Bảo vệ công nhân trước ma túy

Tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng ma túy trái phép đang có những diễn biến phức tạp. Ðáng báo động là công nhân, lao động tại các khu công nghiệp trở thành nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tội phạm ma túy dụ dỗ, lôi kéo vào các hành vi sử dụng trái phép, mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi truyền thông phòng chống tệ nạn ma túy do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Bộ Công an tổ chức.
Một buổi truyền thông phòng chống tệ nạn ma túy do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Bộ Công an tổ chức.

Do vậy, nơi ở, nơi làm việc của công nhân, lao động đã không còn an toàn, gây hoang mang, lo lắng cho không ít người, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và an ninh trật tự địa phương.

Công nhân, lao động trong các doanh nghiệp ở nước ta hiện có hơn 16 triệu người. Công nhân chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số dân cư, tập trung đông ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, là lực lượng quan trọng trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, phát triển kinh tế, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, bảo vệ công nhân trước tệ nạn ma túy là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho các cấp công đoàn, hệ thống chính trị và toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Địa bàn lý tưởng của tội phạm ma túy

Trung tuần tháng 6 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp Công an thị xã Quảng Yên tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với các công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. Quá trình tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu đối với 139 trường hợp công nhân đang làm việc tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 4 trường hợp cho kết quả dương tính với ma túy.

Hiện chưa có thống kê chính xác về số người sử dụng ma túy trong công nhân, lao động. Trong số 250 nghìn người nghiện và sử dụng ma túy theo báo cáo từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, có thể có hàng nghìn công nhân, lao động từ các ngành nghề: may mặc, điện, viễn thông, các doanh nghiệp tư nhân. Tội phạm về ma túy hướng tới đối tượng này là do đa số công nhân ở độ tuổi còn trẻ, sống xa gia đình, điều kiện sinh hoạt vật chất, tinh thần đều thiếu thốn, dễ bột phát tâm trạng buồn chán. Ði làm về, họ chỉ biết quẩn quanh trong khu nhà trọ, ít tiếp cận với các thông tin giải trí lành mạnh. Ðây là “mảnh đất” đầy “tiềm năng” để các đối tượng xấu tiếp cận, dụ dỗ sử dụng ma túy. Khi bị lệ thuộc, họ buộc phải vận chuyển, mua bán trái phép ma túy để có tiền mua thuốc.

Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Anh Mai Thế Bắc, sinh năm 1978, hiện là công nhân Công ty TNHH Sản phẩm Nhựa Hing Lung (Cụm công nghiệp-làng nghề thị trấn Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), từng nghiện ma túy trong 10 năm. Không chỉ quyết tâm cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời, anh Bắc còn dũng cảm “lộ diện”, là tấm gương cho nhiều công nhân trẻ tránh xa ma túy. Anh Bắc kể, trước đây, khi đi làm thợ xây, “được” bạn bè “động viên” sử dụng ma túy để có sức khỏe lao động, anh đã thử và nhanh chóng trở thành con nghiện.

Do lệ thuộc ma túy, chứng kiến tài sản trong nhà đội nón ra đi, vợ con nheo nhóc, mẹ già ốm liệt giường không có tiền thuốc thang chạy chữa, đám bạn chơi ma túy đều chết vì sốc thuốc, anh thấy cùng quẫn và đã nhiều lần tìm đến cái chết. May mắn, công an huyện Nga Sơn động viên, tạo điều kiện cho Bắc cai nghiện tại nhà; cùng gia đình là điểm tựa tinh thần cho những ngày Bắc bị vật thuốc. “Tôi được như ngày hôm nay là nhờ công lao, ơn nghĩa của biết bao người.

Bên cạnh gia đình là các đồng chí công an; rồi ban lãnh đạo, cán bộ công đoàn Công ty TNHH Sản phẩm Nhựa Hing Lung đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội làm việc, có thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Tôi khuyên mọi người đừng dại dột “thử một lần cho biết” như tôi, trót dính vào ma túy thì gia đình tan nát hết”, anh Bắc chia sẻ.

Vàng Seo Dế, công nhân Công ty TNHH Optrotec (Khu công nghiệp Bá Thiện 2, Vĩnh Phúc), quê ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai kể: “3 năm trước, tôi xuống TP Lào Cai làm nghề bốc xếp. Người bạn cùng xóm trọ không có điện thoại di động, mỗi khi có việc cần liên lạc lại mượn điện thoại, sử dụng các ứng dụng Zalo, Facebook của tôi liên lạc. Do tin bạn, tôi vô tư cho mượn. Chủ trọ biết việc nói cho tôi biết đối tượng này nghiện hút, nên tránh xa. Sau khi kiểm tra các liên lạc của “người bạn” kia thấy toàn liên lạc với các đối tượng nghiện hút, tôi đã nhanh chóng rời khỏi nhà trọ, nghỉ việc và xin vào làm công ty hiện nay”.

Gặp Dế tại buổi truyền thông về tác hại ma túy do tổ chức công đoàn phối hợp công an tổ chức, anh cười bảo: “Cũng may, tôi được cảnh báo kịp thời chứ không có lẽ giờ đã nghiện ma túy. Từ trải nghiệm thực tế và qua những buổi truyền thông hữu ích này, tôi sẽ cố gắng trở về nhà trọ làm tuyên truyền viên, giúp đồng nghiệp tránh xa ma túy”.

Thực tiễn nhiều địa phương cho thấy tội phạm ma túy luôn tìm cách tiếp cận, tác động tới công nhân, lao động, biến khu nhà trọ, cổng xí nghiệp thành nơi mua bán trái phép ma túy. Ðã có công nhân trở thành người nghiện ma túy, rồi tội phạm ma túy. Vì vậy, phòng chống ma túy nhằm bảo đảm cuộc sống bình yên cho công nhân, lao động nói riêng, cho cộng đồng xã hội nói chung là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Bảo vệ công nhân trước ma túy ảnh 1

Tuyên truyền phòng chống ma túy tại Công ty TNHH Công nghiệp chính xác ESON Việt Nam (Khu công nghiệp Ðông Mai, Quảng Ninh).

Nâng cao sức “đề kháng” cho người lao động

Nhận diện nguy cơ cao đoàn viên, người lao động của mình là đối tượng hướng tới của loại tội phạm ma túy, từ năm 2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp Bộ Công an trong công tác phòng chống ma túy. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chỉ đạo công an các địa phương (đến cấp xã) điều tra cụ thể tình hình mua bán ma túy tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên toàn quốc, lập hồ sơ mới, đánh giá tình hình, xác lập chương trình hành động cụ thể.

Tháng 4 vừa qua, hai cơ quan tiếp tục ký quy chế phối hợp. Một trong những nội dung tập trung triển khai là phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy; triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để công nhân, viên chức, lao động yên tâm lao động, sản xuất.

Ðại tá Hoàng Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết: Ðể công tác ngăn chặn ma túy có hiệu quả, cần kết hợp cả giảm cung và giảm cầu. Công tác phòng ngừa để người lao động không tiếp xúc với ma túy, nhận biết tác hại của ma túy, đấu tranh làm sạch môi trường sống của công nhân rất quan trọng trong việc ngăn chặn ma túy xâm nhập vào khu công nghiệp và công nhân, lao động.

Nhiều năm qua, Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp công đoàn các cấp tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Tại các buổi tập huấn, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống ma túy chia sẻ kiến thức, cập nhật thông tin mới về diễn biến tội phạm ma túy tại Việt Nam, giúp người lao động nhận biết mối nguy hiểm tiềm tàng liên quan ma túy trong cuộc sống và sinh hoạt thường ngày để chủ động phòng ngừa, “miễn nhiễm” với ma túy.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phê duyệt dự án Tăng cường phòng chống ma túy cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2021-2025; trong đó, xây dựng nhiều mô hình, hoạt động tuyên truyền có hiệu quả. Tiêu biểu là mô hình tổ công nhân tự quản tại các khu trọ, vừa làm công tác tuyên truyền, vừa có chức năng phát hiện, cảnh báo, tạo “tấm khiên” khiến các đối tượng tội phạm khó tiếp cận hơn với công nhân, lao động. Năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai Chương trình phòng chống ma túy cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với thông điệp “Vì một cộng đồng công nhân lao động khỏe mạnh và an toàn, hãy tránh xa ma túy”.

Hiện cả nước có hơn 2.600 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với hơn 206 nghìn công nhân, lao động tham gia. Tổ chức công đoàn tập trung xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, tập trung thực hiện hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần như: tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân, lao động nghèo, lao động mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn... Các giải pháp đồng bộ được coi là cách bảo vệ người lao động một cách toàn diện từ xa, trên diện rộng và hiệu quả.

Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Năm 2023, công đoàn các cấp đặc biệt chú trọng các giải pháp tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa ma túy và tội phạm cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh tuyên truyền bằng những hình thức mới trên các nền tảng mạng xã hội, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông để công nhân dễ tiếp nhận, cập nhật kiến thức về phòng chống tệ nạn ma túy; phối hợp chặt chẽ lực lượng công an cùng cấp, triển khai hiệu quả các giải pháp bảo vệ an toàn cho công nhân, lao động; nhân rộng mô hình tổ tự quản khu nhà trọ công nhân cùng các mô hình khác, biến những khu nhà trọ công nhân thành pháo đài bất khả xâm phạm đối với tội phạm ma túy.