Bảo vệ lá phổi xanh

Bình Phước, một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài nhất cả nước. Trên địa bàn tỉnh có nhiều cánh rừng nguyên sinh-đây được xem là lá phổi xanh góp phần điều hòa không khí, cung cấp nguồn nước cho các tỉnh, thành phố trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Tuần tra bảo vệ rừng tại rừng phòng hộ Bù Đăng (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).
Tuần tra bảo vệ rừng tại rừng phòng hộ Bù Đăng (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).

Bình Phước có hơn 156.000ha đất rừng; trong đó, rừng tự nhiên gần 56.000ha, rừng trồng đã thành rừng hơn 100.000ha, tỷ lệ che phủ rừng trên toàn tỉnh đạt gần 23%. Hầu hết, diện tích đất rừng của Bình Phước nằm ở thượng nguồn các con sông lớn của vùng Đông Nam Bộ như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Bé. Rừng ở Bình Phước có vai trò to lớn trong điều tiết khí hậu, nguồn nước cho vùng Đông Nam Bộ và là sinh kế của hàng nghìn hộ dân tham gia bảo vệ rừng.

Với tổng diện tích hơn 25.778ha, vườn quốc gia Bù Gia Mập được ví như lá phổi xanh của miền Đông Nam Bộ, là rừng phòng hộ đầu nguồn cho các công trình thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng. Đây là nơi bảo tồn nhiều mẫu chuẩn hệ sinh thái, các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật.

Hiện, vườn có 59 loài động vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam, như chà vá chân đen, gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, bò rừng, gấu ngựa, voi...; 168 loài chim, trong đó, 10 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như gà lôi, hồng hoàng, hồng tía, dù dì; nhiều loài động vật thuộc bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc ngũ sắc, voọc xám.

Với phương châm bảo vệ rừng “bốn tại chỗ”, trong đó, chú trọng ưu tiên đồng bào sống gần rừng tham gia bảo vệ rừng, nên nhiều năm qua vườn quốc gia Bù Gia Mập không bị xâm hại.

Theo ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban Quản lý vườn quốc gia Bù Gia Mập, hiện vườn có 10 cộng đồng nhận khoán với hơn 620 người nhận quản lý bảo vệ 19.000ha rừng và năm đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn tỉnh nhận quản lý bảo vệ 5.000ha rừng thuộc vườn. Trung bình mỗi người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng có thu nhập bình quân 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đang đỉnh điểm mùa khô. Công tác bảo vệ rừng, nhất là phòng, chống cháy rừng được đặt lên hàng đầu. Rừng phòng hộ Bù Đăng có diện tích hơn 40.000ha, nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai hiện đang ở mức cảnh báo cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong khi đó, rừng có hình thái da beo, nhiều khu vực tiếp giáp với nhiều địa bàn dân cư và đường dân sinh qua lại cho nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Anh Điểu Thâm, Tổ trưởng tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ Bù Đăng tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng cho biết: Với đặc điểm rừng lồ ô, lồ ô xen gỗ, có thảm thực vật dày, lại nằm xen kẽ với các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt, vườn rẫy của người dân nên công tác bảo vệ rừng ở đây hết sức khó khăn.

Nhờ chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư sống gần rừng mà công tác bảo vệ rừng trong thời gian qua được bảo đảm. Trong cao điểm mùa khô năm nay, công tác phòng, chống cháy rừng “bốn tại chỗ”, trong đó, nhân tố quan trọng nhất là cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Anh em trong tổ luân phiên tuần tra bảo vệ rừng liên tục trong ngày; bổ sung nước vào các bồn chứa tại các điểm dễ xảy ra cháy để sẵn sàng ứng cứu.

Nhờ công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả nên nhiều cánh rừng luôn xanh tốt đã tạo ra sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên, phong phú về động, thực vật. Nhiều cánh rừng ở Bình Phước được ví như “nàng tiên giữa rừng đại ngàn” là một trong những lợi thế rất lớn trong việc phát triển loại hình du lịch sinh thái. Ngoài ra, những cộng đồng dân cư sống gần rừng có nhiều nét văn hóa, lễ hội độc đáo, tạo ra những sản phẩm du lịch mà chỉ ở Bình Phước mới có.

Anh Kiều Đình Tháp, Trưởng phòng Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: Những năm qua, vườn luôn quan tâm phát triển lĩnh vực du lịch, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Năm 2015, vườn chỉ có hai tuyến du lịch được mở với 13 điểm đến cùng một số đường xương cá dọc quốc lộ 14C và đường tuần tra biên giới thì nay đã có trên sáu tuyến với những điểm đến hấp dẫn, như giếng trời-thác Đắk Bô, thác Đắk Ka, thác Lưu Ly. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch văn hóa của đồng bào bản địa, như: văn hóa dân tộc S’tiêng, văn hóa ẩm thực của người Mnông và điểm cuối đường ống dẫn dầu bắc-nam cũng được khai thác.

Hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng ở Bình Phước đã góp phần vào việc điều hòa khí hậu và cung cấp nguồn nước sạch cho các con sông lớn trong vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt, những cánh rừng ở thượng nguồn sông Bé đang đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước cho hồ Dầu Tiếng, một trong những hồ nước ngọt lớn nhất vùng cung cấp nước cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, công tác bảo vệ rừng có ý nghĩa hết sức to lớn. Tuy nhiên, những người tham gia bảo vệ rừng hiện nay gặp không ít khó khăn, nhất là tổ cộng đồng tham gia bảo vệ rừng.

Trung bình mỗi tháng, một người tham gia bảo vệ rừng nhận trên dưới 2 triệu đồng, trong khi phải đi tuần đêm, có khi đi nhiều ngày trong rừng, đối mặt nhiều nguy hiểm. Do đó, những tỉnh trong vùng được hưởng lợi từ rừng cần có chính sách quan tâm hỗ trợ Bình Phước đầu tư phát triển các thiết yếu văn hóa, hạ tầng xã hội vùng có cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng, trên tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ.