Báo động nạn bán gas giả

Người tiêu dùng nên thận trong khi mua gas.
Người tiêu dùng nên thận trong khi mua gas.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt (VATAP) cho biết, chưa bao giờ gian lận trong kinh doanh mặt hàng gas lại ở mức báo động như hiện nay.

Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh trong quý I-2007, số lượng bình gas giả bị bắt giữ đã lên tới gần 2.360 bình, bằng 40% so với cả năm 2006. Tình trạng này cũng diễn biến tương tự tại các địa phương khác, như Bình Dương, Lâm Đồng, Hà Nội, Hà Tây, Nam Định, Sơn La...

Theo ông Bảo, các hình thức gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh gas chủ yếu vẫn là sang chiết lậu, cân thiếu trọng lượng, chiếm dụng vỏ bình của các hãng có uy tín để tái chế thành vỏ của mình, sau đó gắn tem và nhãn giả để lưu hành ra thị trường.

Trong khi đó gas là một mặt hàng dễ gây cháy nổ và phần lớn những vụ nổ, cháy gas thời gian qua bắt nguồn từ những cơ sở sang chiết gas trái phép, gây tổn thất nghiêm trọng về kinh tế và đe dọa tính mạng của người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Sỹ Thắng, Tổng giám đốc Công ty PetroVietnam, các bình gas giả loại 12 - 13 kg bị thiếu trọng lượng từ 0,5 đến 1 kg. Như vậy, trung bình người tiêu dùng bị "móc túi" 25.000 - 30.000 đồng cho mỗi bình gas giả. Không những thế, bản thân các công ty kinh doanh gas hợp pháp, như PetroVietnam, cũng bị thất thu và uy tín bị ảnh hưởng bởi nguồn gas không rõ nguồn gốc này.

Một nghịch lý là, mặc dù nhiều công ty kinh doanh gas biết rất rõ tình trạng gian lận trong kinh doanh gas của nhiều cơ sở, nhưng họ cũng thừa nhận, thật khó để bắt quả tang, bởi hầu hết các cơ sở này đều vũ trang rất kỹ, thường sang chiết gas vào ban đêm, thậm chí ngành chức năng chỉ biết được khi có sự cố cháy nổ xảy ra tại địa phương. Trong khi đó, việc xử lý đối với những cơ sở vi phạm còn quá nhẹ tay cũng là một nguyên nhân khiến nạn sang chiết gas trái phép có cơ hội tái diễn.

Ông Bảo thừa nhận, cơ chế quản lý trong kinh doanh mặt hàng gas còn bộc lộ nhiều bất cập. Việc quản lý nặng về hình thức, quy chế xử phạt chưa đủ sức răn đe, thiếu các quy định đề phòng gian lận thương mại từ khâu cấp phép đến hậu kiểm, chưa có quy định về chất lượng gas... "Mức siêu lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh gas trái phép và việc xử phạt quá nhẹ là nguyên nhân làm nạn gas giả nghiêm trọng hơn và khó kiểm soát", ông Bảo khẳng định.

Hiện tại, mỗi năm nước ta phải nhập khẩu khoảng 500.000 tấn gas do Nhà máy Dinh Cố mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng gas trên cả nước. Theo nhiều công ty kinh doanh gas thì chính việc quản lý nhập khẩu gas không chặt chẽ cũng tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh gas trái phép sở hữu được nguồn gas để sang chiết nhằm kiếm lợi nhuận bất chính.

Đối với người tiêu dùng, để tránh mua phải gas thiếu trọng lượng, gas giả do các cơ sở sang chiết gas trái phép cung cấp, đại diện Công ty Gas Petrolimex khuyến cáo, chỉ nên mua gas tại những đại lý hoặc các nhà cung cấp lớn, có biển hiệu và để ý đến logo, tem dán, các phụ kiện của bình gas như van, dây dẫn. Đặc biệt, phải hết sức thận trọng với những loại bình cũ,  bị hoen rỉ...

Trao đổi với các doanh nghiệp kinh doanh gas, phần lớn ý kiến cho rằng, ngành chức năng cần điều chỉnh và bổ sung những quy định mới, cụ thể hơn đối với việc cấp phép kinh doanh mặt hàng gas, bởi nếu quản lý không chặt sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng con người, trong khi đất nước lại mất đi một khoản thu thuế đáng kể. Mặt khác, do gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên cũng cần quy định cụ thể về mặt bằng, điều kiện nhà xưởng, kho bãi, chất lượng vỏ bình và cần có sự kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng.