Bất cập trong quản lý xăng dầu

Ngay những ngày đầu năm 2023, hiện tượng các cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động do thiếu nguồn cung tái diễn gây lo lắng cho người dân. Thị trường xăng dầu vẫn tồn tại nhiều bất ổn xuất phát từ những bất cập trong cơ chế quản lý, cần có giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc vấn đề.
0:00 / 0:00
0:00

Mặc dù Bộ Công thương khẳng định bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu trong dịp Tết Nguyên đán 2023 nhưng ngay trong và sau Tết, nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn có những cửa hàng ngưng hoạt động. Theo báo cáo của Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, từ sau dịp Tết Nguyên đán 2023, thành phố có sáu cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động xin phép sửa chữa hoặc chờ giải thể. Khoảng 10 cửa hàng phải ngưng hoạt động và tạm ngưng hoạt động do thiếu hàng cục bộ.

Con số này rất nhỏ so với lúc cao điểm khủng hoảng nguồn cung xăng dầu cuối năm 2022, nhưng việc cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động một lần nữa cho thấy những bất ổn của thị trường xăng dầu. Dù không ai mong muốn, nhưng nỗi lo phải chạy đôn chạy đáo tìm cây xăng hay phải xếp hàng chờ tới lượt đổ xăng luôn hiển hiện.

Khan hiếm chỉ là “bề nổi” của vấn đề khi cung ứng xăng dầu có những biến động bất thường do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine và cạnh tranh ảnh hưởng của các nước. Bởi kể cả khi giá xăng dầu thế giới đã quay lại mức bình thường trước xung đột, nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn bế tắc. Nguyên nhân xuất phát từ nghịch lý trong suốt cả năm qua, hàng chục nghìn cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên cả nước phải chịu cảnh thua lỗ do bị giảm chiết khấu hoặc chiết khấu bằng 0 nhưng vẫn phải duy trì mở cửa bán hàng. Nhiều cửa hàng buộc phải bán cầm chừng, hoặc đóng cửa khi không “gồng” được lỗ kéo dài.

Bản thân các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng khó khăn không kém khi đối mặt với biến động tỷ giá rất bất lợi khi nhập khẩu; xăng dầu nhập khẩu giá cao; quy định tính giá cơ sở chưa tính đúng, tính đủ giá thành nhập khẩu, vận chuyển xăng dầu… Nhiều doanh nghiệp đầu mối cũng đứt gãy nguồn cung, chịu thua lỗ. Điều này lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp chiết khấu thấp hoặc bằng 0 cho các đại lý bán lẻ.

Theo các chuyên gia, để xảy ra khan hiếm xăng dầu kéo dài trong thời gian qua có nguyên nhân rất lớn từ công tác quản lý điều hành chưa bám sát thực tiễn. Mặc dù cơ quan quản lý nắm quyền định giá xăng dầu nhưng không quy định chi phí kinh doanh, chiết khấu nên doanh nghiệp thua lỗ. Liên Bộ Công thương-Tài chính chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình khi để tình trạng đứt nguồn cung diễn ra trên diện rộng.

Dự thảo sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đang tiếp tục được Bộ Công thương lấy ý kiến, chỉnh sửa và trình Chính phủ phê duyệt để giải quyết những bất cập trong cơ chế quản lý xăng dầu. Các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp bán lẻ đưa ra nhiều kiến nghị để điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm quyền lợi giữa các đơn vị kinh doanh xăng dầu, giảm rủi ro cho hoạt động kinh doanh. Tất cả vẫn mong chờ cam kết của đại diện cơ quan soạn thảo dự thảo sửa đổi các nghị định quản lý xăng dầu “việc xây dựng chính sách hướng đến mục tiêu dài hạn, ổn định, không chạy theo vấn đề cục bộ, mang tính hiện tượng, cá biệt”.

Tuy nhiên, những diễn biến bất thường thị trường xăng dầu cho thấy, điều quan trọng không phải chỉ là sửa nghị định như thế nào. Công tác điều hành thị trường xăng dầu hiệu quả hay không vẫn phụ thuộc sự phối hợp trong công tác quản lý về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành có liên quan. Nếu các cơ quan chức năng cùng vào cuộc phối hợp xử lý, tháo gỡ ngay những bất cập, vướng mắc sẽ giúp thị trường xăng dầu bớt xảy ra những bất ổn như vừa qua.