Văn hóa và Phát triển

“Bản phối” đô thị Đà Lạt

Cấu trúc không gian đô thị Đà Lạt, cùng với những công trình kiến trúc trong tổng thể thiên nhiên, địa hình, cảnh quan, đã tạo nên hệ giá trị đặc trưng của thành phố này. Song, sự phát triển đô thị hiện đại, dù muốn hay không sẽ tác động và làm biến đổi những giá trị cũ, thứ tồn tại, in dấu trong “cơ thể” đô thị. Bài toán cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đã được đặt ra, rất cần “bản phối” hài hòa cho đô thị phố núi.

Một góc phố núi Đà Lạt.
Một góc phố núi Đà Lạt.

Giá trị cốt lõi

Trong nửa đầu thế kỷ 20, qua những bản quy hoạch của các kiến trúc sư người Pháp, như Ê-bra-đơ (1923), Pi-nô (1933), Mông-đe (1940) và La-dít-kê (1943), một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, trường học, khách sạn… đã hình thành ở Đà Lạt.

Đà Lạt tiếp cận rất sớm với phương pháp, tư duy quy hoạch hiện đại. Từ mục tiêu, ý tưởng quy hoạch đến giải pháp thực hiện đều chịu ảnh hưởng nhất định bởi văn hóa phương Tây, cho nên sản phẩm quy hoạch, kiến trúc Đà Lạt đã khắc họa rõ nét về không gian và thời gian của một giai đoạn lịch sử, tạo ra sắc thái đô thị rất đặc trưng, khác biệt trong hệ thống đô thị Việt Nam và thế giới. Cùng với đó, các phong cách kiến trúc Á Đông, kiến trúc bản địa được áp dụng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, kiến trúc ở Đà Lạt là “nghệ thuật kiến trúc kết hợp cảnh quan”. Mỗi công trình, cụm công trình được sắp đặt khéo léo nhằm khai thác triệt để đặc điểm địa hình, cảnh quan thiên nhiên, tạo nên thành phố bản sắc. Nghệ thuật kiến trúc Âu - Á quyện hòa, đậm bản sắc khó nhầm lẫn với kiến trúc ở các đô thị khác trong nước và trên thế giới. Qua các thời kỳ lịch sử, với những kịch bản quy hoạch đô thị như được định sẵn, Đà Lạt dần hình thành và được trao cho những danh xưng lãng mạn và ấn tượng: Thành phố trong rừng, Thủ đô mùa hè, Petite Paris (Pa-ri nhỏ) của châu Á, Thành phố vườn trên cao nguyên, Thành phố ngàn hoa...

Sau 126 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã trở thành đô thị nghỉ dưỡng của cả nước và ngày càng thu hút du khách quốc tế. “Có thể khẳng định, giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu Đà Lạt là ở các đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và hệ thống di sản kiến trúc đô thị hiếm nơi nào có”, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết. Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ từng nói, ở Đà Lạt, nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc, nét kiêu sa của nghệ thuật Á Đông... Di sản kiến trúc Âu - Việt phối cảnh giữa thiên nhiên Đà Lạt mang dáng nét quyến rũ.

Đà Lạt được quy hoạch đô thị theo bố cục tự do, hạn chế can thiệp vào địa hình, các con phố uốn lượn theo đồi núi và thung lũng, những phân khu chức năng linh hoạt, mật độ cây xanh rất cao tạo nên sự độc đáo “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, ít thấy ở những thành phố khác của Việt Nam.

Tài nguyên thiên nhiên, với núi rừng hùng vĩ và hoang sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, đã là điều kiện tiên quyết cho sự ra đời của một cấu trúc đô thị du lịch và nghỉ dưỡng. Các công năng chủ đạo và xuyên suốt này quyết định hình thái cấu trúc không gian đô thị, thể loại và tính chất kiến trúc. Đà Lạt nổi trội với tư cách là một chốn đô thị phong cảnh, mà ngày nay ta có thể thêm vào đô thị sinh thái. Đà Lạt sở hữu một quỹ kiến trúc đặc biệt phong phú về các loại hình, về phong cách và về thẩm mỹ. KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Chính những tài nguyên thiên nhiên và quỹ kiến trúc đô thị vô song đã thúc đẩy và gạn lọc ra một lối sống, có thể nói, một dạng văn hóa thị thành đặc trưng. Tôi cho rằng, những gì đã nêu sẽ là vốn liếng, quỹ gien để Đà Lạt tiếp tục mở mang vào hiện đại. Song, bắt buộc phải là mình, trong dòng chảy tự nhiên, không đứt đoạn”.

“Bản phối” đô thị Đà Lạt ảnh 1

Đà Lạt nhìn từ trên cao.

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Quyết định số 704/QĐ-TTg, ngày 12-5-2014, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu xây dựng và phát triển TP Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Tuy nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển luôn là bài toán cần cân nhắc thận trọng. Và Đà Lạt, để hướng tới phát triển bền vững, phải tính toán kỹ việc khai thác và bảo vệ cảnh quan đô thị, kiến trúc đặc trưng. Theo GS Lim Hng Kiang (Xin-ga-po): “Một trong những trạng thái không được thích thú của đô thị hóa nhanh, là các thành phố trông rất giống nhau. Nhiều môi trường đô thị về mặt chức năng chỉ là một mớ bê-tông hỗn độn khó chấp nhận, với không gian công cộng không hấp dẫn. Một số thành phố đã ngăn chặn tình trạng này bằng cách nâng cao sự cảm nhận về bản sắc đô thị thông qua bảo tồn văn hóa, công trình di sản, các không gian mở và môi trường”.

Trong xu thế phát triển chung của đô thị, việc xác định rõ phát triển dựa trên cơ sở bảo tồn và bảo tồn để phát triển như TP Đà Lạt sẽ gặp không ít trở ngại, thách thức trong quá trình đầu tư, quản lý, xây dựng. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng Nguyễn Đăng Sơn cho biết: “Đô thị luôn thay đổi từng ngày, từng giờ để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Đà Lạt cũng vậy, không chỉ ôm khư khư quá khứ mà phải phát triển hiện đại, nâng cấp cả về quy mô và chất lượng đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Đà Lạt cần đặc biệt quan tâm đến bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đô thị để phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng”.

Câu chuyện một số người phản ứng khi phải dỡ bỏ rạp hát Hòa Bình, di dời dinh tỉnh trưởng (cũ), theo đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng công bố; chính là bài toán cần lời giải để bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Không riêng Đà Lạt, ở nước ta, sự xung đột giữa bảo tồn và phát triển là điều không hiếm. Để chủ động ngừa sự xung đột có thể xảy ra, trong quá trình chuẩn bị và triển khai xây dựng các đồ án quy hoạch, các ngành liên quan cần chủ động phối hợp ngành văn hóa, nghiên cứu sự phân bổ các loại hình di tích trong khu vực lập quy hoạch. “Tại Đà Lạt, sự thành công của công tác bảo tồn phụ thuộc vào việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển đô thị bền vững. Phải làm cho các di sản hòa nhập vào cuộc sống và phát triển bền vững của đô thị hiện đại, làm sống lại tổng thể các khu phố cũ, các cụm công trình và công trình cổ, cũ trong đô thị hiện đại”, KTS Trần Văn Việt, Hội Kiến trúc sư Lâm Ðồng nêu vấn đề.

Gìn giữ thương hiệu Đà Lạt

“Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, công thức này nhiều lần được nhắc tới trong quy hoạch phát triển Đà Lạt, với những “mảng xanh”, những cung đường vắng thấp thoáng bên sườn đồi... Đà Lạt đang có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, quy mô đô thị, độ mở rộng của nó cả về chiều ngang, mật độ và chiều cao, đang thách thức các yếu tố của đô thị cũ và tạo nên sự thiếu gắn kết về không gian, đường nét, kiến trúc và giao thông. Cùng với đó, trong vòng xoáy sự phát triển, những nét đẹp, phong cách người Đà Lạt ít nhiều bị ảnh hưởng. Liệu Đà Lạt có còn giữ, phát huy được những sắc mầu nền nã, tao nhã mà những người yêu Đà Lạt luôn tìm kiếm, luôn thương nhớ để quay về? Khi mảng xanh thưa dần trong phố, hiếm thấy cảnh “người lưa thưa chìm dưới sương mù”... Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, một thành phố du lịch phải kể được rất nhiều câu chuyện hấp dẫn. Trong đó có câu chuyện nó đã phát triển như thế nào, có những sự kiện gì? Du khách không cần đi cả hàng trăm, nghìn cây số để thấy Đà Lạt cũng giống như Xin-ga-po hay TP Hồ Chí Minh.

Để xứng đáng thương hiệu thành phố đáng sống, trước hết, cần tạo lập không gian sống văn minh cho Đà Lạt, cẩn trọng trong phát triển du lịch, bởi môi trường sống quyết định hành vi ứng xử. Bản sắc văn hóa Đà Lạt hình thành từ mối quan hệ hài hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp và tinh hoa văn hóa nguyên quán của cư dân. Giữ được những nét đặc thù mà thiên nhiên và lịch sử đã để lại sẽ tạo nên sự độc đáo vô giá cho Đà Lạt.

Đà Lạt đã và đang được nhìn nhận là thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, của khu vực và quốc tế; là một loại đô thị rất đặc biệt trong lịch sử đô thị, loại hình “đô thị phi đô thị”. Đó là thành phố đáng sống khi Đà Lạt được “chăm chút” nhiều hơn và nhận được những “cách nhìn tinh tế” với kiểu đô thị đặc biệt này.