu USD lên 10 triệu USD. Công ty Lâm Viên góp vào dự án 5,5 triệu USD. Ngay sau khi ký hợp đồng, Nguyễn Ðức Chi yêu cầu Công ty Lâm Viên chuyển 43,5 tỷ đồng để trả tiền nợ mua gạo của Chi với Công ty lương thực Trà Vinh.
Theo Luật Ðầu tư và giấy phép đầu tư, việc liên doanh và tăng vốn pháp định phải được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho phép. Không được phép của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Chi vẫn ký hợp đồng liên doanh với Công ty Lâm Viên để lừa đảo chiếm đoạt 43,5 tỷ đồng. Ông Trần Nam, Giám đốc Công ty Lâm Viên đã có đơn tố cáo Nguyễn Ðức Chi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong quá trình điều tra, cơ quan công an nhận được đơn ngày 14-3-2003 của Công ty PRODGAM (Nga) gửi Ðại sứ quán Việt Nam tại Nga tố cáo Nguyễn Ðức Chi, đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,1 triệu USD, nhưng đến nay Chi trốn khỏi Nga không trả tiền. Ngoài việc chiếm đoạt 43,5 tỷ đồng, 3,5 triệu USD của ba doanh nghiệp nói trên và còn nợ các đơn vị, cá nhân 72 tỷ đồng. Nguyễn Ðức Chi còn núp danh nghĩa dưới các công ty: Công ty TNHH Hoa Hồng, Công ty cổ phần Vạn Xuân... để xin cấp phép các dự án du lịch tại Khánh Hòa, Lâm Ðồng, Ninh Thuận... Thực tế, Chi không có khả năng tài chính để thực hiện các dự án này mà chỉ nhằm xin được cấp phép dự án rồi đi mồi chài liên doanh, liên kết huy động vốn, sau đó bán dự án để kiếm lời. Ðây là thủ đoạn mới của bọn tội phạm, lợi dụng chính sách đầu tư của Nhà nước, móc nối, lo lót các cấp chính quyền để "xin" dự án rồi bán.
Vụ án có nhiều vấn đề phức tạp, sau nhiều lần báo cáo Chính phủ, ngày 22-4-2005, lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Kế hoạch và Ðầu tư trực tiếp báo cáo các hành vi lừa đảo của Nguyễn Ðức Chi với Thường trực Chính phủ và Thường trực Chính phủ có kết luận: Nguyễn Ðức Chi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ðề nghị Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tạm ngừng cho phép chuyển nhượng 60% vốn của Chi trong dự án RUSALKA-Nha Trang, điều tra làm rõ và xử lý Nguyễn Ðức Chi trước pháp luật...
Tiếp tục điều tra xác minh hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Ðức Chi, ngày 26-5-2005, Cơ quan CSÐT Bộ Công an và Viện KSNDTC đã họp và thống nhất kết luận: Ðây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả rất lớn làm thiệt hại tài sản của các doanh nghiệp nhà nước (số tiền Chi chiếm đoạt và nợ lên tới hơn 165 tỷ đồng). Cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Ðức Chi.
Ngoài các vụ việc trên, Cơ quan CSÐT, Bộ Công an đã phát hiện Nguyễn Ðức Chi có dấu hiệu lừa đảo khi tham gia một số dự án đầu tư xây dựng ở các tỉnh Lâm Ðồng, Ninh Thuận...
Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Ðức Chi và các đối tượng liên quan.
-------------------
Ðiều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Ðức Chi và nhận hối lộ của một số đối tượng Tại cơ quan công an, Nguyễn Ðức Chi đã khai nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 24 tỷ đồng ở Trung tâm vui chơi giải trí COMOS (Hà Nội) và dùng hàng chục tỷ đồng hối lộ các cán bộ để "chạy" các dự án. Trung tâm vui chơi giải trí COMOS (Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hà Nội) với số vốn 100% nước ngoài, trị giá 2,1 triệu USD, do Nguyễn Ðức Chi, Vũ Hoài Nam và Lê Hồng Minh, cùng đứng tên, đã được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cấp giấy phép ngày 4-3-1998. Sau thời gian thành lập, Nguyễn Ðức Chi mua lại toàn bộ cổ phần COMOS của hai đối tác. Ngày 10-10-1998, Chi thuê tòa nhà 5 tầng của Công ty Ðiện tử Giảng Võ, với giá thuê 18 nghìn USD/tháng. Từ năm 1998 đến 2003, số tiền thuê này lên tới 24 tỷ đồng, nhưng Nguyễn Ðức Chi không trả một đồng tiền thuê trụ sở cho Công ty Ðiện tử Giảng Võ. Công ty Ðiện tử Giảng Võ đã khởi kiện Nguyễn Ðức Chi ra Tòa án nhân dân Hà Nội. Qua hai phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án nhân dân Hà Nội đã buộc Chi trả nợ cho Công ty Ðiện tử Giảng Võ 24 tỷ đồng. Ðể có tiền trả nợ, Nguyễn Ðức Chi đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn cho Công ty Lâm Viên với số tiền 19 tỷ đồng, nhưng Chi vẫn giữ giấy phép. Cùng thời gian này, Chi lại ký hợp đồng với Công ty Ðiện tử Giảng Võ giao lại toàn bộ trang thiết bị và bộ phận điều hành kinh doanh để trừ nợ và lại ký tiếp hợp đồng chuyển nhượng Trung tâm giải trí COMOS cho Công ty lương thực Trà Vinh để trả nợ số tiền hơn 2 triệu USD mà Chi còn nợ. Có một Trung tâm vui chơi giải trí COMOS, nhưng Nguyễn Ðức Chi đã lừa đảo, trả nợ cho hai đơn vị và tiếp tục chiếm đoạt 19 tỷ đồng của Công ty Lâm Viên. Song Nguyễn Ðức Chi vẫn giữ giấy phép kinh doanh, làm cho ba đơn vị này tự khiếu kiện nhau với các cấp chính quyền để được phép sử dụng COMOS. Tại cơ quan công an, Nguyễn Ðức Chi bước đầu khai nhận đã đưa hối lộ cho một số cán bộ hàng chục tỷ đồng để "chạy" hơn 10 dự án có trị giá nhiều chục triệu USD, như: dự án RUSALKA - Nha Trang (Khánh Hòa); dự án khu nghỉ mát ven biển Cam Ranh; dự án khu nghỉ mát ở TP Ðà Lạt, Lâm Ðồng; dự án khu du lịch Ninh Thuận... Cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ của Nguyễn Ðức Chi, đồng thời, làm rõ các hành vi nhận hối lộ của một số đối tượng trong quá trình xét duyệt các dự án của Nguyễn Ðức Chi. |