Bánh Trung thu

NDO - Linh hồn của mâm cỗ Trung thu là bánh nướng và bánh dẻo, còn gọi là bánh mặt trăng. Ngày nay, với những quan niệm hiện đại về sức khỏe dinh dưỡng, bánh nướng và bánh dẻo có vẻ như không được ưu tiên trong việc ăn uống, nhưng vẫn là thành phần quan trọng, không thể thiếu được trong mâm cỗ Trung thu.
0:00 / 0:00
0:00
Một cửa hiệu bánh. (Ảnh trong bộ sưu tập của nhà sử học Dương Trung Quốc)
Một cửa hiệu bánh. (Ảnh trong bộ sưu tập của nhà sử học Dương Trung Quốc)

Bánh Trung thu đại diện cho mặt trăng với vẻ đẹp vằng vặc tròn đầy sáng rực rỡ. Một cặp bánh nướng, bánh dẻo tượng trưng cho hai mặt âm và dương, trong đó bánh dẻo tượng trưng cho mặt trăng sáng tròn vành vạnh tinh khôi.

Bánh Trung thu truyền thống của Việt Nam thường có nhân thập cẩm gồm: mỡ đường, hạt dưa, lá chanh, lạp xưởng hoặc gà khô, mứt bí, mứt sen, vừng rang… trộn với rượu Mai Quế Lộ và mạch nha. Những nguyên liệu này và dáng vẻ tròn vành vạnh của chiếc bánh mang ý nghĩa cầu mong mùa màng mưa thuận gió hòa, bội thu nông sản, và cầu mong một sự đoàn tụ gia đình.

Bánh Trung thu ảnh 1

Cách thức làm bánh trung thu cổ truyền cũng rất cầu kỳ. Các loại nguyên liệu làm bánh phải được chuẩn bị từ trước đó rất lâu, thậm chí vài tháng. Đường đỏ được nấu với dứa hoặc chanh, mạch nha, nước tro tàu (nước nấu từ tro của rơm, rạ sau vụ mùa), nấu xong đậy kín để om trong hai, ba tháng cho lên màu đẹp rồi mới đem ra làm bánh. Nước đường này trộn vào với bột vỏ bánh để khi nướng lên, bánh có màu nâu đẹp và mềm mại sau khi nướng một ngày.

Bánh Trung thu ảnh 2

Bánh dẻo cỡ lớn được bày bán tại một cửa hàng ở Hà Nội.(Ảnh trong bộ sưu tập của nhà sử học Dương Trung Quốc)

Vỏ bánh dẻo làm từ bột bếp rang chín rồi xay mịn, cũng trộn với nước đường, một chút dầu ăn và nước hoa bưởi cho thơm. Nước đường ở đây khác với nước đường bánh nướng, là chỉ hòa tan đường với nước nóng chứ không phải nấu cầu kỳ và để lâu. Điểm khác biệt của bánh dẻo truyền thống Việt Nam là ở mùi thơm thoang thoảng nhưng vô cùng trong trẻo, tinh khiết và quyến rũ của nước hoa bưởi. Hoa bưởi tháng 3 được hái xuống, đem chưng cách thủy, hơi bốc lên ngưng tụ trên vung nồi được gom lại chính là nước hoa bưởi, sử dụng trong làm bánh, nấu chè, một loại hương liệu đặc biệt của người Việt.

Bánh Trung thu ảnh 3

Bánh Trung thu hiện đại.

Ngày nay, bánh Trung thu đã được biến tấu, sáng tạo rất nhiều trên cơ sở bánh cổ truyền: Bánh có nhân đậu xanh, đậu đỏ trứng muối, nhân gà quay, nhân yến sào, nhân tiramisu, chocolate, trà xanh, khoai môn, cốm, sữa dừa, vừng đen, cà phê… Hạt dưa cũng có thể thay thế bằng hạt macca, hạt điều, óc chó, hạnh nhân… Vỏ bánh bằng tinh than tre, bột trà xanh, bột cà phê, ca cao… hoặc được nhuộm màu từ nhiều loại cây, lá, quả như lá cẩm, hoa đậu biếc, thanh long…

Hình dáng bánh từ hình tròn nguyên thủy, sau này được biến tấu thành nhiều kiểu hình dáng như con cá, đàn lợn mẹ con. Bánh Trung thu hiện đại ngày nay còn được tạo hình cầu kỳ với các họa tiết nổi kiểu 3D, mang màu sắc rực rỡ như những bức tranh chứ không còn một màu thuần nâu của bánh nướng như trước nữa.