Những ngày này, nhu cầu đi lại giao dịch, kinh doanh của người dân tăng cao, khiến giao thông trên nhiều tuyến đường nội đô và những đường vành đai ra vào thành phố Hà Nội càng thêm đông đúc. Ô-tô, xe máy nối đuôi nhau nhích từng mét là cảnh tượng xảy ra thường xuyên trên nhiều tuyến đường... Trước đây, giờ cao điểm, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ mới chỉ xảy ra ở các tuyến phố địa bàn trung tâm Hà Nội, thì nay có thể xảy ra ở mọi thời điểm. Dù lực lượng cảnh sát giao thông, dân phòng đã được tung ra các nút giao thông được cho là có nguy cơ ùn tắc cao, nhưng nhiều tuyến phố vẫn không thoát khỏi ùn ứ.
Ông Hoàng Lâm, ở quận Đống Đa cho biết, dịp cuối năm, lưu lượng người và hàng hóa dồn về Thủ đô khiến hạ tầng giao thông quá tải. Tắc đường, kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Tại một số tuyến đường vào trung tâm thành phố, đường vành đai như đường Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Giải Phóng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Lê Văn Lương, Tố Hữu… tình trạng ùn tắc giao thông không chỉ xảy ra vào khung giờ cao điểm buổi sáng và chiều, mà còn ở cả khung giờ buổi trưa. Có thời điểm, người tham gia giao thông chỉ có thể nhích từng mét, bởi một phần do một số công trình đang thi công xây dựng phải rào chắn, làm thu hẹp đường giao thông…
Theo ý kiến của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông. Bên cạnh các vấn đề được xem như “căn bệnh mãn tính” tại các cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố, là nạn xe “dù” bến “cóc”, xe khách trá hình, xe “rùa bò”, đi sai luồng tuyến vận tải, dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đi lại của những phương tiện kế bên, thì còn nguyên nhân quan trọng, đó là ý thức của người tham gia giao thông.
Tại tuyến đường Tố Hữu-Lê Văn Lương, từ lâu ùn tắc giao thông được coi như một “đặc sản”. Tại đây, tình trạng người dân di chuyển ngược chiều (đoạn từ phố Vũ Trọng Khánh đến đường Trung Văn) vẫn diễn ra. Anh Trần Trung, ở phường La Khê (quận Hà Đông) cho biết, ngày nào anh cũng phải đi làm từ rất sớm vì tuyến đường Lê Văn Lương thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. “Xe máy đi trên vỉa hè, lấn làn của xe buýt nhanh, xe ô-tô dàn hàng ngang lấn làn của xe máy, tạo nên khung cảnh hỗn loạn trong giờ cao điểm”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông. Bên cạnh các vấn đề được xem như “căn bệnh mãn tính” tại các cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố, là nạn xe “dù” bến “cóc”, xe khách trá hình, xe “rùa bò”, đi sai luồng tuyến vận tải, dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đi lại của những phương tiện kế bên, thì còn nguyên nhân quan trọng, đó là ý thức của người tham gia giao thông.
Tương tự, tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), từ lâu luôn là nỗi ám ảnh về tình trạng đông đúc và ùn tắc với nhiều người. Mặc dù từ ngày 6/8, Hà Nội đã tiến hành tổ chức thí điểm phân làn phương tiện tách riêng ô-tô, xe máy trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân) trong vòng một tháng. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện vẫn đi lại lộn xộn dẫn đến xung đột, ùn ứ.
Nhiều xe máy vẫn đi vào làn đường dành cho ô-tô. Trước tình trạng trên, nhằm góp phần tích cực giải bài toán ùn tắc giao thông, giảm đến mức thấp nhất áp lực giao thông cho khu vực trung tâm, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng quan trọng như cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên- Hoàng Quốc Việt; vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; vành đai 3 dưới thấp và trên cao, đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long; vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng… Tuy nhiên, do lưu lượng giao thông tăng nhanh, công tác tổ chức giao thông trên một số tuyến chưa tối ưu, khiến hàng loạt điểm ùn tắc giao thông tồn tại kéo dài.
Ngày 19/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân 2023. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân và người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia giao thông và thực hiện “đã uống rượu, bia - không lái xe”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đơn vị liên quan có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông, kịp thời giải tỏa không để phát sinh ùn tắc kéo dài khi có sự cố về giao thông, nhất là trong thời điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên các tuyến trục chính ra vào thành phố. Công bố thông tin cụ thể về phương án tổ chức, phân luồng giao thông, phương án tổ chức giao thông phục vụ các dự án; hướng dẫn người dân lựa chọn phương tiện, thời gian đi lại phù hợp, hạn chế dồn quá đông người đi lại trong thời gian cao điểm.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó, chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử phạt các hành vi điều khiển phương tiện vi phạm quy định về tốc độ; nồng độ cồn, ma túy… Cùng với việc thực hiện quy định trên, để góp phần giảm áp lực giao thông nhất là trong dịp Tết, các cơ quan chức năng cần có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc, không để phát sinh ùn tắc kéo dài...
Lực lượng liên ngành cần tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm, có chế tài đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Cùng với đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức tuân thủ quy tắc, chấp hành hiệu lệnh giao thông, góp phần giảm những điểm ùn tắc trong thành phố.