Bảo đảm cấp nước an toàn, số hoá quản lý, phát triển khách hàng

Một trong những thành quả đạt được của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn qua thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giai đoạn 2022-2026” là công tác bảo đảm cấp nước an toàn, phát triển khách hàng và giảm thất thoát nước. Bên cạnh đó, dịch vụ khách hàng luôn được chú trọng, triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn Tổng công ty với nhiều giải pháp đã góp phần bảo đảm mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm.
Nhân viên Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn phục vụ khách hàng.
Nhân viên Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn phục vụ khách hàng.

Đáng chú ý, kế hoạch giảm thất thoát nước trên hệ thống cấp nước thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025 được Tổng công ty triển khai gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh thực hiện hàng năm của các đơn vị, trong đó tập trung cải tạo các tuyến ống cũ mục, tăng cường quản lý đồng hồ nước, tiếp tục phân vùng tách mạng, hoàn thiện hệ thống đồng hồ tổng, rút ngắn thời gian khắc phục sự cố bể ống, qua đó tỷ lệ giảm thất thoát nước bình quân năm 2022 là 18,24% (thấp hơn 0,22% so với kế hoạch) và tỷ lệ giảm thất thoát nước bình quân năm 2023 giảm mạnh đạt 13,05% (thấp hơn 3,51% so với kế hoạch). Tỷ lệ giảm thất thoát nước bình quân 6 tháng đầu năm 2024 là 11,33% (thấp hơn 4,57% so với kế hoạch năm 2024 và thấp hơn 1,72% so bình quân năm 2023).

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng hợp lý, bảo đảm tổng công suất cấp nước của các nhà máy trong toàn hệ thống đạt 2,4 triệu m3/ngày đêm, trong đó lượng nước sản xuất trung bình gần 2 triệu m3/ngày đêm, công suất còn lại để dự phòng; điều tiết, điều phối hợp lý nguồn nước, bảo đảm áp lực nước trên mạng lưới, sẵn sàng cung ứng nước sạch theo nhu cầu của người dân Thành phố. Xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cấp nước có trọng tâm, trọng điểm, có kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư hợp lý và tận dụng hiệu quả các nguồn vốn khác, ưu tiên đầu tư các dự án bảo đảm cấp nước an toàn, các dự án phát triển mạng lưới tại những khu vực theo nhu cầu sử dụng nước sạch, bảo đảm phát huy hiệu quả kinh tế của dự án, tăng số lượng khách hàng và tăng sản lượng tiêu thụ nước sạch. Tính đến tháng 6/2024, Tổng Công ty đã cấp định mức nước sinh hoạt cho 84.569 danh bộ với 1.681.424 nhân khẩu.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn và các Công ty Cổ phần đã có bước chuyển biến tích cực trong việc cải cách thủ tục hành chính trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí hành chính, tiết kiệm thời gian, giảm thiểu sự phiền hà cho khách hàng.

Đơn cử như đa dạng hóa các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn hình thức thanh toán tiền nước phù hợp. Đến nay, hầu hết các đơn vị cấp nước đã không thực hiện việc thu tiền nước tại nhà khách hàng; mở rộng hợp tác với các kênh thu hộ tiền nước qua ngân hàng, các công ty dịch vụ thanh toán trung gian... Tỷ lệ hóa đơn thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn tổng công ty đạt 97,31%. Thực hiện đẩy mạnh triển khai “Ứng dụng chăm sóc khách hàng” trên một nền tảng chung với tính năng đồng bộ liên thông dữ liệu giữa các đơn vị cấp nước; hoàn thiện tính năng tiếp nhận trực tuyến các yêu cầu dịch vụ trên Ứng dụng chăm sóc khách hàng Sawaco và trang thông tin điện tử của Tổng công ty về đăng ký gắn mới đồng hồ nước, nâng, dời, đổi cỡ đồng hồ nước, đăng ký định mức nước sinh hoạt, tiếp nhận đơn thư phản ánh, khiếu nại. Phát triển các chức năng cho phép hệ thống phản hồi tình trạng thanh toán tiền nước của khách hàng, thông tin lịch đọc số, khách hàng báo chỉ số đồng hồ nước...

Lắp đặt thí điểm 54.621 đồng hồ nước thông minh, triển khai dự án hệ thống thanh toán lõi “Core Billing System” nhằm hiện đại hoá công nghệ, tối ưu quy trình quản lý khách hàng, xây dựng hệ thống quản lý khách hàng tập trung xuyên suốt từ Tổng Công ty với các đơn vị thành viên.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn nỗ lực tập trung triển khai các giải pháp khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành hệ thống cấp nước, quản lý chất lượng nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, mức độ an toàn trong sản xuất và quản lý nguồn nước đầu vào, đầu ra như: Triển khai xây dựng trung tâm quản lý vận hành hệ thống cấp nước (SWOC) tích hợp hệ thống SCADA, chia sẻ, tích hợp với các hệ thống như GIS, mô hình thuỷ lực để áp dụng vào quản lý mạng lưới cấp nước theo hướng công nghệ số; triển khai “Phần mềm ứng dụng mô hình thủy lực Water GEMS” với khả năng tương tác tiên tiến; ứng dụng các công nghệ, thiết bị (IoT) thông minh để thu thập dữ liệu trên hệ thống mạng lưới cấp nước theo thời gian thực, giúp cho việc phân tích, quản lý, ra quyết định một cách nhanh chóng theo thời gian thực...