Bảo tồn giống lúa nếp truyền thống

Giống lúa thuần bản địa có tên gọi nếp Bể (hay nếp Keo) tại huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) trước đây bị mai một, diện tích sụt giảm. Tuy nhiên với sự nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, phát triển của địa phương và doanh nghiệp, nếp Bể đã hồi sinh và bước đầu có chỗ đứng trên thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Giống lúa nếp Bể bản địa (còn gọi là nếp Keo) ở huyện Vũ Thư được bảo tồn và phục tráng thành công.
Giống lúa nếp Bể bản địa (còn gọi là nếp Keo) ở huyện Vũ Thư được bảo tồn và phục tráng thành công.

Nhớ lại những ngày đầu chỉ đạo thực hiện mô hình sản xuất lúa đặc sản nếp Bể làng Keo, thuộc xã Duy Nhất vào năm 2021, ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư chia sẻ: “Ðây là vụ mùa đầu tiên chúng tôi được Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình nâng cao giá trị sản xuất nếp Bể. Ðiều này đã khích lệ người dân địa phương bảo tồn và gìn giữ một giống lúa nếp truyền thống có hương vị đặc trưng và có giá trị trên thị trường nếu biết cách quảng bá, giới thiệu bài bản”.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương, nếp Bể có chất lượng vượt trội so với một số loại nếp hiện nay trên thị trường. Bằng cảm quan, có thể thấy cây đẻ nhánh khỏe, hạt gạo đều, tỷ lệ tấm thấp, khi nấu lên có mùi thơm nhẹ, cơm dẻo, đậm đà.

Bà Hoàng Thị Ðào, trú tại thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất cho biết: “Nhà tôi có 1,8 sào, mỗi vụ thu về hơn 1,5 triệu đồng/sào. Tôi tận dụng rơm để bán làm chổi cũng thu được thêm một triệu đồng. Trồng lúa nếp này kinh tế gấp mấy lần lúa tẻ. Chúng tôi dặn dò con cháu phải duy trì cấy giống lúa truyền thống của ông, cha, giới thiệu cho người dân khắp cả nước biết đến lúa gạo quê hương Vũ Thư”.

Ðể phục tráng và bảo tồn giống lúa nếp Bể, từ năm 2021 đến nay, Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã triển khai đề tài nghiên cứu bảo tồn, phục tráng và phát triển giống lúa nếp Bể Vũ Thư để xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Thái Bình. Qua đánh giá của các nhà chuyên môn, giống lúa nếp cổ truyền đang bị thoái hóa giống cho nên mất đi một số đặc điểm, vốn quý trước đây.

Vì vậy, tỉnh Thái Bình đã giao cho Viện Nghiên cứu cây trồng thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed thực hiện đề tài nghiên cứu để phục tráng giống lúa. Sau ba năm thực hiện, Viện nghiên cứu đã phục tráng thành công giống lúa nếp Bể Vũ Thư với những ưu điểm như: Cây sinh trưởng và cho năng suất cao hơn, chống chịu sâu bệnh, chất lượng gạo thơm, ngon đặc trưng.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ: “Là doanh nghiệp khoa học công nghệ, chúng tôi xác định rõ phải chung tay và có trách nhiệm góp phần bảo tồn nguồn gien quý bản địa. Ðây cũng nằm trong mục tiêu của đơn vị trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu và chọn tạo các giống cho năng suất, chất lượng cao hơn nữa và đích cuối cùng là phải xây dựng được thương hiệu lúa gạo Thái Bình”.

Ðề cập đến việc phục tráng giống lúa nếp Bể Vũ Thư, ông Ðặng Cao Cường, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu cây trồng, Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi tiến hành thu thập từ 15-20 mẫu giống lúa nếp Bể tại xã Duy Nhất, xã Vũ Tiến, xã Vũ Ðoài của huyện Vũ Thư có gieo cấy giống lúa này”.

Các phương pháp chọn lọc, phục tráng giúp giống lúa nếp Bể có độ thuần cao, thể hiện ở mức độ đồng đều của các chỉ tiêu hình thái, có tiềm năng năng suất cao hơn giống khi chưa phục tráng. Hạt giống có chất lượng cao, bảo đảm cho công tác nhân giống tiếp theo và có thể đáp ứng trực tiếp cho sản xuất. Chất lượng giống được phục tráng giữ nguyên được chất lượng quý hiếm vốn có của gien. Hạt giống được lưu giữ đạt chuẩn quốc gia về nguồn gien bản địa.

Ngoài sản phẩm là giống lúa được phục tráng, đề tài còn xây dựng các mô hình canh tác trong sản xuất, từng bước góp phần mở rộng diện tích, giới thiệu sản phẩm nếp Bể đặc sản địa phương ra thị trường tiêu thụ. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho các tổ chức và người nông dân có nhu cầu thông qua các buổi tập huấn, trình diễn mô hình, hội thảo đầu bờ, cung cấp tài liệu…

Ở vụ mùa năm nay, ThaiBinh Seed phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình trình diễn tại xã Duy Nhất với diện tích 50 ha, giống đối chứng là giống nếp người dân tự để giống. Sản lượng dự kiến thu được từ 150-200 tấn thóc, hiệu quả kinh tế tăng 10% so với đối chứng.

Giống lúa nếp Bể đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định công nhận giống lưu hành đặc cách. Việc cấp lại “căn cước công dân” cho giống lúa nếp Bể không chỉ làm “lành mạnh hóa” thị trường giống cây trồng mà còn tạo cơ hội cho thương hiệu gạo nếp Bể làng Keo vươn xa hơn. Với những giá trị riêng có của mình, gạo nếp Bể làng Keo của xã Duy Nhất đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp hạng 3 sao.