Bảo vệ động vật hoang dã từ tin nhắn tố giác

Tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về các vi phạm là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã. Nhờ làm tốt công tác này mà những năm qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khám phá, xử lý hàng nghìn vụ việc có liên quan, góp phần bảo vệ hiệu quả động vật hoang dã và trật tự an toàn xã hội.
Lực lượng liên ngành tỉnh Hà Tĩnh thu giữ tang vật trong một vụ án vận chuyển trái phép động vật hoang dã.
Lực lượng liên ngành tỉnh Hà Tĩnh thu giữ tang vật trong một vụ án vận chuyển trái phép động vật hoang dã.

Xử lý nhiều vi phạm nhờ tin báo

Thời gian vừa qua, các cơ quan có liên quan đã tiếp nhận nhiều tin báo của quần chúng nhân dân về việc đối tượng quảng cáo, rao bán động vật hoang dã trái phép trên mạng xã hội và các hình thức khác. Nhiều vụ việc bị xử lý theo quy định của pháp luật đã góp phần lập lại trật tự xã hội, ngăn chặn hành vi vi phạm của các đối tượng, bảo vệ hiệu quả động vật hoang dã.

Chỉ tính riêng trong những tháng gần đây, lực lượng công an cả nước đã khám phá hàng chục vụ vi phạm, xử lý hành chính và hình sự nhiều đối tượng liên quan.

Ngày 11/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng Phạm Hương Lan (sinh năm 1984, trú tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) với mức phạt 77,5 triệu đồng về hành vi đăng tải quảng cáo sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định. Trước đó, đối tượng đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân tên “Phạm Lan” để quảng cáo rao bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi, móng gấu, cao khỉ và nhiều sản phẩm khác.

Ngày 14/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng Nguyễn Thị Bích Hậu (sinh năm 1989, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) với mức phạt 85 triệu đồng về hành vi quảng cáo hàng cấm. Đối tượng này cũng đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải các bài viết quảng cáo, rao bán mật gấu, vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Cùng trong tháng 10, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng Nguyễn Thị Tuấn (trú trên địa bàn tỉnh Điện Biên) với mức phạt 70 triệu đồng cho hành vi quảng cáo mật gấu trái phép. Trước đó, sau khi tiếp nhận tin báo từ người dân, Công an thành phố Điện Biên Phủ đã phát hiện đối tượng Tuấn thường xuyên sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau để đăng tải các bài viết rao bán mật gấu trái phép.

Tại một số địa phương khác như Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Long An… thời gian qua, các lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ và xử lý nghiêm nhiều vụ việc, đối tượng liên quan đến động vật hoang dã, góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ hiệu quả động vật hoang dã.

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng ba quý đầu năm 2022, cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của tổ chức này đã ghi nhận 2.600 vụ việc vi phạm về động vật hoang dã, trong đó chiếm tới 52% là các vụ việc vi phạm trên internet (1.326 vụ). Một số nền tảng mạng xã hội thường ghi nhận các vi phạm như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok.

Năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 3.700 vụ việc vi phạm liên quan động vật hoang dã. Trong đó, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã chiếm tới 2.594 vụ việc, tiếp đến là gần 1.000 vụ việc liên quan tàng trữ, nuôi nhốt trái phép và hơn 180 vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã…

Lợi dụng sự thuận tiện của mạng xã hội (dễ dàng chào hàng, thỏa thuận mua bán với khách hàng, sử dụng được nhiều tài khoản ảo ẩn danh gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra), nhiều đối tượng đã quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm là “hàng cấm” theo quy định của pháp luật.

Hầu hết các đối tượng đều nhận thức được sản phẩm mình đang rao bán là hàng cấm nhưng lợi nhuận cao cùng mức độ rủi ro thấp đã thúc đẩy các đối tượng xâm hại đến các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm để thu lợi bất chính. Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà cho biết, thời gian qua nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến động vật hoang dã đã được quần chúng nhân dân tích cực tố giác cho các cơ quan có trách nhiệm.

Tăng cường tố giác

Thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho thấy, trung bình mỗi ngày tổ chức này tiếp nhận hàng chục vụ vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo qua đường dây nóng. ENV sau đó chuyển giao thông tin đến các cơ quan chức năng để giải quyết. ENV cũng theo dõi, cập nhật toàn bộ quá trình và kết quả xử lý các vụ việc trên cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã.

Theo đại diện của tổ chức này, năng lực của các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận và xử lý các vụ việc do người dân thông báo là yếu tố vô cùng quan trọng để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa người dân (bên thông báo vi phạm) và cơ quan giải quyết vi phạm trong nỗ lực ngăn chặn các vi phạm về động vật hoang dã.

Trong năm 2021, tỷ lệ phản hồi trung bình với các vi phạm do người dân thông báo trên cả nước vẫn tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý thành công các vụ vi phạm về động vật hoang dã nói chung và tỷ lệ xử lý thành công các vụ liên quan đến động vật hoang dã còn sống vẫn còn ít so với các tin báo.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do có những thông tin chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm để xử lý chậm trễ hoặc chưa đủ chứng cứ pháp lý và do tác động của dịch Covid-19 dẫn đến việc xử lý thông tin trong một số trường hợp chưa đạt hiệu quả.

Năm 2022, do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các cơ quan chức năng cũng đã cải thiện tốt năng lực xử lý các vi phạm về động vật hoang dã được người dân thông báo, đạt được kết quả cao hơn, nhiều động vật hoang dã đã kịp thời được cứu sống, thả về với môi trường tự nhiên.

Đà Nẵng hiện đang là địa phương có thành tích toàn diện nhất trong công tác xử lý các vi phạm về động vật hoang dã. Từ thông báo của người dân, riêng trong năm 2021, các cơ quan chức năng tiếp nhận và tịch thu 146 cá thể động vật hoang dã còn sống cùng nhiều sản phẩm động vật hoang dã, gỡ bỏ nhiều thực đơn, biển hiệu quảng cáo động vật hoang dã tại các cơ sở kinh doanh.

Thanh Hóa là tỉnh có tỷ lệ xử lý thành công các vi phạm về động vật hoang dã cao nhất trên cả nước, đạt mức 82,4%; tiếp đến là các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng trở thành những tỉnh nằm trong nhóm những địa phương đạt hiệu quả cao nhất trong công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã với tỷ lệ xử lý thành công đều đạt hơn 50%.

Theo thống kê, năm 2021, các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó chủ yếu là lực lượng công an và kiểm lâm đã phản hồi 97% các vi phạm về động vật hoang dã được người dân thông báo qua đường dây nóng. Con số này phản ánh sự chủ động của các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận và xử lý các vi phạm về động vật hoang dã được người dân thông báo. Sự tích cực trong việc phản hồi các vụ việc do người dân thông báo là điều kiện rất quan trọng để duy trì và thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa người dân và chính quyền trong quá trình xử lý các vi phạm về động vật hoang dã.

Mới đây, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (CNREC), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức chuỗi Hội thảo về bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam.

Theo đó, các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đã rất tích cực và chủ động trong phát hiện, báo cáo, kiến nghị về các vấn đề môi trường, ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp. Đây là một trong những thành công lớn, góp phần đáng kể vào thành tích chung của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về lĩnh vực này, giáo dục mọi người chấp hành pháp luật và có ý thức hơn.

Việt Nam đã có một hệ thống quy phạm pháp luật khá toàn diện để xử lý vi phạm về động vật hoang dã. Do đó, việc các cơ quan chức năng vận dụng quy định pháp luật để điều tra, xác minh cũng như xử lý nghiêm hành vi của các đối tượng có liên quan sẽ góp phần răn đe, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã.