Đây là chương trình “Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, trao quà - mang Tết ấm đến với người nghèo Xuân Nhâm Dần 2022” được ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian dự kiến từ ngày 17 đến 20/1/2022.
Chương trình hướng đến các đối tượng: Đồng bào dân tộc thiểu số thuộc nhóm không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế sau khi triển khai Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; người chưa có thẻ bảo hiểm y tế thuộc diện “thoát nghèo” sau khi rà soát theo Nghị định số 7/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021; người thuộc hộ cận nghèo chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế khác;… và các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phải ở lại bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và cơ sở y tế huyện điều trị trong dịp Xuân Nhâm Dần 2022.
Nguồn kinh phí tặng sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện, thẻ bảo hiểm y tế và các phần quà trong chương trình được đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đóng góp từ 1 ngày lương, với mong muốn nhân lên những giá trị nhân văn, cao đẹp của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lan tỏa tình yêu thương để Tết ấm sẽ về với người dân còn khó khăn trên mọi miền quê hương của đất nước.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, chương trình là một hoạt động tiếp nối truyền thống "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta mà các thế hệ công chức, viên chức bảo hiểm xã hội Việt Nam đã không ngừng thực hiện trong những năm qua. Ngành bảo hiểm xã hội mong muốn góp thêm những tình cảm ấm áp để động viên các bệnh nhân vượt qua bệnh tật, những người có hoàn cảnh khó khăn có động lực vươn lên trong cuộc sống, nhất là trong những ngày Tết cổ truyền-vốn là dịp để mỗi chúng ta sum vầy bên gia đình, người thân.
Đại diện các bệnh viện và người nhà bệnh nhân tiếp nhận những phần quà của chương trình, Giám đốc Bệnh viện E Trung ương Nguyễn Công Hựu cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến hoạt động của bệnh viện thời gian qua, đặc biệt là những phần quà rất có ý nghĩa với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đơn vị.
Theo bác sĩ Nguyễn Công Hựu, trung bình mỗi dịp Tết Nguyên đán, số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ở lại điều trị không về quê vào dịp Tết cổ truyền tại bệnh viện là khoảng hơn 150 người. Không được quây quần bên gia đình dịp này, hầu hết mọi người đều cảm thấy buồn. Vì vậy, chương trình của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ là nguồn động viên, chia sẻ rất đáng quý, nhân văn, thể hiện tinh thần, truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc.
Có chồng đang điều trị tại Viện Bỏng Trung ương, chị Đồng Thị Hồng (35 tuổi, Hà Tĩnh) cho biết, Tết này chị sẽ ở lại bệnh viện. Chị Hồng cho biết, mọi năm 2 vợ chồng đều tham gia bảo hiểm y tế nhưng năm 2021 gặp khó khăn do dịch bệnh nên ngừng không tham gia. Tuy nhiên, cách đây 7 tháng, chồng chị bị tai nạn, phải chuyển ra Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Lúc này chị mới sốc vì số tiền phải chi trả cho ca phẫu thuật lên tới hơn 100 triệu đồng. Vay mượn, kêu gọi giúp đỡ, chị mới thanh toán đủ số tiền điều trị cho chồng và nhanh chóng quyết định: dù còn rất nhiều khoản phải chi tiêu vẫn cần dành một khoản tiền để tham gia tiếp bảo hiểm y tế cho 2 vợ chồng. Vì chị biết, hành trình chữa trị của chồng còn rất dài. Chỉ sau 1 tháng sau khi tham gia bảo hiểm y tế, tấm thẻ bảo hiểm y tế của chồng chị đã phát huy giá trị to lớn, giúp gia đình giảm phần lớn gánh nặng tài chính. Chị nhẩm tính, số tiền chồng chị được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám, chữa bệnh đến nay đã là vài trăm triệu đồng.
“Qua trường hợp của gia đình mình, tôi muốn khuyên mọi người, dù khó khăn thế nào cũng nên dành ra một khoản tiền để tham gia bảo hiểm y tế. Chỉ hơn 800 nghìn đồng cho 1 năm, số tiền không quá lớn, nhưng lợi ích mà tấm thẻ bảo hiểm y tế mang lại cho gia đình, người thân khi không may tai nạn, bệnh tật bất ngờ ập đến là rất lớn và ý nghĩa”, chị Hồng chia sẻ.