Bảo đảm an toàn chạy tàu qua hầm đường sắt tại Quảng Bình

Trên tuyến đường sắt bắc-nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình có năm hầm được xây dựng từ thời Pháp đến nay xuống cấp nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu. Vì thế cùng với việc tạo thuận lợi trong công tác thi công gia công, cải tạo các hầm này, Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Bình đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn chạy tàu qua các vị trí xung yếu.
Công nhân thi công gia cố các hầm yếu ở khu vực Lạc Sơn, huyện Tuyên Hóa.
Công nhân thi công gia cố các hầm yếu ở khu vực Lạc Sơn, huyện Tuyên Hóa.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Bình Trần Ngọc Sơn, đơn vị được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt trên phạm vi tỉnh Quảng Bình có chiều dài 174,5 km. Đây là tuyến đường sắt có bình diện phức tạp với nhiều đường cong bán kính nhỏ trái chiều, đi qua những triền dốc, vùng đồi núi cao, nhiều đoạn một bên núi cao một bên sông sâu.

Trên đoạn tuyến công ty quản lý có nhiều vị trí xung yếu, đá lăn, đá rơi xuống đường sắt và đặc biệt có 5 hầm thuộc địa bàn huyện Tuyên Hóa được xây dựng từ thời Pháp với tổng chiều dài là 684m. Trong đó, hầm số 1 dài 64m, hầm 2 dài 234m và hầm 3 gần 100m đều nằm ở khu vực Lạc Sơn; hầm 4 hơn 100m và hầm 5 dài 194m ở khu vực Lệ Sơn.

Theo đơn vị quản lý đoạn tuyến, qua nhiều thời gian sử dụng, các vỏ hầm có lịch sử cả trăm năm này đã hư hỏng, khi trời mưa to, liên tục nước chảy thấm xuống đường sắt nên nền đường ẩm ướt. Mặt khác, kiến trúc tầng trên trong hầm chủ yếu là tà-vẹt gỗ, thép ray tàu P43; cửa hầm có các đường cong bán kính nhỏ. Do khung chống trong hầm đã xuống cấp nghiêm trọng nên nguy cơ đá từ trong đỉnh hầm rơi xuống đường sắt bất cứ khi nào. Còn bên ngoài cửa hầm, các tảng đá từ trên núi có nguy cơ rơi, lăn xuống đường sắt, uy hiếp đến an toàn chạy tàu.

Hiện, các hầm số 1, 2 và 3 đang được đầu tư sửa chữa, cải tạo thuộc Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh-Nha Trang triển khai thi công từ đầu năm 2022. Đơn vị thi công đã gia cố kết cấu vỏ hầm bị hư hỏng, thấm dột trên toàn bộ chiều dài các hầm bằng vỏ hầm mới phun bê-tông; thay thế toàn bộ kiến trúc tầng trên trong các hầm và 2 đầu hầm bằng ray P50, L25m, tà-vẹt bê-tông dự ứng lực TN1; cải tạo hệ thống rãnh thoát nước trong và ngoài hầm.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Bình, đến đầu tháng 7, hầm số 1 thi công xong, còn hầm số 2 và 3 đang trong quá trình thi công, dự kiến hoàn thiện vào tháng 8/2024. Riêng 2 hầm số 4 và 5 có hiện trạng rất đáng báo động nhưng chưa được tiến hành cải tạo, gia cố.

Cụ thể, các hầm này có 10-20 đốt; trong đó có một số đốt và vỏ vòm hầm bằng bê-tông, tường hầm xây đá hộc, có những đốt, vỏ và tường hầm là đá tự nhiên. Hiện, vỏ hầm bê-tông bị phong hóa, nứt dọc, ngang thấm nước; các đốt vỏ hầm đá tự nhiên bị nứt nẻ nhiều vị trí, thấm dột, rỉ nước. Đặc biệt nhiều vị trí bị thấm nặng, nước chảy thành dòng xuống đường sắt vào mùa mưa lũ. Các cửa hai hầm này cũng nằm trên đường cong bán kính nhỏ và dốc cho nên việc chạy tàu qua đây phải hết sức thận trọng.

Đối với các hầm đang được thi công cải tạo, trong quá trình thực hiện các bước khảo sát, khoan thăm dò, thiết kế kỹ thuật, đơn vị chức năng đều có dự báo tình hình địa chất, phong hóa của đá để có phương án dự phòng, xử lý. Tuy vậy cũng đã xảy ra sự cố sạt lở đất đá khiến cho đường sắt bắc-nam qua Quảng Bình bị ách tắc hồi tháng 8/2023. Nguyên nhân được xác định do mưa, ngấm nước, gây sạt lở lấp đường sắt. Sự cố tuy không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng đã làm nhiều đoàn tàu phải dừng tại các ga dọc đường chờ khắc phục.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Bình, để bảo đảm an toàn tại các hầm, đơn vị đã bố trí 5 tổ gác hầm và 3 tổ gác đá lăn, đá rơi khu vực Lạc Sơn, Lệ Sơn để thường xuyên kiểm tra trạng thái hầm như vị trí phong hóa, nứt nẻ thấm nước. Các tổ gác hầm có trách nhiệm dán tem theo dõi các vết nứt, đục tẩy trám lại các khe nứt để hạn chế phát sinh mở rộng; vệ sinh vét dọn rãnh thoát nước trong, ngoài hầm; phát cây hai đầu khu vực cửa hầm; kiểm tra trạng thái kết cấu tầng trên khu vực hầm như ray, phối kiện liên kết, tà-vẹt, nền đường, nền đá.

Nhân viên trực gác tại các vị trí này còn lập sổ, đánh dấu theo dõi các tảng đá treo ở hai đầu hầm để thường xuyên chú ý theo dõi trước các chuyến tàu qua, trong mùa mưa bão. Đơn vị còn tiến hành lắp đặt camera theo dõi đá lăn, đá rơi khu vực các hầm ở Lệ Sơn. Hằng tháng, công ty thành lập các đoàn cùng với đội, cung đường kiểm tra trạng thái kỹ thuật cầu đường trong đó có các hầm; điều tra, lập phương án sửa chữa nhằm hạn chế phát sinh thêm các hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn kết cấu hầm, an toàn chạy tàu; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và phối hợp các đơn vị bên ngoài vào thi công gia cố các hầm bảo đảm an toàn.

Theo ông Trần Ngọc Sơn, các hầm trên tuyến đường sắt bắc-nam qua tỉnh Quảng Bình được xây dựng từ thời Pháp cho nên nhiều hầm yếu, xuống cấp và có nguy cơ cao sụt lở xảy ra. Do vậy, cấp có thẩm quyền cần đánh giá lại toàn bộ các hầm đường sắt để có phương án chủ động sửa chữa nhằm giảm nguy cơ sự cố, trước mắt phải có các thiết bị quan trắc kịp thời nắm bắt được các thay đổi của hầm để có biện pháp xử lý; đồng thời sớm bố trí nguồn vốn để kiên cố hóa các hầm còn lại và xử lý các vị trí đá lăn, đá rơi tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng an toàn chạy tàu.

Trước thực trạng các hầm xung yếu trên tuyến đường sắt bắc-nam xuống cấp nghiêm trọng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị cấp có thẩm quyền đưa các công trình xung yếu vào các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 hoặc bổ sung kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ hằng năm.

Trong thời gian chờ triển khai các dự án gia cố, sửa chữa các hầm xung yếu trên tuyến đường sắt bắc-nam, để bảo đảm tuyệt đối an toàn hoạt động giao thông vận tải đường sắt, tổng công ty đã chỉ đạo các công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt thường xuyên kiểm tra, theo dõi, trực chốt và chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, máy móc thiết bị để kịp thời ứng phó nếu có các tình huống khẩn cấp xảy ra, nhất là tại các hầm xuống cấp chưa được gia cố.

Tổng công ty Đường sắt và Cục Đường sắt Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải sử dụng nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hằng năm để đầu tư sửa chữa công trình, hạng mục có quy mô nhỏ, tính chất kỹ thuật không phức tạp. Cụ thể đối với các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp thì bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031, trước mắt lập dự án gia cố tạm thời để bảo đảm an toàn công trình đối với các vị trí xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao của các hầm yếu còn lại trong thời điểm chưa thực hiện được dự án sửa chữa cải tạo các hầm yếu trên tuyến đường sắt bắc-nam.