Bảo đảm nguồn nguyên vật liệu cho các dự án đường bộ cao tốc

Chiều 27/7, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, đại diện lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố liên quan các dự án 3 đường bộ cao tốc.

Tại cuộc họp đại diện các bộ ngành thông tin, trước đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột và Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1. Và Chính phủ đã quyết định hàng loạt cơ chế đặc thù để triển khai 3 tuyến cao tốc này với tổng mức đầu tư 84.463 tỷ đồng.

Riêng dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) và điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), tổng chiều dài tuyến hơn 188km. Trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh An Giang 56,7km, thành phố Cần Thơ 37,7km, tỉnh Hậu Giang 37,7km và tỉnh Sóc Trăng 56,1km. Đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng với sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 44.691 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h, giải phóng mặt bằng ngay theo quy mô quy hoạch được duyệt.

Bảo đảm nguồn nguyên vật liệu cho các dự án đường bộ cao tốc ảnh 1
Phó Thủ tướng kiểm tra tuyến đường cao tốc qua tỉnh An Giang.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, đại diện các tỉnh, thành phố, các nhà thầu tư vấn cho biết, dự án có thể khởi công theo đúng tinh thần Nghị quyết vào tháng 6/2023. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều khó khăn như như Hậu Giang, Cần Thơ không có nguồn cát nên khó chủ động; công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn chưa thuận lợi…

Tỉnh An Giang thông tin, thống nhất chủ trương bố trí 1.380 tỷ đồng (từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý), để tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, phân đoạn qua địa phận tỉnh. Tiến độ bố trí vốn năm 2022 là 380 tỷ đồng; năm 2023 là 1.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, 3 dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung và các khu vực nói riêng cho hàng chục triệu dân.

Phó Thủ tướng lưu ý, mục tiêu của Nghị quyết đề ra đến tháng 6/2023 sẽ khởi công 3 dự án tuyến đường cao tốc trên, do đó, từ nay đến thời điểm khởi công đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan trung ương, các địa phương phải nhanh chóng trong đền bù giải tỏa, nguồn nguyên liệu xây cất để có những giải pháp triển khai kịp thời các dự án, tạo sự chuyển biến mạnh về hạ tầng giao thông.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng cao tốc và nguyên liệu phải chất lượng, giá thành vật tư phải chọn giá tốt, các mỏ vật liệu có vị trí thuận lợi cho việc vận chuyển để giảm chi phí; công tác giải phóng mặt bằng cần có sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, phải thực hiện đúng các khung chính sách và cơ chế. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà thầu xây dựng phải chọn nhà thầu có kinh nghiệm, uy tín, thực lực để đảm bảo chất lượng công trình, thời gian hoàn thành.

Sáng 27/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ khảo sát thực địa dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại các tuyến đường thuộc huyện Châu Phú, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Qua khảo sát, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh khi giải phóng mặt bằng, quy hoạch các khu tái định cư cần chọn những khu vực thuận lợi cho các hoạt động sinh kế của người dân; bảo đảm được nguồn vật liệu xây dựng…