Bảo đảm chất lượng giảng dạy văn hóa trong các trường nghề

Chiều 6-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam có buổi làm việc với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH), Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), Tư pháp… về vấn đề giảng dạy chương trình văn hóa giáo dục phổ thông (GDPT) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường nghệ thuật.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành trao đổi, thảo luận về những hạn chế, vướng mắc đang đặt ra trong việc giảng dạy chương trình văn hóa GDPT tại các trường nghề cũng như giải pháp tháo gỡ nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Các ý kiến thống nhất khẳng định, tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị T.Ư 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT, Luật Giáo dục, các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ GD và ÐT, Bộ LÐ-TB và XH và các bộ, ngành liên quan đều mong muốn thực hiện giáo dục mở, liên thông giữa các trình độ, giữa các hệ thống và hình thức đào tạo.

Những năm gần đây, tín hiệu đáng mừng là số lượng học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề nhiều hơn trước. Bộ GD và ÐT, Bộ LÐ-TB và XH đã bàn phương án để học sinh tốt nghiệp THCS được chuyển sang học nghề; cho tuyển sinh hệ cao đẳng nghề.

Tuy nhiên, bên cạnh việc khuyến khích học sinh học nghề, cũng cần có giải pháp nâng cao chất lượng GDPT đạt chuẩn chung, thực hiện hội nhập quốc tế, văn bằng tốt nghiệp THPT quốc gia của Việt Nam được các nước công nhận. Trong khi chưa ban hành thông tư hướng dẫn, Bộ GD và ÐT đã có Văn bản số 2857/BGDÐT-GDTX về việc hướng dẫn tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, góp phần phân luồng học sinh sau THCS từ năm học 2020 - 2021. Theo đó, tạm thời trước mắt chưa mở rộng quy mô để các trường nghề trực tiếp dạy chương trình văn hóa tương đương chương trình THPT.

Ðại diện các bộ, ngành thống nhất đối với những trường nghề đang tiếp tục tuyển sinh, thời gian tới Bộ GD và ÐT sẽ có hướng dẫn rất cụ thể để bảo đảm chất lượng giáo dục. Về lâu dài, chúng ta tiếp tục thực hiện trên tinh thần đó nhưng phải tuân theo quy định của Luật Giáo dục là chỉ có các trung tâm giáo dục thường xuyên được chủ động hoặc kết hợp với trường phổ thông để dạy chương trình văn hóa bậc THPT…

* Chiều 6-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để giải quyết vướng mắc trong thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với phó chỉ huy trưởng quân sự (PCHTQS), phó trưởng công an (PTCA) và người làm việc theo hợp đồng lao động (HÐLÐ) tại UBND xã.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương tiến hành các thủ tục, thông báo, hướng dẫn để giải quyết các vướng mắc này. Những người còn đang làm việc thì các cơ quan đang sử dụng lao động tiếp tục có trách nhiệm đóng BHXH đầy đủ theo quy định. Ðối với những người hiện nay không có HÐLÐ thì được khuyến khích tiếp tục đóng BHXH theo diện tự nguyện để đáp ứng các yêu cầu được hưởng chế độ BHXH theo quy định của pháp luật. Những người chưa có khả năng đóng tiếp thì kết quả đóng BHXH được giữ nguyên. Theo quy định của pháp luật, những người này cũng có quyền hưởng BHXH một lần nhưng về cơ bản BHXH Việt Nam và các bộ, ngành khuyến nghị không nên rút vì số tiền không nhiều và khi có điều kiện thì có thể đóng tiếp để hưởng chế độ BHXH.

Bộ Nội vụ cho biết, tính đến trước ngày 1-1-2016, khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, chính sách về đóng BHXH đối với PCHTQS, PTCA và người làm việc theo HÐLÐ tại UBND xã có những thay đổi khác nhau, có giai đoạn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, có giai đoạn không thuộc diện tham gia. Sau khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, PCHTQS, PTCA và người làm việc theo HÐLÐ tại UBND xã thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, những người có thời gian tham gia BHXH bắt buộc ở giai đoạn trước khi không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (khoảng hơn 10 nghìn người) không được tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc trước đó để được hưởng chế độ, quyền lợi theo quy định.

PV