Thông báo số 843/TB-LÐTBXH ngày 22/3/2022 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tình hình tai nạn lao động năm 2021, cho thấy, toàn quốc xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động (giảm 1.876 vụ so với năm 2020), làm 6.658 người bị nạn (giảm 1.952 người so với năm 2020). Trong đó, có 749 vụ tai nạn lao động chết người, 786 người chết vì tai nạn lao động; thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động là hơn 3.954 tỷ đồng, trong khi thiệt hại về tài sản hơn 18 tỷ đồng… Thông báo này cũng nêu rõ các địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2021 là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Ðồng Nai, Quảng Ninh, Thái Nguyên.
Nhìn vào các số liệu thống kê nêu trên cho thấy, tình hình tai nạn lao động giảm ở nhiều tiêu chí, tuy nhiên, vẫn chưa thể thống kê đầy đủ, chính xác số vụ việc tai nạn lao động xảy ra do việc báo cáo, thống kê từ các đơn vị, doanh nghiệp còn chậm và chưa bảo đảm đúng yêu cầu. Hầu hết các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra nhiều ở các lĩnh vực như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là tại các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại...
Vấn đề đặt ra là, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đều đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập huấn việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động xảy ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Chính quyền các địa phương cần siết chặt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất về tình hình bảo đảm an toàn lao động tại các doanh nghiệp, các công trường, đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động. Các doanh nghiệp cần xây dựng, triển khai thường xuyên công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, an toàn tính mạng người lao động. Về phía người lao động, dù làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào, cũng cần được trang bị kiến thức và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản nhất để bảo đảm an toàn lao động.
Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hiện tại, hoạt động của phần lớn doanh nghiệp mới bắt đầu tăng tốc. Trong bất cứ lĩnh vực nào, người lao động cũng cần được quan tâm đúng mức, trước hết là việc bảo đảm an toàn lao động luôn phải đặt lên hàng đầu.