Bảo đảm hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen

Gần hai tháng sau khi được triển khai, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Ðen đã góp phần đáng kể giúp hạ giá lương thực trên thế giới, song việc triển khai thỏa thuận đang đối mặt một số thách thức. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc và các nước liên quan đang nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn, giúp dòng chảy lương thực qua Biển Ðen thông suốt.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu chở ngũ cốc Ukraine neo đậu tại cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh Reuters)
Tàu chở ngũ cốc Ukraine neo đậu tại cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh Reuters)

Theo Trung tâm điều phối chung (JCC) - đơn vị giám sát việc thực thi thỏa thuận ngũ cốc, hành lang an toàn trên Biển Ðen đã giúp khoảng 130 tàu chở hơn 2,8 triệu tấn ngũ cốc rời các cảng của Ukraine đi phân phối cho thị trường thế giới. Nguồn cung này góp phần giúp ổn định giá ngũ cốc tại nhiều khu vực và xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) mới đây khẳng định, giá lương thực trên thế giới đã giảm tháng thứ năm liên tiếp và một trong những nguyên nhân giúp hạ nhiệt giá lương thực là việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine qua Biển Ðen sau 5 tháng bị gián đoạn.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) từng nhận định, bảo đảm nguồn cung từ Nga và Ukraine ra thế giới là chìa khóa quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì cung cấp cho thị trường toàn cầu. Ngoài lúa mì, Nga cũng là nhà sản xuất phân bón quan trọng. Tuy nhiên, những căng thẳng liên quan cuộc xung đột tại Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu từ hai vựa lương thực quan trọng này, đẩy giá lương thực toàn cầu tăng vọt. Ðể gỡ nút thắt nêu trên, hồi tháng 7 vừa qua, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine đã đạt được các thỏa thuận về việc tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua hành lang an toàn trên Biển Ðen, cũng như tháo gỡ trở ngại đối với việc đưa các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới.

Mặc dù đã mang đến nhiều kết quả tích cực sau gần hai tháng được triển khai, song thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc đang đối mặt một số trở ngại. Một trong những nội dung quan trọng của thỏa thuận là tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Mặc dù Mỹ và các nước phương Tây cho biết, ngũ cốc và phân bón của Nga không chịu lệnh trừng phạt liên quan cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, Moskva mới đây khẳng định, những tác động gián tiếp của các lệnh trừng phạt đã khiến việc vận chuyển và bảo hiểm cho hàng hóa xuất khẩu của Nga gặp khó khăn.

Những quan ngại nêu trên của Moskva được đưa ra trong bối cảnh thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 11 tới. Việc các bên có tiếp tục gia hạn thỏa thuận hay không hiện vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko (A.Ru-đen-cô) nhấn mạnh, khả năng thỏa thuận được gia hạn phụ thuộc vào việc các điều khoản được thực thi đầy đủ.

Ðể tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, mới đây, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc và Nga đã có cuộc gặp tại Geneva (Thụy Sĩ). Người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric (X.Ðu-gia-rích) khẳng định, cơ quan này đang tích cực làm việc với tất cả các bên liên quan để tháo gỡ những nút thắt, giúp dòng chảy lương thực qua Biển Ðen tiếp tục thông suốt. Trong cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin (V.Pu-tin), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cam kết sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết những vướng mắc hiện nay liên quan thỏa thuận.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cảnh báo, số người trên toàn cầu đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã lên tới 345 triệu người, tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2019. Con số đáng báo động này đã gửi đi thông điệp kêu gọi các nước tăng cường hợp tác trên tinh thần thỏa hiệp để cùng đẩy lùi cuộc khủng hoảng lương thực thông qua các giải pháp như thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Ðen.