Bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chợ truyền thống

Hiện nay, ở các địa phương tồn tại nhiều loại hình chợ truyền thống như chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ tổng hợp,… Chợ truyền thống đã và đang góp phần đẩy mạnh sản xuất, trao đổi các thông tin về giá cả, giao lưu hàng hóa; xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội; thể hiện bản sắc văn hóa riêng của mỗi vùng, miền. Bên cạnh đó, chợ truyền thống cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy, nổ nếu công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Thanh Trì, TP Hà Nội hướng dẫn tiểu thương chợ Yên Mỹ, huyện Thanh Trì sử dụng bình chữa cháy. (Ảnh HUY HOÀNG)
Cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Thanh Trì, TP Hà Nội hướng dẫn tiểu thương chợ Yên Mỹ, huyện Thanh Trì sử dụng bình chữa cháy. (Ảnh HUY HOÀNG)

Vừa qua, tại khu chợ Vina lợp mái tôn trên đường Lạc Long Quân, phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra cháy. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để dập lửa. Sau khoảng thời gian sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) của Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khống chế thành công ngọn lửa.

Vụ cháy đã thiêu rụi khoảng 50 ki-ốt của hơn 50 hộ kinh doanh tại đây. Nguyên nhân ban đầu vụ cháy là do chập điện, lửa từ một góc ki-ốt nhanh chóng lan ra toàn bộ khu chợ. Theo lãnh đạo UBND phường Khai Quang, đây là khu vực đất trống nằm trong quy hoạch của địa phương và không có quy hoạch xây dựng chợ. Khu vực xảy ra cháy là khu chợ mua bán hàng hóa được hình thành tự phát.

Trước đó, tại chợ đầu mối Tam Bạc (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Ðây là một trong những chợ lớn của thành phố chuyên kinh doanh các mặt hàng vải, quần áo, giày dép. Ðể khống chế ngọn lửa, lực lượng chức năng đã huy động 50 phương tiện (trong đó có 40 phương tiện chuyên dụng) và gần 1.200 người gồm các lực lượng cảnh sát PCCC, dân quân tự vệ, lực lượng tại chỗ...

Sau khoảng 3 giờ đồng hồ tích cực chữa cháy, vụ cháy chợ Tam Bạc đã được khống chế. Bước đầu thống kê có khoảng 665 quầy hàng của tiểu thương bị thiệt hại trong tổng số 775 quầy hàng. Ðồng thời, khi xảy ra cháy lực lượng chữa cháy đã nỗ lực sơ tán thành công hàng hóa tại 152 quầy hàng ra khỏi khu vực nguy hiểm...

Qua tìm hiểu tại một số chợ ở Hà Nội như chợ Ngã Tư Sở, quận Ðống Ða; chợ Khương Ðình, quận Thanh Xuân; chợ phường Hồng Hà, chợ phường Ðồng Tâm, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) thì hầu hết các chợ dân sinh tại nhiều địa phương thường chưa được đầu tư đầy đủ trang thiết bị về PCCC. Lối đi giữa các quầy, sạp hàng thường nhỏ hẹp và thường được các hộ kinh doanh tận dụng để bày bán hàng hóa. Ngoài khu vực chợ chính được xây dựng kiên cố thì tại các khu vực chung quanh thường dựng khung thép, mái lợp tôn hoặc các loại vật liệu gỗ, vải bạt, nhựa… có khả năng dẫn lửa nhanh nếu xảy ra cháy, nổ…

Bên cạnh đó, khu vực xây dựng chợ thường đặt tại những nơi đông dân cư, dễ giao thương hàng hóa. Do vậy, số lượng người, hàng hóa, phương tiện cá nhân và các chất dễ gây cháy như quần áo, vải vóc; đồ gia dụng (nhựa, gỗ, giấy…); khu vực để xe (xăng, dầu)… thường cao hơn so với các khu vực khác. Hoạt động thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, hút thuốc,… diễn ra tại nhiều chợ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn về PCCC. Ðội PCCC được thành lập tại các chợ còn hạn chế về số người, trong khi nhiều chợ có diện tích rộng lớn, nhiều tầng. Phương tiện chữa cháy tại chợ chủ yếu là các bình bột, bình khí chữa cháy cũ, thậm chí hết hạn sử dụng. Hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, các họng nước chữa cháy không được bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên dẫn đến hoạt động kém, thậm chí mất tác dụng khi xảy ra cháy.

Thượng tá Nguyễn Kim Oanh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Yên Bái cho biết, để chủ động phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ tại các chợ, trung tâm thương mại, lãnh đạo các địa phương, nhất là các ban, tổ quản lý các chợ phải tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tự giác thực hiện các biện pháp an toàn PCCC. Thường xuyên kiểm tra việc sắp xếp, bố trí hàng hóa tại các quầy sạp của các hộ kinh doanh. Hệ thống điện tại các chợ phải tách thành hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng, khi lắp đặt phải tính toán dòng điện tiêu thụ tránh hiện tượng quá tải. Hết giờ thì các hộ kinh doanh phải ngắt nguồn điện trong khu vực, chỉ để lại nguồn điện phục vụ công tác bảo vệ. Tuyệt đối không tự ý câu mắc theo đường dây dẫn điện, các thiết bị tiêu thụ điện như: quạt, đèn, ti-vi, bếp điện… sẽ dẫn đến hiện tượng quá tải gây cháy. Nghiêm cấm việc kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất nguy hiểm có nguy cơ gây cháy, nổ như: Xăng, dầu, cồn, ga, các hóa chất dễ cháy khác trong khu vực nhà lồng. Không được đun nấu, thắp nhang, đèn thờ cúng, vật liệu dễ cháy vào quầy, sạp hàng. Trang bị phương tiện chữa cháy đủ để tham gia chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ. Thành lập Ðội PCCC tại các chợ phải có đủ lực lượng để thường trực, tuần tra phát hiện cháy kịp thời. Thường xuyên, định kỳ tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, thực tập phương án, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho Ðội PCCC tại các chợ…

Ðể chủ động công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ xảy ra tại các chợ truyền thống, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phải thường xuyên hướng dẫn chủ cơ sở, Ban Quản lý chợ và đội viên đội PCCC cơ sở các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC; kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý triệt để các vi phạm quy định an toàn về PCCC; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH để chủ động ứng phó khi có tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Bên cạnh đó, chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cho hoạt động PCCC, có những giải pháp PCCC, kịp thời khắc phục những yếu kém, bất cập, nguy cơ dẫn đến cháy tại các chợ truyền thống... Tập trung nhân rộng mô hình "Chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC". (Nguồn: Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an)