Là điểm du lịch tín ngưỡng nằm trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội), phủ Tây Hồ những ngày này luôn rất đông du khách trong và ngoài nước đến vãn cảnh. Trục đường chính dẫn vào phủ Tây Hồ nườm nượp người. Hai bên đường, các cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống như: bún ốc, bún cá, bánh tôm… nằm san sát nhau, hàng nào cũng đông khách. Nồi nước dùng, chảo mỡ rán bày biện ngay phía trước cửa hàng bốc khói nghi ngút. Khảo sát thực tế cho thấy, phần lớn các nhà hàng không thực hiện đầy đủ quy định về ATTP. Nhân viên của quán tay trần thay phiên nhau chiên, rán những chiếc bánh tôm, bánh rán, được “phơi” lộ thiên trước vỉa hè của quán. Chị Nguyễn Thị Mai ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Tranh thủ buổi trưa mấy chị em rủ nhau đến phủ. Sau khi khấn lễ cầu an, mình cùng nhóm bạn tặc lưỡi, ghé vào quán bánh tôm này. Thấy thực phẩm bày biện không dụng cụ che chắn kể cũng lo thật”. Với suy nghĩ “ăn tạm cho qua bữa”, nhiều du khách đã gián tiếp tiếp tay cho chủ các cửa hàng kinh doanh theo kiểu khuất mắt trông coi này.
Tại lễ hội chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), một trong những lễ hội lớn kéo dài suốt ba tháng, thu hút hàng triệu du khách, công tác bảo đảm ATTP luôn được Ban tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Trước khi khai hội, Ban tổ chức đã phối hợp cơ quan chức năng tổ chức tập huấn các kiến thức về ATTP cho các hộ kinh doanh, cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh ATTP và tiến hành khám sức khỏe cho những người trực tiếp chế biến thực phẩm. Các tổ thanh tra, kiểm tra cũng được thành lập, làm nhiệm vụ liên tục kiểm tra vấn đề ATTP của các hàng quán. Tuy nhiên, do lượng khách quá tải, cho nên nhiều nhà hàng vẫn cố tình vi phạm quy định về ATTP. Phổ biến là tình trạng nhà hàng, quán cơm... bày bán thực phẩm tươi sống, lẫn lộn với thực phẩm chín ngay trước cửa quán... Chưa kể, do địa hình các khu du lịch, lễ hội thường ở trên núi cao, việc sử dụng nước sinh hoạt còn khó khăn, dẫn đến việc chế biến thức ăn cho khách hàng thường có tính chất qua loa, đại khái, không bảo đảm tiêu chí ATTP. Theo Ban tổ chức lễ hội, các đoàn kiểm tra ATTP tuyến huyện, xã và thị trấn đã kiểm tra hơn 300 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống, trong đó tiến hành xử lý vi phạm 23 cơ sở với số tiền gần 33 triệu đồng. Tuy nhiên, sau ngày khai hội, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của Hà Nội đã kiểm tra ba nhà hàng kinh doanh tại chùa Hương và phát hiện hai nhà hàng thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng quy định.
Theo lãnh đạo Cục ATTP, không chỉ tại các lễ hội lớn, qua công tác kiểm tra cũng cho thấy, tại nhiều lễ hội diễn ra ở các địa phương, như hội đền Mẫu (Hưng Yên), hội đền Gióng (Sóc Sơn)… dịch vụ ăn uống (bún, phở, cháo, mì, xôi, nước giải khát các loại) xuất hiện theo hình thức tự phát để phục vụ du khách. Các món ăn nhanh như: xúc xích, bò viên, chè, trứng, bún, phở, hoa quả dầm… được bày bán sát lề đường. Trong khi đó, các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ lại chưa thực hiện nghiêm quy định đeo găng tay hoặc kẹp gắp khi chia thức ăn, trong khi bàn tay rất dễ nhiễm khuẩn Ecoli và là nguồn ô nhiễm lây truyền bệnh cho người tiêu dùng. Một trong những khó khăn được không ít địa phương chỉ ra, đó là dịch vụ kinh doanh ăn uống đi theo lễ hội thường mang tính thời vụ, cho nên nhận thức về bảo đảm ATTP của người kinh doanh, sản xuất chưa đầy đủ; người bán hàng di động nhiều nơi; hệ thống cung cấp nguyên liệu, nước sinh hoạt tại một số nơi chưa được bảo đảm. Mặt khác, lễ hội diễn ra trong một thời gian nhất định nhưng người tham gia đông, khuôn viên chật, khiến việc quản lý ATTP ít nhiều gặp khó khăn.
Hiện đang là thời điểm sôi động của mùa lễ hội xuân 2019, để bảo đảm kiểm soát được tình hình ATTP tại các lễ hội, cùng với việc thực hiện tốt quy định của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP mùa lễ hội xuân 2019, các ngành chức năng cần có sự phối hợp với chính quyền cơ sở, nơi tổ chức lễ hội, triển khai thông tin tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Có biện pháp triển khai quyết liệt, rộng khắp công tác thanh tra liên ngành về việc chấp hành các quy định về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh, kẹo, rượu, thực phẩm ăn ngay, nước giải khát, nước đá, thức ăn đường phố phục vụ lễ hội. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến mất ATTP trong mùa lễ hội là do lượng khách quá đông, cho nên các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm sẽ phải tăng công suất phục vụ, dẫn đến quá trình chế biến bị rút ngắn. Trong khi đó, ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP của cộng đồng chưa cao, nhất là việc chấp hành các quy định, hướng dẫn về bảo đảm ATTP chưa nghiêm. Bùi Văn Thắng Chuyên viên Bộ Y tế |
Hoạt động dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại các lễ hội, đền chùa thường đa dạng và khó kiểm soát, khó bảo đảm đầy đủ các điều kiện về ATTP. Chính vì vậy, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là rất lớn. |