Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là từ nhiều năm nay, có khá nhiều di tích đang bị con người và thời gian xâm hại nặng nề. Mặc dù công luận đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo nhưng tình trạng các di tích bị xâm hại vẫn chưa được cải thiện là bao.
Các di tích bị xâm hại do hai nguyên nhân chính là sự tàn phá của thời gian và do sự thiếu ý thức của con người. Ðiển hình cho tình trạng di tích bị thời gian xâm hại là đình Thông Tây Hội ở quận Gò Vấp. Ðây là ngôi đình thuộc diện cổ nhất thành phố hiện còn giữ được dáng vẻ nguyên vẹn. Tuy vậy, trải qua bao thăng trầm cùng sự tàn phá của thời gian, ngôi đình cổ này đã bị xuống cấp nặng nề. Nhiều cột gỗ đã bị mục ruỗng do mối mọt, ngói nhiều nơi vỡ nát và thường xuyên bị ngập nước khi có mưa lớn. Chùa Giác Viên ở đường Lạc Long Quân, quận 11 cũng nằm trong tình trạng tương tự. Ở ngôi chùa này, cùng với sự tàn hại của thời gian còn có sự vô ý thức của người dân góp phần hủy hoại bằng cách lấn chiếm và biến khu này thành nơi đổ rác và các loại xà bần. Theo Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa thành phố, hiện nay trên địa bàn có 27 di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đang bị xuống cấp cần tu bổ kịp thời, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia và 14 di tích cấp thành phố. Còn tình trạng di tích bị xâm hại do sự thiếu ý thức của con người thì phải kể đến di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Sắc Tứ Trường Thọ, ở phường 7, quận Gò Vấp; chùa Phụng Sơn (còn gọi là chùa Gò) ở đường 3 Tháng 2, chùa Giác Viên, chùa Phụng Sơn (quận 11) hay lò gốm Hưng Lợi (quận 8)... Hình thức xâm hại chủ yếu là do người dân sở tại lấn chiếm đất đai của các di tích để xây nhà và đã trở thành một thực trạng kéo dài mà đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Do đó, để các di tích không tiếp tục bị xâm hại, việc đầu tiên là thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những giá trị to lớn của các di tích để họ có ý thức gìn giữ và bảo vệ. Mặt khác, cần có chiến lược xây dựng và phát triển các di tích thành những điểm đến không thể thiếu trong các tua du lịch văn hóa - tâm linh quanh thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sở tại phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Nếu làm được như thế thì người dân sẽ có ý thức tự nguyện bảo vệ các di tích để thu hút khách du lịch, tăng thu nhập cho chính họ. Không có sự bảo vệ nào hiệu quả hơn việc bảo vệ quyền lợi của chính mình. Cùng với đó là cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với địa phương trong việc bảo vệ di tích. Ðể xảy ra tình trạng xâm hại di tích, trước hết là do chính quyền sở tại chưa quan tâm đúng mức, thậm chí lơ là bảo vệ di tích; sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương còn khoảng cách, chưa có sự đồng thuận. Nhưng xét đến cùng, trách nhiệm cao nhất trong chống xâm hại di tích thuộc về chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND phường, xã, quận, huyện cần thuộc và nắm vững Luật Di sản văn hóa thì công tác quản lý di tích mới chặt chẽ. Việc cần thiết trước mắt là thành phố phải chỉ đạo UBND các quận, huyện, phường, xã siết chặt việc quản lý di tích, không để người dân tiếp tục lấn chiếm đất đai của di tích như thời gian qua. Ðồng thời kiên quyết giải tỏa những hộ dân lấn chiếm để trả lại cảnh quan cho di tích và tạo thuận lợi cho việc tôn tạo, trùng tu, nâng cấp các di tích. Ðối với những di tích bị xuống cấp do thời gian, thành phố cần chỉ đạo Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích tiến hành khảo sát toàn bộ các di tích trên địa bàn. Ðánh giá đúng thực trạng từng di tích để có hướng trùng tu, tôn tạo, nâng cấp. Nên lựa chọn các di tích có ý nghĩa nhất lại vừa bị hư hại nhiều nhất để tiến hành tu bổ trước. Làm rốt ráo từng di tích một, theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu chắc đến đó, không dàn trải, manh mún. Việc tu bổ lại các di tích không đơn giản chỉ cần kinh phí là đủ mà trong tu bổ, cải tạo di tích không được làm mất đi những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc trưng vốn có của chính các di tích đó. Ðây là vấn đề đang được quan tâm trong công tác bảo tồn di tích trên phạm vi cả nước hiện nay.