Bảo vệ môi trường đất, nước khu vực ven biển

Tình trạng ô nhiễm đất, nước tại các khu vực ven biển ở nước ta đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân được xác định là do hoạt động sản xuất phát triển kinh tế-xã hội, biến đổi khí hậu cũng như ý thức bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
Vẻ đẹp của rừng ngập mặn Rú Chá, xã Hương Phong, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh LÊ ĐÌNH HOÀNG)
Vẻ đẹp của rừng ngập mặn Rú Chá, xã Hương Phong, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh LÊ ĐÌNH HOÀNG)

Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, nêu rõ: Việc phát triển các đầm, ao nuôi trồng thủy sản ở vùng cửa sông, ven biển dẫn đến những thay đổi về nơi cư trú của quần xã sinh vật, thay đổi về môi trường, lắng đọng trầm tích và nguy cơ xói lở bờ sông, bờ biển. Hơn nữa, tại một số khu vực nuôi tôm, nuôi cá tập trung (trong đó có nuôi cá trên cát), việc xả thải bừa bãi các chất hữu cơ, chất độc vi sinh vật (cả mầm bệnh) và các chất thải sinh hoạt làm cho môi trường suy thoái, bùng nổ dịch bệnh và gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cũng như môi trường.

Đáng lo ngại, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra phổ biến ở các khu vực đồng bằng ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ, một mặt do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mặt khác do ảnh hưởng của quá trình khai thác nước trong các tầng chứa nước nhạt làm hạ thấp mực nước dưới đất, tạo điều kiện thuận lợi cho nước đã bị mặn xâm nhập vào trong các tầng chứa nước nhạt. Ước tính lượng nước bị nhiễm mặn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ chiếm đến 31,55% tổng lượng nước của cả vùng, trong khi đó ở đồng bằng Nam Bộ, tỷ lệ nước dưới đất bị nhiễm mặn lên đến hơn 50% tổng lượng nước của toàn vùng.

Chất lượng nước biển ven bờ Việt Nam còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng cho chất lượng nước biển nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Tuy nhiên, môi trường nước biển ven bờ tại một số thời điểm mùa mưa do sự gia tăng giá trị các hợp chất hữu cơ, hợp chất chứa nitơ (NH4+), TSS từ đất liền ra biển và sự trôi dạt chất ô nhiễm từ ngoài khơi vào dải ven bờ cho nên chỉ số rủi ro môi trường (RQ) biển ở một số khu vực biển có mức độ cao tại các khu vực như Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh); hàm lượng NH4+, TTS, Fe, Coliform... có giá trị vượt QCVN 10-MT:2015/BTNMT ở một số khu vực ven biển miền bắc; tại một số khu vực ven biển miền nam, ô nhiễm chủ yếu là NH4+, Coliform, TTS và Fe.

Đáng lo ngại, chất thải rắn sinh hoạt bị đổ thải trực tiếp trên mặt đất như tại các bãi rác tự phát, sự phân hủy thành phần hữu cơ trong điều kiện kỵ khí và dưới tác dụng của vi sinh vật sẽ tạo ra các a-xít hữu cơ làm a-xít hóa (chua) đất; sự tích tụ các kim loại nặng và chất nguy hại trong đất do thấm từ nước rỉ rác vào đất cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường đất.

Ngoài ra, chất thải công nghiệp bao gồm các hóa chất độc hại và các kim loại nặng gây ô nhiễm đất ở mức độ cao, nhất là các chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, màu vẽ, công nghiệp sản xuất pin, thuộc da, công nghiệp sản xuất hóa chất. Trong khi đó, nước thải từ khu vực sản xuất công nghiệp, khu dân cư vùng ven biển không qua xử lý xả thẳng ra môi trường theo kênh mương ngấm vào đất gây ô nhiễm đất, nước ngầm vùng ven biển.

Chính những tác nhân này ô nhiễm môi trường vùng ven biển cùng với biến đổi khí hậu đã khiến môi trường đất tại một số khu vực như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… đang đối mặt với tình trạng đất bị thoái hóa (mặn hóa, phèn hóa, khô hạn, xói mòn, xói lở).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực ven biển ở nước ta đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Nguyên nhân là chưa có những quy định cụ thể, thống nhất, đồng bộ đối với hoạt động lấn biển cho nên rất khó đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường đất và nước vùng ven biển; thiếu các chế tài xử lý hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân khi vi phạm các quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; chưa phát huy được vai trò của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân và các bên liên quan khác tham gia quản lý môi trường biển.

Do vậy, để bảo vệ tốt hơn nữa môi trường đất, nước khu vực ven biển, ngành tài nguyên và môi trường tại các địa phương ven biển cần tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, giảm thiểu rác thải nhựa, thông qua thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác có trách nhiệm, bảo đảm phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái...