Bảo đảm chất lượng sản phẩm cá sông Đà

NDO - Hòa Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản và đây cũng là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của địa phương, trong đó có nghề nuôi cá lồng trên sông Đà. Nhờ quản lý theo chuỗi giá trị, có sự kiểm soát tốt vệ sinh, an toàn thực phẩm, cá sông Đà đang ngày càng khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng cả nước….
0:00 / 0:00
0:00
Nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đang ngày càng mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đang ngày càng mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hòa Bình, để nâng cao chất lượng các nguồn lợi thủy sản, đẩy mạnh công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi thủy sản, ngày 31/10/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 2152/QĐ-UBND giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình là đơn vị quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Cá sông Đà-Hòa Bình" và "Tôm sông Đà-Hòa Bình".

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Cá sông Đà-Hòa Bình và Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Tôm sông Đà-Hòa Bình.

Từ năm 2017 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản của tỉnh đã cấp 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Cá sông Đà - Hòa Bình, tôm sông Đà - Hòa Bình" cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Bảo đảm chất lượng sản phẩm cá sông Đà ảnh 1

Thu hoạch cá lồng

Hiện nay, phong trào nuôi cá lồng bè của các hộ dân, doanh nghiệp đã phát triển khá mạnh, tập trung ở một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện ven lòng hồ sông Đà như Mai Châu, Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, ... với các loại cá có giá trị kinh tế như trắm, rô phi đơn tính, chiên, ngạnh, nheo, cá bỗng, cá tầm.

Tỉnh hiện có gần 3.000ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản và gần 5.000 lồng nuôi cá trên hồ Hòa Bình. Hiện toàn tỉnh có 37 hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản với quy mô hàng trăm lồng cá trên mặt nước, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, giải quyết công ăn, việc làm cho hàng nghìn người lao động.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản Nguyễn Thị Phương Thủy cho biết, để bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm các doanh nghiệp, các hợp tác xã đã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Bên cạnh việc kiểm tra định kỳ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục kết hợp với doanh nghiệp, hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản tham gia ký kết tiêu thụ sản phẩm. Do đó, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản lượng cá nuôi trên địa bàn luôn giữ ổn định đầu ra.

Các công ty TNHH thủy sản Hải Đăng, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Việt Đức, Công ty TNHH Hưng Nguyên, Hộ nuôi trồng thủy sản Hoàng Hoa Fish, Nhóm sản xuất nuôi cá lồng Nguyễn Xuân Sang, Hợp tác xã Đà Giang ECO … là các cơ sở được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Cá sông Đà - Hòa Bình, tôm sông Đà - Hòa Bình", ngày càng khẳng định được thương hiệu và chất lượng sản phẩm, giữ vững lòng tin và uy tín với người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp lớn của tỉnh, một mặt phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng, mặt khác trở thành “đầu tàu” trong việc liên kết chặt chẽ với các hộ dân, cung cấp con giống, thức ăn, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Để ngày càng khẳng định được thương hiệu của các cơ sở nuôi cá lồng trên sông Đà, các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Hòa Bình đang tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá sông Đà.

Bảo đảm chất lượng sản phẩm cá sông Đà ảnh 2

Bảo đảm chất lượng sản phẩm trong nuôi cá lồng.

Theo đại diện Công ty TNHH Thủy sản Hải Đăng, thời gian qua, doanh nghiệp đã đầu tư, liên kết nuôi cá sông Đà theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, doanh nghiệp đang tập trung nuôi cá lồng lăng đen, lăng vàng, trắm đen, trắm, chép, tầm…, với sản lượng đạt từ 500-600 tấn/năm.

Bên cạnh việc cung cấp cá sạch nguyên con cho các hệ thống siêu thị, nhà hàng, doanh nghiệp đã bắt tay, liên kết sản xuất kinh doanh với một số doanh nghiệp địa phương khác sản xuất các loại ruốc cá. Ruốc cá được đóng bằng lọ thủy tinh, gắn tem truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm ruốc cá đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao đang mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp, giúp mở rộng thị trường và quy mô sản xuất nhằm vươn tới thị trường xuất khẩu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận khẳng định, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá lồng được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi trồng thủy sản với quy mô 2540 lồng, sản lượng 4557,8 tấn/năm.

Năm 2023 Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản thực hiện kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ; được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và hỗ trợ tem truy xuất nguồn sản phẩm.

Kết quả cho thấy, hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản duy trì ổn định là 2.700ha; số lồng nuôi cá 4.890 lồng, đạt 100% kế hoạch đề ra; sản lượng thủy sản đạt 12.170 tấn. Trong đó: sản lượng khai thác 2.020 tấn, đạt 100% kế hoạch; sản lượng nuôi trồng 10.150 tấn, đạt 100% kế hoạch; sản xuất và ương dưỡng hơn 100 triệu con giống thủy sản, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Ngành thủy sản thường xuyên hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý nuôi, phòng, chống dịch bệnh; đã tổ chức giám sát, quan trắc môi trường và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi tập trung trên hồ thủy điện Hòa Bình; phổ biến, tuyên truyền hướng dẫn cho người nuôi trồng thủy sản chủ động các biện pháp phòng bệnh, đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn còn một số hạn chế cơ bản cần khắc phục như: tỷ trọng ngành thủy sản tăng khá song giá trị còn thấp và thiếu bền vững. Quy mô sản xuất nhỏ và phân tán; sản xuất theo chuỗi quy mô còn nhỏ, tỷ lệ chuỗi được xác nhận chưa cao; diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa có.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào lĩnh vực thủy sản còn thấp và có chiều hướng giảm, trong khi khả năng huy động nguồn lực trong dân thấp. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản còn chưa cao; công tác dự báo thị trường hạn chế nên sản xuất còn gặp nhiều rủi ro…

Trong bối cảnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp; nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các sản phẩm thủy sản của tỉnh phải cạnh tranh quyết liệt với thị trường bên ngoài đặt ra sự đòi hỏi, ngành thủy sản phải tiếp tục chuyển mạnh theo hướng tăng giá trị sản phẩm; mục tiêu chất lượng gắn với thương hiệu sản phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường ngày càng được coi trọng.

Sự liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân để tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm là xu hướng tất yếu và ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực thuỷ sản, phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản, ứng dụng công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm. Phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng, bè trong các thủy vực lớn, đặc biệt là trên lòng hồ thủy điện sông Đà, bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản và môi trường.

Tăng cường công tác dự báo phòng ngừa dịch bệnh, quản lý chất lượng sản phẩm, áp dụng các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra và quản lý chất lượng các vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản…