Nguy cơ khu xử lý quá tải
Những ngày qua, trước thông tin phản ánh khu xử lý chất thải Quang Trung xả nước thải, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành, Đoàn kiểm tra gồm Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất và chính quyền xã Quang Trung đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Trong ngày 10/7, lực lượng chức năng đã kiểm tra tại khu vực chôn lấp chất thải trơ hợp vệ sinh, hồ phòng ngừa sự cố môi trường, khu thu gom nước rỉ rác trong khu xử lý; tiến hành lấy mẫu nước dưới đất, quan trắc không khí chung quanh khu dân cư gần khu xử lý, khảo sát suối Hai Cô và suối Reo, nơi tiếp nhận nước mưa của khu xử lý chất thải.
Trực tiếp tham gia kiểm tra, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất Lê Thế Việt cho biết: Qua theo dõi và kiểm tra thực tế khu xử lý chất thải Quang Trung không phát hiện xả nước thải ra môi trường, toàn bộ nước rỉ rác được thu gom, bơm ngược về xử lý, tái sử dụng. Đối với mùi hôi, ông Việt cho rằng: Đây là khu xử lý rác thải sinh hoạt có công suất lớn nhất tỉnh Đồng Nai, do đó, mùi hôi trong quá trình vận hành là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, thời gian gần đây đã giảm nhiều so những năm trước do chủ đầu tư đã có giải pháp xử lý bằng công nghệ men vi sinh. Còn theo đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Đồng Nai, đây là khu xử lý chất thải được quy hoạch bài bản, đầu tư hạ tầng đồng bộ nhất của tỉnh. Hiện tại, khu xử lý chất thải Quang Trung có vai trò quan trọng trong xử lý rác thải sinh hoạt của Đồng Nai, xử lý chất thải cho 8/11 huyện, thành phố. Việc kiểm tra được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai thường xuyên thực hiện, do vậy không có chuyện tại đây xả nước thải ra môi trường, mà nước được tái sử dụng 100%, kể cả nước rỉ rác.
Khu xử lý chất thải Quang Trung tại huyện Thống Nhất đi vào hoạt động từ năm 2009, có diện tích khoảng 130 ha, tổng mức đầu tư khoảng 650 tỷ đồng. Khu xử lý có công suất 1.200 tấn/ngày, đang tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt cho 8/11 huyện, thành phố trên địa bàn Đồng Nai. Tại đây, rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp tái chế chất thải làm mùn compost với công nghệ và dây chuyền nhập khẩu từ Bỉ, quy trình xử lý khép kín. Sau khi phân loại, hữu cơ từ rác thải sinh hoạt được tái chế thành mùn compost, lượng chất trơ còn lại được xử lý chôn lấp hợp vệ sinh. Khoảng hơn một năm nay, khu xử lý chất thải Quang Trung có nguy cơ quá tải do hết đất chôn lấp rác hợp vệ sinh. Chủ đầu tư đã kiến nghị điều chỉnh quy hoạch cục bộ để đáp ứng việc tiếp nhận chất thải.
Đầu năm 2024, quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Tấn Đức đã ký quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu xử lý chất thải Quang Trung nhằm chống quá tải tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt tại khu xử lý chất thải lớn nhất tỉnh. Giám đốc khu xử lý chất thải Quang Trung Trần Thị Thúy cho biết: Hiện đơn vị tiếp nhận hơn 1.200 tấn chất thải sinh hoạt/ngày. Sau khi tiếp nhận, 100% rác thải được tái chế phân compost, chất thải trơ sau xử lý dưới 15% được đem chôn lấp hợp vệ sinh.
Khu xử lý không để phát sinh nước, chất thải ra ngoài môi trường. Toàn bộ rác, nước rỉ rác đều được xử lý đúng quy trình trong nội khu. Khu xử lý chất thải Quang Trung đang thực hiện các thủ tục để làm ô chôn lấp số 15 quy mô 4 ha; đồng thời, thực hiện các bước để đầu tư dự án xử lý rác thải sinh hoạt phát điện hơn 3.000 tỷ đồng, với tổng công suất 600 tấn/ngày. Qua đó, tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt, góp phần bảo đảm môi trường cho tỉnh Đồng Nai.
Tiến tới xử lý rác phát điện
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai Trần Trọng Toàn cho biết: Từ năm 2000, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt quy hoạch các khu xử lý chất thải tập trung; sau đó, quy hoạch được điều chỉnh, bổ sung cho giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, tỉnh có chín khu xử lý chất thải với 17 dự án, trong đó, khu xử lý Bàu Cạn xử lý rác thải sinh hoạt cho hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch, Khu xử lý chất thải Quang Trung xử lý rác cho huyện Thống Nhất và thành phố Long Khánh; mỗi địa phương còn lại đều có một khu xử lý chất thải. Thế nhưng, rác thải sinh hoạt của tám trong số 11 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Nai đang được xử lý tại khu xử lý chất thải Quang Trung, nơi vốn chỉ quy hoạch xử lý rác cho hai huyện.
Thời gian qua, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh đã nhiều lần làm việc để tìm giải pháp xử lý vấn đề rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, các sở, ngành, địa phương chưa tập trung, ngồi lại cùng doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc đang gặp phải. Tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, những dự án được phê duyệt, cấp chủ trương đầu tư nhưng không hoặc chậm triển khai thì đề xuất thu hồi. Riêng khu xử lý chất thải Quang Trung, cùng với phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch để bảo đảm khả năng tiếp nhận rác, cần tiến tới xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện theo quy hoạch. Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại khu xử lý Vĩnh Tân.
Trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh duy trì bốn khu xử lý rác thải sinh hoạt, gồm: Bàu Cạn, Vĩnh Tân, Túc Trưng, Quang Trung. Những khu xử lý rác hiện hữu muốn tiếp tục hoạt động phải chuyển đổi sang công nghệ đốt rác. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng vừa cho ý kiến về nội dung “Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” để nhanh chóng phê duyệt, ban hành, áp dụng vào thực tiễn đời sống, với kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra là không để tồn tại công nghệ xử lý rác lạc hậu, phương tiện vận chuyển thô sơ mà sẽ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại, tăng tỷ lệ tái chế rác, hạn chế chôn lấp để giảm thiểu ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm.