Theo Báo cáo nhanh của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, thiệt hại sơ bộ tính đến 17 giờ ngày 7/9, bão làm bốn người chết (trong đó Quảng Ninh 3 người, Hải Dương một người) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58 người, Hải Phòng 20 người).
Về tàu thuyền, có 5 tàu xi-măng, một tàu gỗ loại nhỏ của tỉnh Quảng Ninh bị chìm tại nơi neo đậu, một tàu vận tải (Huyển Trang 02 - Hải Phòng) bị đứt neo trôi dạt.
Thành phố Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương mất điện trên diện rộng. Nhiều nhà dân bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Quảng Ninh là một trong những địa phương nằm trong tâm bão số 3. Bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149 km/giờ), giật cấp 16, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Bão đã làm ít nhất 3 người chết, 58 người bị thương. Tại thành phố Hạ Long, hàng loạt cây xanh ở các tuyến phố bị gãy, đổ, bật gốc; tuyến đường Quốc lộ 18A, các cây xanh bị đổ hàng loạt. Nhiều nhà dân bị tốc mái, hàng quán, cửa hàng lớn bị sập, tốc mái. Các tấm tôn bị gió cuốn bay khắp nơi. Nhiều tòa chung cư bị rơi vỡ cửa, tấm kính. Nước biển dâng cao gây ngập cục bộ ở một số nơi, nhiều tàu, thuyền bị chìm. Bên cạnh đó, hệ thống điện cũng bị tê liệt, nhiều cột điện gãy, đổ gây mất điện toàn tỉnh Quảng Ninh.
Chiều 7/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh tới thăm hỏi, động viên những người gặp nạn do bão số 3 đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Theo Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, tính đến tối 7/9, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 20 người bị thương do bão, trong đó có 6 ca nặng đang được điều trị tích cực.
Trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng ghi nhận những thiệt hại ban đầu về tài sản do bão số 3 gây ra. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố cho biết, nhiều nơi bị cắt điện, nhiều nhà dân bị tốc mái tôn, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập úng, chăn nuôi bị thiệt hại. Tại quận Ngô Quyền, nhiều cây xanh bị gãy, đổ; cột điện hạ thế bị đổ; một trạm biến thế trung và cao áp bị hư hỏng. Tại hai huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, nhiều cây xanh ven đường, cột điện, một số diện tích lúa bị ngã, đổ; huyện Tiên Lãng có trang trại chăn nuôi gà quy mô 7.000 con bị tốc mái... Tại các quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh và hai huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, nhiều mái tôn, biển quảng cáo bị thổi bay, cây xanh bị gãy, đổ nhiều làm hư hại đường dây điện, đường điện 110 kV gặp sự cố. Tại huyện đảo Cát Hải, tàu Minh Anh 01 bị mất khả năng điều động, trôi dạt tại khu neo trên vịnh Lan Hạ.
Tại thành phố Hà Nội, từ chiều 7/9, lượng mưa tiếp tục gia tăng, gió rất mạnh nhưng không xảy ra úng ngập khu vực đô thị. Khu vực ngoại thành xuất hiện một số điểm ngập úng cục bộ. Nhiều diện tích lúa bị gãy, đổ do gió mạnh. Nhiều công trình xây dựng tạm, mái tôn bị tốc mái. Tầng hai ngôi nhà trên phố Khâm Thiên bị sập. Thành phố có hơn 500 cây xanh bị gãy, đổ, làm hư hỏng nhiều phương tiện giao thông, trong đó có cây đa cổ thụ gần hồ Hoàn Kiếm bị đổ, đè vào công trình. Đáng tiếc, cây xanh gãy, đổ đã làm hai người chết và bảy người bị thương. Các đơn vị chức năng nhanh chóng có mặt tại các vị trí cây gãy, đổ để giải tỏa, thu dọn hiện trường. Bão cũng gây ra nhiều sự cố hệ thống chiếu sáng công cộng, nhưng được khắc phục nhanh chóng. Tổng công ty Điện lực Hà Nội chủ động triển khai các phương án phòng chống bão và tăng cường nhân lực, phương tiện máy móc trực theo dõi, sẵn sàng khắc phục các sự cố, nhờ đó, đến 16 giờ 30 phút ngày 7/9, thành phố không phải cắt điện. Một số khu vực bị mất điện do cây xanh gãy, đổ đã được khắc phục nhanh chóng, khôi phục điện sớm.
Ngay từ sáng 7/9, trên địa bàn tỉnh Thái Bình rải rác bị mất điện cục bộ. Đến 15 giờ cùng ngày, Thái Bình mất điện trên diện rộng. Nặng nề nhất là 2 huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải. Toàn bộ các đường dây trung thế 22 kV và 35 kV từ trạm biến áp 110 kV Thái Thụy và 110 kV Thái Hưng đều bị sự cố và đã được Công ty Điện lực Thái Thụy tách ra khỏi vận hành để bảo đảm an toàn cho người và thiết bị.
Tại tỉnh Nam Định, bão số 3 gây mưa lớn, gió mạnh ở các huyện ven biển, thành phố Nam Định. Hiện toàn bộ tàu thuyền (đã neo đậu trong khu tránh trú), diện tích nuôi trồng thủy sản vẫn an toàn. Nam Định chưa ghi nhận thiệt hại về người; song nhiều địa bàn mất điện diện rộng do sự cố lưới điện. Thành phố Nam Định nhiều tuyến phố ngập sâu hàng chục cm.
Tối 7/9, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh có gió giật mạnh, lượng mưa lớn. Thống kê của các địa phương, ít nhất có 50 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại; 2.244 cây xanh bị gãy, đổ; ước tính có gần 5.800 ha cây trồng bị thiệt hại... Mưa bão làm hỏng 4 chuồng trại, 24 trạm bơm chống úng bị mất điện không vận hành được.
Tại tỉnh Hòa Bình, bão số 3 khiến mưa lớn kèm dông, lốc kéo dài gây nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu và hạ tầng. Tỉnh đã sơ tán 476 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm; trong đó, thành phố Hòa Bình 121 hộ; các huyện: Lương Sơn 19 hộ; Tân Lạc 108 hộ; Kim Bôi 19 hộ; Yên Thủy 60 hộ; Lạc Sơn 125 hộ; Lạc Thủy 24 hộ. Có 178 hộ có nhà bị tốc mái; tổng diện tích bị thiệt hại về nông, lâm nghiệp là 748,8 ha. Nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng...
Chiều 7/9, UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, bão số 3 khiến mưa to kèm theo gió lớn, gây thiệt hại tài sản của người dân. Sơ bộ đã có 60 ngôi nhà bị tốc mái một phần (từ 30 đến 50%) ở khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát; các bản: Pha Đén, Pù Quăn, Na Tao, Hạ Sơn, Pù Ngùa, Cá Tớp (xã Pù Nhi). Một số nhà ở khu phố Chiên Pục, thị trấn Mường Lát; bản Hạ Sơn, Na Tao (xã Pù Nhi) bị sạt lở móng nhà và cây đổ vào nhà.
Ngay sau khi bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp của Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại thành phố Hải Phòng, đánh giá tình hình ứng phó của các địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan khí tượng thủy văn cung cấp chính xác diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của bão sau khi đi vào đất liền, về cấp gió, lượng mưa để các đô thị, khu đông dân cư, vùng trung du miền núi phía bắc chủ động giảm nhẹ thiệt hại do cây cối, cột điện gãy, đổ, nhà cửa bị tốc mái, sập đổ, ngập lụt; phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng địa phương sớm đánh giá thiệt hại, chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung khắc phục, sửa chữa lưới điện, hệ thống thông tin, liên lạc. Ở những nơi bão tan, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, xác định các khu vực hỗ trợ; phối hợp các lực lượng, cơ quan đoàn thể, nòng cốt là lực lượng vũ trang triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiệt hại, bảo đảm đời sống của nhân dân, không để ai bị đói, bị rét, không có chỗ ở.
Trước đó, sáng 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đến Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia kiểm tra tình hình diễn biến bão số 3 đang tiến vào các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, thành phố Hải Phòng.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tới 17 giờ ngày 7/9, các cơ quan chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người; toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh-Nghệ An và Quảng Bình cấm biển 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu được sơ tán đến nơi an toàn; trong đó: Quảng Ninh: 3.460 người, Hải Phòng: 23.581 người, Thái Bình: 21.510 người, Nam Định: 1.743 người; Ninh Bình: 2.685 người.
Chiều 7/9, Cục Hàng không Việt Nam quyết định kéo dài thời gian ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tai 3 Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cát Bi và Nội Bài do diễn biến bão phức tạp. Theo đó, tại Vân Đồn và Cát Bi, kéo dài đến 20 giờ ngày 7/9 (ban đầu dự kiến 16 giờ cùng ngày); tại Nội Bài, kéo dài đến 24 giờ ngày 7/9.
Để ứng phó bão, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định bãi bỏ nhiều chuyến tàu từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vinh (Nghệ An) và Sa Pa (Lào Cai). Cụ thể, bãi bỏ các đoàn tàu khách: SE11 xuất phát từ Hà Nội các ngày 9, 10, 11, 12/9 và tàu SE12 xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11, 12/9; tàu HP1/LP6 và tàu LP2/LP3 ngày 7/9; tàu LP5/HP2, tàu LP8/LP7 ngày 7/9; tàu HP1/LP2 ngày 8/9; tàu NA1/NA2 ngày 7/9; tàu SP3/SP4 ngày 7/9.
Tính đến cuối giờ chiều 7/9, bão số 3 làm hư hỏng một số vị trí trên các tuyến đường sắt: Hà Nội-Đồng Đăng, Gia Lâm-Hải Phòng, Kép-Hạ Long và tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh. Lực lượng chức năng từng bước khắc phục sự cố, đưa cây gãy, đổ ra ngoài và cử người theo dõi, cảnh giới tại các vị trí có cần chắn bị gãy.
Hải Dương nằm trên đường đi của bão số 3 với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12 cho nên chịu thiệt hại khá nặng nề. Bão gây đổ hàng nghìn cây xanh trên nhiều tuyến đường liên tỉnh, liên huyện và trong các đô thị. Sở Giao thông vận tải Hải Dương cho biết khi đủ điều kiện an toàn thì cho lực lượng địa phương phối hợp sở tập trung khắc phục, đưa tuyến đường vào hoạt động sớm nhất.
Tại tỉnh Bắc Ninh, tính đến 18 giờ ngày 7/9, toàn tỉnh có 40 nhà cấp 4, công trình phụ bị tốc mái, hơn 1.500 ha lúa, hoa màu bị ngập, đổ, 7 cột điện bị đổ, gãy, 1.515 ha lúa, hoa màu bị ngập, đổ; 47 nhà màng, nhà lưới bị tốc mái. Toàn tỉnh có khoảng 3.000 cây bị đổ, gãy; 29 lồng bè cá bị trôi dạt, hư hại, không có thiệt hại về người.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến 21 giờ ngày 7/9, các hồ chứa thủy điện của EVN ở khu vực phía bắc vẫn duy trì vận hành bình thường; lưới điện cao áp có 6 đoạn đường dây 500 kV, 31 đường dây 220 kV, 96 đường dây 110 kV bị tách khỏi vận hành do sự cố hoặc chủ động cắt để bảo đảm an toàn, đến thời điểm hiện tại chưa khôi phục được vận hành. Về lưới điện trung, hạ áp: do ảnh hưởng bởi gió bão lớn, nhiều đường dây và trạm biến áp phân phối bị sự cố hoặc phải cắt điện chủ động để bảo đảm an toàn cho khách hàng. Tối 7/9, lượng khách hàng bị mất điện do ảnh hưởng bão ở một số tỉnh, thành phố phía bắc như sau: Quảng Ninh: hơn 95%, Hải Phòng: hơn 95%, Bắc Giang: khoảng 70%, Hà Nam: khoảng 30%, Nam Định: khoảng 34%, Phú Thọ: 20%. Đối với các phụ tải quan trọng thiết yếu như bệnh viện, cấp nước sạch, thông tin liên lạc, các đơn vị đang duy trì nguồn phát bằng diesel; các đường dây bị sự cố do ảnh hưởng bão sẽ được các đơn vị điện lực tập trung xử lý, khẩn trương khôi phục cấp điện ngay sau khi bão tan.
Lực lượng chức năng huyện Mường Lát (Thanh Hóa) sơ tán người dân ở xã Pù Nhi và thị trấn Mường Lát khỏi các nhà bị tốc mái, đồng thời giúp người dân khắc phục nhà bị hư hỏng. (Ảnh LÊ DƯƠNG) |
Cây đa cổ thụ sau đền Bà Kiệu (Hà Nội) bị bật gốc. (Ảnh BÁO GIAO THÔNG) |
Mưa lớn kết hợp triều cường khiến nhiều khu vực tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng) bị ngập gần 1m. (Ảnh VIỆT HÒA) |
Tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9 về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão gửi Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc; bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng tại các Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9 và số 87/CĐ-TTg ngày 5/9, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và Nhà nước…
* Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia dự báo sáng 8/9, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 80-180 mm, cục bộ có nơi hơn 350 mm; phía Tây Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-350 mm, cục bộ có nơi hơn 500 mm. Các địa phương: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.