Theo Ban Điều hành gói thầu XL01, do gói thầu nằm ở khu vực có địa hình phức tạp nhất trên toàn tuyến cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột với nhiều đồi núi cao, vực sâu, đồng thời lại nằm trên địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, việc giải quyết các thủ tục cũng như công tác thi công gặp nhiều khó khăn. Đến nay, mặt bằng nhà thầu được bàn giao đạt 97%.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công, liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã huy động nhân sự, xe máy thiết bị, triển khai 12 mũi thi công bao gồm hai mũi thi công hầm Phượng Hoàng, 5 mũi thi công đường và 5 mũi thi công cầu, đường. Sản lượng thực hiện đến nay đạt hơn 80,5 tỷ đồng trong tổng số 3.083 tỷ đồng, đạt 2,6%. Tuy nhiên, hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn mùa mưa Tây Nguyên, do đó, đơn vị thi công phải sử dụng đá khoan từ hầm Phượng Hoàng rải dọc đường dẫn vào khu vực Ban Điều hành dự án và khu vực đang đào hầm nhằm bảo đảm việc đi lại được thuận lợi hơn.
Sau hơn một tháng kể từ thời điểm mở cửa hầm phía tây, đến nay, các đơn vị thi công hầm Phượng Hoàng đã đào được 18 m hầm phải, 31 m hầm trái. Hai ống hầm đang được thi công giai đoạn ở cửa hầm, địa chất chưa ổn định, tốc độ đào trung bình 0,7 m dài hầm/ngày. Khi thi công sâu vào phía trong hầm khoảng 50 m-100 m, tốc độ đào hầm có thể tăng lên hơn 1 m-2 m dài/ngày. Hiện nay, nhà thầu đang huy động nguồn lực để đẩy nhanh thi công nổ mìn phá đá, khoan hầm. Dự kiến, ống hầm trái và phải lần lượt sẽ được thông vào tháng 10/2025 và tháng 12/2025.
Để bảo đảm tiến độ dự án, nhất là tiến độ thi công hầm Phượng Hoàng, đại diện Ban Điều hành gói thầu kiến nghị chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp xử lý các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bãi thải, nguồn vật liệu và nguồn điện để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Ông Ngô Hữu Khoa, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột cho biết, hầm Phượng Hoàng là hạng mục luôn ở đường găng tiến độ.
Hiện nay, toàn bộ mặt bằng phía cửa đông hầm Phượng Hoàng thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa được bàn giao để thi công, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung. Mặt khác, để bảo đảm tiến độ, các nhà thầu đã chủ động tự bỏ kinh phí để đầu tư hệ thống đường dây 22kV và các trạm biến áp phục vụ thi công. Nhưng đến nay, các trạm biến áp vẫn chưa được đóng điện. Nhiều máy móc, thiết bị, cụm sản xuất vật liệu phải sử dụng máy phát điện để thi công, gây phát sinh phụ phí rất lớn cho nhà thầu.
Cũng theo ông Khoa, cùng với những khó khăn về nguồn điện, hiện nay, gói thầu XL01 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột cũng đang gặp khó khăn về bãi thải, nguồn cát. Để có cát xây dựng, liên doanh nhà thầu phải mua cát ở khu vực khác rất xa công trường để chở về trộn bê-tông, làm tăng chi phí. Bên cạnh đó, bãi thải đất đá đào hầm Phượng Hoàng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các cấp, các ngành chức năng của địa phương cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn điện, bãi thải và tạo điều kiện cho nhà thầu thăm dò khai thác các mỏ cát gần công trình, giúp nhà thầu thi công, bảo đảm tiến độ dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Đây là tuyến đường chiến lược kết nối rừng với biển, nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối hành lang vận tải Đông-Tây...
Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, gắn với tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên. Vì vậy, hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa cần phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các ngành chức năng quan tâm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công toàn bộ dự án cũng như riêng hạng mục hầm Phượng Hoàng để các nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ dự án đề ra.