Bảo tồn và phát huy hiệu quả văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk

NDO -

Ngày 27-10, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết năm năm thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 30-8-2016 của HĐND tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020.

Một lớp dạy đánh cồng chiêng cho sinh viên người DTTS  Trường Đại học Tây Nguyên. 
Một lớp dạy đánh cồng chiêng cho sinh viên người DTTS  Trường Đại học Tây Nguyên. 

Báo cáo tại hội nghị, Phó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn cho biết, sau năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Kế hoạch số 1336/KH-UBND ngày 28-2-2017 của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về văn hóa cồng chiêng; phục dựng, trình diễn các nghi lễ, lễ hội; cấp chiêng và trang phục truyền thống; đề nghị xem xét, phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian; tổ chức giao lưu, liên hoan văn hóa cồng chiêng và thực hiện tốt các nội dung đã cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO... Đến nay, các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đề ra đã hoàn thành, góp phần giữ gìn, bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng, từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2020, toàn tỉnh đã cấp được 26 bộ chiêng các loại cho những đội chiêng có nhiều thành tích tiêu biểu ở các buôn trong tỉnh; cấp 358 bộ trang phục truyền thống của người Êđê, M’Nông, Gia Rai cho các đội chiêng, đội văn nghệ ở các buôn. Ở cấp tỉnh đã tổ chức được 12 lớp với 479 học viên tham gia và cấp huyện, thị xã, thành phố mở được 112 lớp truyền dạy cồng chiêng và sử thi cho con em đồng bào DTTS các buôn làng trong tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục dựng được năm nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS và các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức được 131 nghi lễ, lễ hội và ngày hội truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với cồng chiêng; lập ba hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Nghi lễ vòng đời người của dân tộc M’Nông ở huyện Lắk; các bài chiêng cổ của dân tộc Êđê ở huyện Ea H’Leo và Lời nói vần của dân tộc Êđê ở huyện Cư M’gar; tổ chức biểu diễn định kỳ Chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách được 45 kỳ…., với tổng kinh phí được cấp triển khai thực hiện hơn 12,758 tỷ đồng. 

Với những việc làm và hoạt động thiết thực đó, văn hóa cồng chiêng đang “sống lại” trong đời sống của cộng đồng các dân tộc ở Đắk Lắk. Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào tháng 8-2020, toàn tỉnh hiện có 2.098 bộ chiêng, trong đó 1.645 bộ chiêng Êđê, còn lại là các bộ chiêng của các dân tộc khác như M’Nông, Giarai, Xơ-đăng…

Để văn hóa cồng chiêng phát huy trong đời sống cộng đồng, hằng năm, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh cùng với các địa phương trong tỉnh tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc; liên hoan văn hóa cồng chiêng; tổ chức các hoạt động diễn tấu cồng chiêng gắn với phục dựng các nghi thức, nghi lễ, lễ hội của đồng bào các DTTS như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng lúa mới, Lễ mừng cơm mới, Lễ cúng sức khỏe, Lễ cầu mùa no đủ, nghi lễ đám cưới, Lễ trưởng thành và nhiều nghi lễ, lễ hội khác… góp phần nâng cao đời sống tinh thần, lòng tự hào, sự hiểu biết, đoàn kết, thương yêu nhau trong cộng đồng các các dân tộc ở Đắk Lắk.

Tuy nhiên, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự giao thoa văn hóa, giữa lối sống hiện đại và truyền thống có sự đan xen, các giá trị của lễ hội truyền thống, môi trường, không gian văn hóa cồng chiêng như không gian nhà dài, không gian bến nước, không gian nương rẫy, không gian nhà mồ, không gian rừng, những dòng sông, con suối… đang thay đổi nhanh chóng, có nguy cơ mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc ở Đắk Lắk.

Việc thay đổi phương thức sản xuất đã kéo theo những biến đổi về nếp sống, sinh hoạt của người dân trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Các vấn đề như giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, xây dựng nếp sống văn hóa đã và đang chi phối mạnh mẽ các giá trị văn hóa truyền thống. Các thanh thiếu niên được các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy đánh chiêng, biết sử dụng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống, thường xuyên tham gia sinh hoạt văn hóa cồng chiêng tại cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi trưởng thành, các em lập gia đình và chuyển đến nơi cư trú khác ảnh hưởng đến việc duy trì đội chiêng ở các buôn làng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđóh đánh giá: Sau năm năm hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là việc tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, cấp chiêng và trang phục có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh trong các lễ hội của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Số chiêng, trang phục truyền thống được tỉnh cấp cho các buôn, đội văn nghệ đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần rất lớn cho các nghệ nhân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc duy trì tập luyện, tham gia các buổi phục dựng, trình diễn nghi lễ, lễ hội truyền thống, hội thi, hội diễn, liên hoan cồng chiêng ở địa phương, trong tỉnh, khu vực, cả nước và quốc tế, góp phần bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh.

Thông qua chương trình này, công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế đã được các cơ quan, đơn vị của Trung ương và địa phương quan tâm, tích cực phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, góp phần bảo tồn và lan tỏa những giá trị của văn hóa cồng chiêng đến với bạn bè trong và quốc tế.

Việc tổ chức cấp chiêng, trang phục truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ và tổ chức mở lớp truyền dạy đánh chiêng cho con em ở buôn đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục kế thừa di sản văn hóa cồng chiêng quý báu của cha ông để lại, tránh nguy cơ thất truyền. Bên cạnh đó, những năm gần đây, việc tổ chức phục dựng các nghi lễ, lễ hội gắn với cồng chiêng được đồng bào các DTTS đặc biệt quan tâm, mang lại giá trị tinh thần rất lớn cho bà con trong sinh hoạt cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđóh cũng đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương trong tỉnh khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk đã được chỉ ra để nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Nhân dịp này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã trao tặng Bằng khen cho bảy tập thể và sáu cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020.