Trước tiên bột mì được đưa vào máy, trộn nhuyễn với đường cát trắng trên bếp lửa, thêm các chất phụ gia rồi chia làm hai phần. Phần bột dai được cán mỏng như bánh tráng, cuốn tròn lại, kéo dài ra làm vỏ ngoài cùng. Phần bột xốp xắt hình vuông khối đặt lọt lòng bàn tay, dùng làm vỏ bánh trong. Nhân bánh có nhiều loại, phổ biến nhất là nhân khoai môn, nhân đậu xanh. Ðậu xanh và khoai môn sau khi hấp chín được trộn đường, xay nhuyễn, chế thêm mỡ nước tạo nên mùi vị bùi bùi, beo béo khá hấp dẫn. Mỡ làm nhân được xắt sợi ướp đường cho săn lại và giữ được lâu. Hột vịt muối lấy lòng đỏ. Do có nguồn gốc từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam theo chân các Hoa kiều nên bánh pía có nhiều thay đổi. Một chủ cơ sở cho biết: "Người Nam Bộ thích sầu riêng do vậy bánh được bổ sung thêm mùi vị của loại trái cây này cho hợp sở thích và trở thành đặc sản nổi tiếng". Sầu riêng khi tách hạt lấy thịt trộn mỡ heo xắt sợi làm nên những mùi vị tuyệt vời của bánh pía Sóc Trăng.
Bánh sau khi hoàn tất đưa vào lò nướng ở nhiệt độ trung bình khoảng 270 độ C. Sau 5-7 phút thợ đứng lò lấy ra lật ngược mặt bánh thoa lên một lớp lòng đỏ trứng rồi đưa vào lò. 15 phút sau bánh chín mầu vàng ươm, quyện mùi sầu riêng thơm hấp dẫn. Bánh pía có hai loại chay và mặn. Ăn bánh không thể thiếu tách trà thơm. Vị đăng đắng, thanh thanh trong trà giúp bánh đỡ ngấy. Ðiều lạ của bánh là ở chỗ không thể ăn một lúc được nhiều nhưng có thể nếm lai rai không biết ngán.
Người Sóc Trăng có thói quen biếu tặng bánh pía nhân dịp cúng trăng (rằm tháng 8) hoặc lễ Tết như cách bày tỏ tình thân ái. Người phương xa đến thăm Sóc Trăng bao giờ cũng mua vài phong bánh pía (mỗi phong bốn cái) làm quà cho người ở nhà, như mang theo hương vị ngọt ngào đậm đà, chân chất của một vùng quê Nam Bộ.