Tờ “Luận chứng và sự kiện” là một trong những ấn phẩm chính trị - xã hội xuất bản hằng tuần, uy tín và thành công tại LB Nga, có số lượng phát hành 2,2 triệu bản, là một trong những tờ báo phổ biến nhất của Nga ở nước ngoài, được đặt mua tại khoảng 60 nước, trong đó có các nước: Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), châu Âu, Mỹ, Israel…
Mở đầu bài viết, tác giả Oleg Polezhaev nhận định “Việc Quốc hội Việt Nam bầu chọn đồng chí Phạm Minh Chính nắm giữ chức vụ người đứng đầu Chính phủ là dấu hiệu cho thấy Việt Nam vẫn mong muốn tiếp tục công cuộc đổi mới, bắt đầu từ năm 1986, nhằm mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng tốc phát triển kinh tế”.
Tác giả nhấn mạnh Thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cũng đã điều hành Chính phủ Việt Nam theo đường hướng nói trên và đã đạt được thành công đáng kể, với mức tăng trưởng kinh tế 5-6% mỗi năm.
Trong bài viết này, tác giả tập trung giới thiệu chặng đường công tác của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, vốn là một cán bộ đã kinh qua tất cả các khâu công tác Đảng với nhiều năm kinh nghiệm, nhưng đồng chí được biết đến nhiều nhất từ năm 2011, khi trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Đồng chí đã biến vùng đất này thành trung tâm chính của cải cách và phát triển kinh tế Việt Nam. Cần phải nói rằng, tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía đông bắc Việt Nam, có lợi thế vừa là một trung tâm kinh tế mũi nhọn với ngành khai thác than, vừa là trung tâm du lịch với vịnh Hạ Long, một kỳ quan thiên nhiên của thế giới.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính lúc đó đã kết hợp được những điều tưởng như mâu thuẫn: Bảo tồn sản lượng than, kiểm soát chặt chẽ môi trường và trên cơ sở đó mở rộng các điểm du lịch đại chúng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, các vấn đề về “nền kinh tế xanh” trở nên cực kỳ quan trọng trong chính sách của lãnh đạo tỉnh. Ngân sách tỉnh được bổ sung nguồn thu không chỉ từ ngành công nghiệp khai thác than mà còn từ ngành “công nghiệp không ống khói” - một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế địa phương. Đồng thời, với chính sách tập trung thu hút vốn nước ngoài, quản lý điều hành rõ ràng, hỗ trợ các dự án kinh doanh, đồng chí đã đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành đầu tàu cải cách. Tờ báo nhấn mạnh: “Bí thư tỉnh Quảng Ninh đã mời các đơn vị tư vấn quy hoạch hàng đầu thế giới như McKinsey, BCG (Mỹ), Nippon Koei (Nhật Bản) tham gia xây dựng chính sách kinh tế. Nhờ các kiến nghị của họ, đã có thể cơ cấu lại bộ máy hành chính nhằm hỗ trợ tối đa phát triển kinh tế, tạo điều kiện làm việc thuận lợi nhất cho doanh nghiệp”.
Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt thành công trong việc không thuận theo cơ chế “xin - cho”. Đồng chí đã mạnh dạn bổ nhiệm những cán bộ có năng lực, dám nghĩ dám làm. Nhờ chính sách cứng rắn và thực dụng, tỉnh Quảng Ninh đã có thể độc lập nguồn ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng: Xây dựng sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, hệ thống giao thông mới, thông tin liên lạc hiện đại, nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý, thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm 40 - 50%...
Tác giả Polezhaev viết tiếp rằng, thành công của Quảng Ninh và ban lãnh đảo tỉnh đã được lãnh đạo Đảng và cả nước đánh giá cao. Tại Đại hội XII của Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và trở thành Ủy viên Bộ Chính trị.
Giờ đây, khi được tín nhiệm bầu chọn là tân Thủ tướng của Việt Nam, đồng chí Phạm Minh Chính đang đứng trước nhiều nhiệm vụ: đó là tiếp tục “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch Covid-19; đó là cần phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
Tờ báo kết luận, Việt Nam đang đặt nhiều hy vọng vào việc tân Thủ tướng có thể nhân rộng kinh nghiệm thành công của tỉnh Quảng Ninh ra tầm quốc gia. Từ đó tạo động lực cần thiết, đưa Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm là 6,5-7% và trong thời gian 5 năm từ 2021 đến 2025, đưa đất nước gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế hàng đầu tại khu vực Đông - Nam Á.