Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được giao làm chủ đầu tư bảy dự án tái định cư với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, do năng lực làm chủ đầu tư chưa đáp ứng nên một số dự án được thi công với chất lượng thấp, chưa phù hợp với thực tế dẫn đến phát huy hiệu quả không cao, thậm chí gây lãng phí. Điển hình là dự án Khu tái định cư xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ có tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, có nhiệm vụ tái định cư cho hơn 30 hộ gia đình ở vùng bán ngập hồ Núi Cốc đến sinh sống. Dự án này đã tiêu tốn của Nhà nước hơn 10 tỷ đồng để san gạt tạo mặt bằng, xây dựng các hạng mục cấp điện, cấp nước, nhưng sau đó gần như toàn bộ ta-luy dương khu tái định cư bị sạt lở nên không thể đưa vào sử dụng được. Bị bỏ hoang từ hơn ba năm qua, dự án đã gây lãng phí lớn, trong khi các hộ dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc thì không thể chuyển đến sinh sống.
Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên cũng được giao làm chủ đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn loại A, dài 2,1 km ven hồ Núi Cốc trên địa bàn xã Phúc Tân, thị xã Phổ Yên với tổng mức đầu tư gần 13 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại, giao thương của nhân dân. Tuy nhiên, khi tuyến đường đang được thi công thì buộc phải dừng lại, vì nhiều đoạn có cao độ (còn gọi là cốt đường) dưới 50 m, vi phạm quy chế quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng du lịch hồ Núi Cốc, đồng thời vi phạm Luật Thủy lợi. Khắc phục vi phạm này, phải nâng cốt đường lên 50 m, không những làm công trình chậm tiến độ mà tổng mức đầu tư tăng lên gần 5 tỷ đồng. Đến nay, tuyến đường chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng mặc dù thời gian thi công đã kéo dài.
Nguyên nhân chính làm cho đường giao thông nông thôn ven hồ Núi Cốc đội vốn đầu tư, chậm tiến độ; Khu tái định cư xã Vạn Thọ bị bỏ hoang, đến nay tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa khắc phục được, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, khó khăn cho đời sống nhân dân là do năng lực của chủ đầu tư thấp.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng giao nhiều sở, ngành làm chủ đầu tư các dự án, công trình có quy mô lớn, như: Văn phòng UBND tỉnh làm chủ đầu tư công trình nhà đa chức năng của UBND tỉnh, Sở Nội vụ làm chủ đầu tư Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, Sở Giáo dục và Đào tạo được giao làm chủ đầu tư Trường THPT Chuyên Thái Nguyên... với tổng mức đầu tư rất lớn, trong đó có dự án từ 70 đến 80 tỷ đồng. Điều đáng nói là do thiếu cán bộ có trình độ chuyên ngành về xây dựng, quản lý, giám sát dự án, chứng chỉ hành nghề nên các sở này lại ủy thác cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thái Nguyên quản lý dự án.
Luật Xây dựng, Nghị định 59/2015/NĐ-CP, ngày 18-6-2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định 42/2017/NĐ-CP, ngày 5-4-2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 59/2015/NĐ-CP, quy định: Cơ quan quản lý nhà nước sử dụng bộ máy chuyên môn có đủ điều kiện, năng lực thì được giao trực tiếp quản lý dự án đầu tư công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở Thái Nguyên một số sở, ngành, đơn vị quản lý nhà nước không có, hoặc thiếu cán bộ chuyên môn như không có bằng cấp về xây dựng, chưa từng trực tiếp thi công, giám sát, quản lý, chỉ huy công trình, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng mà vẫn được giao làm chủ đầu tư nên các sở này buộc phải ủy thác cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Như thế, các sở, ngành, đơn vị thành “chủ đầu tư hờ”.
Được biết, Thái Nguyên đã thành lập ba ban quản lý dự án chuyên ngành, có chức năng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư, quản lý dự án một cách chuyên nghiệp, đủ đội ngũ cán bộ chuyên môn, gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp. Được giao tự chủ tài chính, nhưng các ban chỉ quản lý dự án với số lượng hạn chế, dẫn đến không bảo đảm kinh phí để trả lương cho đội ngũ cán bộ, viên chức. Năm 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đủ 70% kinh phí trả lương nên đã làm văn bản đề nghị UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do UBND tỉnh quyết định đầu tư và “xin” được ủy thác quản lý dự án cho các chủ đầu tư khác.
Ba ban quản lý dự án chuyên ngành có tổ chức, bộ máy với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, đủ năng lực, quản lý chuyên nghiệp, được thành lập theo quy định của pháp luật lại chỉ được giao việc một cách hạn chế, thiếu việc làm rõ ràng gây lãng phí về nhân lực. Trong khi đó, chức năng chủ yếu của các sở, ngành là quản lý nhà nước thì lại được giao quản lý dự án, nhưng không thực hiện được lại phải thuê ban quản lý dự án chuyên ngành, vì thế trường hợp tự quản lý dự án như Chi cục Phát triển nông thôn thì công trình, dự án bị chậm tiến độ, vi phạm quy định, bỏ hoang, lãng phí rất cần được tỉnh Thái Nguyên xem xét để việc quản lý vốn đầu tư được phân công, phân cấp một cách đúng quy định, bảo đảm phát huy hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí.