Bảo Thắng hướng tới huyện nông thôn mới nâng cao

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với tinh thần nghiêm túc và quyết tâm cao; đồng thời, phát huy được sức mạnh đoàn kết, khẳng định vai trò người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ tham gia mở rộng đường nông thôn với người dân địa phương.
Cán bộ tham gia mở rộng đường nông thôn với người dân địa phương.

Với hạt nhân là ba xã Sơn Hà, Xuân Quang và Sơn Hải đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện nay Bảo Thắng đang thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành “huyện nông thôn mới nâng cao” vào năm 2025.

Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, diện mạo nông thôn Bảo Thắng đang từng ngày khởi sắc; kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, trường học, điện lưới quốc gia, trạm y tế,... đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực, đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được giữ gìn và phát huy.

Theo báo cáo sơ bộ, hiện thu nhập bình quân đầu người ước đạt 72,8 triệu đồng/năm, giá trị sản phẩm thu hoạch/1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 110 triệu đồng. Kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, toàn huyện giảm 940 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo 4,72%, tỷ lệ cận nghèo 5,84%, tỷ lệ hộ khá giàu 46,35%.

Toàn huyện Bảo Thắng có 40 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, tiêu biểu có Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương tại thôn Bản Bay, xã Gia Phú có sáu sản phẩm OCOP đạt 3 sao và có sản phẩm trà cà gai leo hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước...

Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng Nguyễn Quang Úy cho biết, nổi bật nhất là phong trào hiến đất làm đường nông thôn đã trở thành điểm sáng ở đây.

Trong năm 2023, huyện thực hiện mở rộng nền đường được 81,2 km, lũy kế 183,3 km và đổ bê-tông được 107,94 km, lũy kế 110,5 km đường giao thông nông thôn mở rộng, với tổng kinh phí huy động sức dân trong năm là 20,3 tỷ đồng.

Số diện tích đất do nhân dân hiến để xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm: 217.235m2 và 80.688 công lao động thực hiện làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Toàn huyện có 355,3 km đường hoa, 453,4 km đường điện thắp sáng, 239,1 km đường cắm cờ Tổ quốc theo mẫu định hình trên các trục đường chính, đường liên thôn, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, văn minh.

Tính đến hết năm 2023, toàn huyện Bảo Thắng có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, ba xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao là Sơn Hà, Xuân Quang và Sơn Hải...

Bí thư Chi bộ thôn Chính Tiến (xã Gia Phú) Trần Quang Khải cho biết: Thôn có 162 hộ, 601 nhân khẩu, 100% hộ sản xuất nông nghiệp. Địa bàn rộng, dân cư sinh sống rải rác nhưng Chính Tiến là thôn điển hình của tinh thần đoàn kết, nhất là trong hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Từ năm 2020-2023, người dân thôn Chính Tiến đã hiến hơn 4,4 ha đất (trong đó không ít hộ sẵn sàng hiến 2.000m2 đất), đóng góp hơn 1 tỷ đồng để mở mới và mở rộng 7,5 km đường giao thông nông thôn, trong đó mở mới 3,4 km đường 3m và 4,1 km đường 4m-7m.

Thực hiện Đề án xây dựng huyện Bảo Thắng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 525/QĐ-UBND ngày 10/3/2023, theo Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng Trần Minh Sáng, địa phương sẽ tập trung vào năm trọng tâm chính như sau:

Thứ nhất, rà soát và bố trí nguồn lực để hoàn thành bốn tiêu chí còn lại là giao giao thông, y tế-văn hóa-giáo dục; kinh tế; môi trường và xây dựng ba thị trấn (Phố Lu, Tằng Loỏng, Phong Hải) đạt tiêu chí đô thị văn minh vào quý IV/2024.

Thứ hai, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong xây dựng nông thôn mới, huy động sự tích cực, chủ động tham gia của nhân dân, người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; phát huy vai trò của ban phát triển thôn, ban giám sát đầu tư cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy duy trì và thực hiện hiệu quả phong trào sáng thứ bảy dành cho cơ sở nhằm tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành các chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao.

Thứ tư, đề cao tinh thần, trách nhiệm người đứng đầu, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trong nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới nâng cao; kiên quyết xử lý các biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; kịp thời khen thưởng, biểu dương, trọng dụng những cán bộ sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung.

Cuối cùng là tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đánh giá, khen, thưởng việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, coi kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới là căn cứ quan trọng để đánh giá năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương...