Bài toán nhân lực chất lượng cao ngành giao thông

Trong bối cảnh hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông rất lớn và cấp bách, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đóng vai trò quan trọng cho sự thành công.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Tập đoàn Đèo Cả thi công tuyến đường hầm dự án cao tốc Quảng Nam-Hoài Nhơn.
Công nhân Tập đoàn Đèo Cả thi công tuyến đường hầm dự án cao tốc Quảng Nam-Hoài Nhơn.

Nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu

TS Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết: Chính phủ đã xác định rõ phát triển cơ sở hạ tầng là một trong ba trụ cột chính để phát triển nền kinh tế quốc gia. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường cao tốc, tới năm 2030 đạt khoảng 5.000 km và tầm nhìn đến năm 2050 đạt khoảng 10.000 km đường cao tốc. Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao và hệ thống tàu điện ngầm Metro đã được xác định thực thi trong giai đoạn 2025-2035. Với kế hoạch khối lượng công việc như vậy, trong thời gian tới, đòi hỏi huy động nhiều nguồn lực xã hội, đặc biệt là cần nguồn nhân lực rất lớn về số lượng và chất lượng cao.

Để đáp ứng cho yêu cầu này, theo TS Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới ngành giao thông vận tải cần ít nhất 10.000 nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng.

Theo PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), việc tuyển chọn nhân sự của các doanh nghiệp ngành giao thông hiện đang gặp khó khăn. Một số nhân sự, đặc biệt nhân sự chất lượng cao đang làm trong ngành nhưng chuyển sang lĩnh vực khác trái ngành. Sự hấp dẫn nghề nghiệp đã suy giảm thể hiện ở khối lượng và chất lượng ứng viên đầu vào của các trường đại học hệ kỹ thuật… Chất lượng nguồn nhân lực đang là nỗi lo của ngành giao thông. Điều này, đòi hỏi cần có các công trình đột phá về công nghệ, khoa học tổ chức lao động, văn hóa doanh nghiệp, tạo sự thay đổi nhận thức về nghề nghiệp, đổi mới triệt để chính sách về trả công cho người lao động.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, cho biết: Những năm qua, chúng tôi liên tục thực hiện chính sách tuyển dụng người tài, tìm kiếm nhân sự phù hợp để làm cộng sự đồng hành phát triển Tập đoàn. Năm 2023, Tập đoàn Đèo Cả đã có kế hoạch tuyển dụng mới khoảng 2.300 nhân sự. Kế hoạch nhân sự tuyển dụng mới dự báo tăng trưởng qua các năm khoảng 20% so với năm trước.

Tuy nhiên, ông Hồ Minh Hoàng cũng nêu thực trạng, chương trình đào tạo nhân lực ngành giao thông hiện nay chưa hoàn toàn đáp ứng được tính thực tiễn, từ khâu quản lý dự án, tổ chức thi công, thanh quyết toán dự án… Đặc biệt, việc đào tạo về đường sắt, metro, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo là xu thế tất yếu của thế giới hiện nay khi chúng ta hội nhập, nhưng vẫn còn thiếu và yếu. Do đó, cần nhìn nhận nghiêm túc để có giải pháp giải quyết.

Hợp tác đào tạo, nghiên cứu nhân lực

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Trong thời gian qua, Trường đại học Giao thông vận tải thành phố không ngừng đổi mới, chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật bổ sung và chỉnh sửa theo góp ý từ các chuyên gia, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên và giảng viên dựa trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm thực tiễn và đặc biệt từ nhu cầu xã hội. Ngoài ra, các đơn vị doanh nghiệp, các chuyên gia trong ngành đã tích cực tham gia và đóng góp vai trò quan trọng trong đào tạo, như đóng góp ý kiến về xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên tham quan thực tế công trình, thực tập chuyên môn, triển khai học kỳ doanh nghiệp, báo cáo các chuyên đề về khoa học và công nghệ cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Ngày 30/9 vừa qua, Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Đèo Cả chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu-Đào tạo Đèo Cả (DCI). Mục tiêu của Viện DCI là thực hiện các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới và bền vững trong lĩnh vực xây dựng công trình, hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam; cung cấp nhân sự chất lượng cao về kiến thức và khả năng thực tiễn đã được đào tạo cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, hạ tầng và giao thông vận tải; tham mưu chính sách, chiến lược phát triển công nghệ vật liệu và hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam. Viện DCI sẽ đầu tư, xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm của ngành giao thông; trong đó, làm chủ các thí nghiệm đặc thù mà ở Việt Nam chưa tự thực hiện được như: hầm gió, động đất, kết cấu nhịp lớn như cầu treo dây võng, cầu treo dây văng, vật liệu mới... phục vụ cho nghiên cứu của Viện cũng như chính các dự án của Tập đoàn Đèo Cả và các đối tác có nhu cầu.

"Việc thành lập Viện Nghiên cứu-Đào tạo Đèo Cả sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học của trường và chuyển giao công nghệ trong tương lai, đặc biệt là đón đầu xu thế xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc ở Việt Nam, các công nghệ mới trong lĩnh vực giao thông vận tải...", PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn tin tưởng.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Viện DCI ra đời là bước đi tiên phong của nhà trường và doanh nghiệp, để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ: Với nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông; với doanh nghiệp là đào tạo năng lực của mình, để kết nối thực tiễn từ khối tư nhân đến nhà nước, từ bên thực hiện đến bên quản lý. Bằng cách kết hợp này, với cơ hội phát triển và hỗ trợ, Tập đoàn Đèo Cả có thể thu hút và duy trì được nguồn nhân sự chất lượng cao, tiếp cận công việc ngay và bảo đảm sự thành công của tập đoàn trong tương lai. Dự kiến, từ nay đến năm 2030, Tập đoàn Đèo Cả sẽ phối hợp với Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua Viện DCI đào tạo và tuyển dụng khoảng 20.000 nhân sự cho các dự án, công trình giao thông, thi công cơ sở hạ tầng trên mọi miền đất nước.