Hội nghị nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, động viên khối đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, chính kiến, tích cực tham gia phong trào cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương nói trên nhấn mạnh: "Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi các bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được".
Hội nghị Trung ương 8 đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Ðảng chính thức và bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Ðảng. Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương 8 quyết định đổi tên "Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Ðông Dương" thành "Mặt trận Việt Nam Ðộc lập Ðồng Minh", gọi tắt là Việt Minh; các đoàn thể nhân dân yêu nước trong Mặt trận Việt Minh đều lấy tên là Hội cứu quốc.
Hội nghị Trung ương 8 chủ trương "lúc này các sách báo tuyên truyền không nên dùng danh nghĩa Ðảng nhiều, phải lấy danh nghĩa Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc thay vào". Thực hiện chủ trương đó, Ban Chấp hành Trung ương quyết định ra báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền cổ động của Mặt trận Việt Minh.
Ngày 25-1-1942, báo Cứu Quốc ra số đầu ở một ngôi chùa cổ ven sông Hồng thuộc tỉnh Phúc Yên, gần Hà Nội, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Báo Cứu Quốc số 1 có bốn trang, giấy trắng, in trên đá, trang đầu có ngôi sao năm cánh tỏa ra năm tia sáng. Báo đăng Lời kêu gọi thống thiết, hùng hồn:
"Hỡi các giới sĩ, nông, công, thương, binh!
Hỡi các đoàn thể Cứu Quốc!
Hỡi toàn thể đồng bào nước Việt Nam!
Ðã 80 năm, Tổ quốc kính yêu mất quyền độc lập, sa vào vòng nô lệ của giặc Pháp tham tàn.
Ðã 80 năm, dân tộc Việt Nam phải mang trên trán vết quốc sỉ nhuốc nhơ mà máu đào của bao nghĩa sĩ anh hùng tới nay chưa rửa sạch.
Giờ đây, quốc sỉ tăng thêm nhục nhã, quốc thù tăng thêm căm hờn. Giờ đây, giang sơn tiêu điều lại thêm giặc Nhật chà đạp, tấm thân trâu ngựa lại thêm một tầng áp bực đọa đày. Nhật khai chiến với Anh, Mỹ lôi cuốn xã hội ta vào vòng bom đạn...
Cứu Quốc sẽ giãi bày nỗi lầm than thống khổ của nhân dân.
Cứu Quốc sẽ nêu cao ý muốn thiết tha của trăm họ.
Cứu Quốc sẽ là người chỉ dẫn trung thành cùng đồng bào tiến bước trên đường giải phóng dân tộc.
Cứu Quốc nguyện làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Mong đồng bào yêu nước hãy tận tâm ủng hộ Cứu Quốc về mọi phương diện, hãy kiên quyết tiến lên dưới bóng cờ đỏ sao vàng".
Báo Cứu Quốc lúc đầu in tại nhà in của Trung ương Ðảng cùng với báo Cờ Giải phóng, do đồng chí Phạm Ðức Khiêm phụ trách. Sau, báo Cứu Quốc in tại nhà in riêng, nhà in Phan Ðình Phùng, do đồng chí Lê Viên phụ trách. Từ năm 1944, báo Cứu Quốc do đồng chí Xuân Thủy phụ trách. Ðể tránh tai mắt của mật thám Pháp, tòa soạn, nhà in báo Cứu Quốc hoạt động bí mật, liên tục di chuyển, khi thì ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, khi thì Quốc Oai, Chương Mỹ và cuối cùng là ở Thu Quế, xã Song Phượng, huyện Ðan Phượng thuộc tỉnh Hà Ðông, bên bờ sông Ðáy.
Ðể đem tiếng nói của Ðảng và Mặt trận Việt Minh đến nhân dân, giục giã mọi người đứng lên cứu nước, đã có những người làm báo và đọc báo Cứu Quốc bị kẻ thù bắt giam, đầy ải hết sức dã man.
Cùng với báo Cờ Giải phóng của Ðảng, báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh luôn hừng hực khí thế chiến đấu, có những cống hiến lớn vào việc tuyên truyền rộng rãi và động viên mạnh mẽ toàn dân đoàn kết nổi dậy giành chính quyền.
Sáng 19-8-1945, Xứ ủy Bắc Kỳ phát lệnh tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và chỉ thị cho báo Cứu Quốc rời ngay làng Thu Quế, chuyển về nội thành Hà Nội, sau khi đã in xong và phát hành khắp nơi báo Cứu Quốc số đặc biệt bốn trang, in đỏ, kêu gọi toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa.
Báo Cứu Quốc xuất bản công khai ở thủ đô Hà Nội, trở thành tờ báo hằng ngày lớn nhất của Ðảng Cộng sản Ðông Dương, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Việt Minh. Trong tình hình mới, báo Cứu Quốc tuyên truyền, giải thích, phổ biến những chủ trương, chính sách mới của cách mạng, đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu sai trái của những tờ báo phản động tay sai nước ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng và cuộc sống mới. Nhân dân Hà Nội và cả nước hằng ngày đón đọc báo Cứu Quốc với niềm tin yêu và sự nhiệt tình khôn tả. Những tháng cuối năm 1946, với những bài viết mang đậm tính chiến đấu và những tin tức thời sự nhạy bén, báo Cứu Quốc đã động viên được trong nhân dân một cao trào yêu nước và một tinh thần sẵn sàng chiến đấu trước sự gây hấn, khiêu khích của thực dân Pháp.
Bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược, bất chấp bom đạn và mọi gian nguy khổ cực, trong bất cứ tình huống nào, báo Cứu Quốc vẫn xuất bản đều, bám sát định hướng chính trị của Ðảng và Mặt trận, động viên được trong toàn quân, toàn dân một tinh thần đoàn kết, kháng chiến bền bỉ. Các phóng viên báo suốt chín năm kháng chiến tham gia các chiến dịch quân sự và các trận đánh lớn của bộ đội, ở tiền tuyến cũng như ở vùng sau lưng địch, đến với nhân dân các địa phương hăng hái sản xuất và đi dân công phục vụ chiến đấu, hòa mình vào cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.
Báo thu hút được rất nhiều cộng tác viên là cán bộ quân sự, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng của kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài cho báo Cứu Quốc, đặc biệt trong nhiều năm liền, Người viết chuyên mục "Chuyện gần xa" trên báo Cứu Quốc với bút danh "Ð.X". Ðồng chí Trường Chinh đánh giá: "Chúng ta có báo Cứu Quốc Trung ương, lại có báo Cứu Quốc ở khắp các liên khu kháng chiến. Ðó là tờ báo hằng ngày duy nhất của Ðảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng việc ra báo đều đặn suốt gần 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, cũng có thể nói, đó là một kỳ tích của nhân dân ta" (1).
Bài học của báo Cứu Quốc là luôn trung thành với đường lối chính trị của Ðảng lãnh đạo, tôn chỉ, mục đích của Mặt trận Việt Minh rồi Mặt trận Liên Việt, tuân theo những lời dạy quý báu của Bác Hồ về nghề báo và coi trọng xây dựng một đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ báo chí đồng thời có đạo đức, phẩm chất tốt, dũng cảm, năng động và sáng tạo.
Tháng 3-1951, khi Mặt trận Việt Minh thống nhất với Mặt trận Liên Việt, báo Cứu Quốc trở thành cơ quan ngôn luận của Mặt trận Liên Việt, và sau đó là của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, từ tháng 10-1954, báo Cứu Quốc từ báo hằng ngày chuyển thành báo tuần, báo Nhân Dân từ báo tuần chuyển thành báo hằng ngày. Tháng 3-1977, sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hợp nhất với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hai báo Cứu Quốc và Giải phóng cũng hợp nhất lấy tên là báo Ðại Ðoàn Kết. Ðồng chí Trường Chinh đánh giá:
"Báo Cứu Quốc là niềm tự hào của báo Ðại Ðoàn Kết ngày nay và cũng là niềm tự hào chung của báo chí cách mạng nước ta"(2).
Báo Cứu Quốc có lịch sử vẻ vang, truyền thống tốt đẹp, phong cách cởi mở, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp oanh liệt của dân tộc đấu tranh cho độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
-----------------
(1), (2) Tuyển tập Xuân Thủy, trang 18, NXB Văn học, Hà Nội - 1999.