Bảo tồn bản sắc văn hóa từ trong trường học

Đưa bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương vào giảng dạy trong trường học là cách làm mà huyện Than Uyên (Lai Châu) đã và đang thực hiện nhằm duy trì, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học múa khèn của các bạn học sinh lớp 3 Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Tà Mung.
Giờ học múa khèn của các bạn học sinh lớp 3 Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Tà Mung.

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tà Mung, xã Tà Mung là đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác đưa bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa vào giảng dạy trong các giờ học ngoại khóa. Mặc dù chưa có kinh phí để mua sắm trang phục, nhạc cụ... làm giáo cụ phục vụ giảng dạy, thực hành và xây dựng không gian trưng bày văn hóa, nhưng để sớm đưa vào giảng dạy, các thầy giáo, cô giáo, học sinh đã cùng huy động và thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như Khâu thêu, Văn nghệ, Tù Lu, múa khèn, thổi sáo...; đồng thời thường xuyên tổ chức hội thi văn nghệ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; hội thi trang trí lớp học gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa từ trong trường học ảnh 1

Giờ học của câu lạc bộ khâu thêu khối lớp 5 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Tà Mung.

Không những vậy, tất cả các lớp học đều tổ chức trưng bày góc cộng đồng, tổ chức giữa giờ các trò chơi dân gian; các hoạt động múa hát sân trường; các bài hát, các điệu múa xòe, nhảy sạp, múa khèn của dân tộc Thái, H’Mông… Các hoạt động thiết thực này không chỉ giúp các em hiểu biết về bản sắc văn hóa của dân tộc mình mà còn được giao lưu học hỏi và biết thêm về bản sắc văn hóa của các dân tộc khác.

Em Lò Thị Ngọc, học sinh lớp 5A2 cho biết: Em đến trường ngoài học tập các môn chính thì còn được học khâu thêu may vá, học các tiết mục múa Thái, học chơi ném Pao của các bạn người H’Mông... Chúng em được chia thành các nhóm để tự giới thiệu về dụng cụ, trang phục, nhạc cụ… của dân tộc mình; thỉnh thoảng trong các giờ học ngoại khóa, em còn được các thầy, cô đưa xuống chợ phiên cạnh đó để xem và giao lưu văn nghệ với các cô chú, anh chị các bản ra biểu diễn ở chợ phiên. Nhờ vậy, chúng em không chỉ hiểu biết về văn hóa dân tộc Thái của mình, mà còn biết thêm văn hóa các dân tộc khác.

Bảo tồn bản sắc văn hóa từ trong trường học ảnh 2

Chị Cứ Thị Sau (người dân địa phương) được mời đến hướng dẫn học sinh trong câu lạc bộ khâu thêu Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Tà Mung.

Chị Cứ Thị Sau ở bản Hô Ta xã Tà Mung nguyên là cán bộ xã đã nghỉ hưu. Bốn năm nay, chị được Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tà Mung mời lên hướng dẫn cho câu lạc bộ khâu thêu của nhà trường với vai trò một nghệ nhân. Là người địa phương, thành thục khâu thêu, may vá cho nên giờ học ngoại khóa của câu lạc bộ mà chị Sau tham gia luôn được các học sinh nữ đón nhận và hưởng ứng. Mặc dù không có bất cứ phụ cấp hay hỗ trợ nào song chị Sau vẫn đều đặn một tuần hai buổi đến hướng dẫn câu lạc bộ.

Chị Sau chia sẻ: Tôi đến hướng dẫn các cháu biết may dây thắt lưng, gấu áo… biết thêu các họa tiết dân tộc mình lên váy áo là mừng lắm rồi. Ở đây, tôi hướng dẫn không chỉ con em đồng bào H’Mông mà cả các cháu học sinh người Thái cũng học được cách khâu thêu họa tiết truyền thống của dân tộc mình; ngược lại con em người H’Mông mình lại học được giá trị văn hóa truyền thống khác của dân tộc Thái từ những lớp học khác, điều này rất ý nghĩa.

Hiện nay tất cả 23 trường tiểu học, trung học cơ sở ở huyện Than Uyên đã thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với hơn 7.000 học sinh tham gia; 22 trong tổng số 35 trường học đã xây dựng Không gian văn hóa riêng, các trường còn lại lồng ghép không gian văn hóa trong “Góc cộng đồng” của thư viện hoặc trong lớp học. Bình quân các trường đều tổ chức ít nhất một lần trên tuần hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian trong các buổi chào cờ đầu tuần, hoạt động giữa giờ, các dịp lễ lớn, các hoạt động giáo dục ngoài giờ. Toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 80% học sinh là người dân tộc thiểu số mặc trang phục của dân tộc mình trong ngày lễ, trong tiết chào cờ đầu tuần...

Bảo tồn bản sắc văn hóa từ trong trường học ảnh 3

Học điệu múa dân tộc Thái của học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở xã Tà Mung.

Thầy Đoàn Văn Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên cho biết: Để có được kết quả trên, Phòng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm tại nhà trường; tuyên truyền để nghệ nhân, nhân dân, cha mẹ học sinh am hiểu về văn hóa các dân tộc, tham gia cùng các hoạt động bảo tồn văn hóa tại nhà trường; đồng thời, tổ chức tập huấn cho đội ngũ nòng cốt các trường, mời nghệ nhân câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian của huyện trực tiếp lên lớp.

Không những vậy, huyện còn chỉ đạo các trường tiếp tục thành lập câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, các câu lạc bộ được chia thành nhóm sở thích khác nhau. Các trường thực hiện giảng dạy lồng ghép nội dung bảo tồn văn hóa các dân tộc trong chương trình chính khóa, trong chương trình giáo dục địa phương và trong các hoạt động ngoại khóa.

Ngoài ra, chỉ đạo các trường xây dựng Không gian bảo tồn văn hóa các dân tộc, tại đây sẽ tổ chức trưng bày các sản phẩm văn hóa các dân tộc và làm địa điểm sinh hoạt cho các câu lạc bộ, địa điểm để tổ chức truyền dạy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp các dân tộc cho học sinh.