Bài toán nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ của ngành mía đường Việt Nam

Ngành đường nội địa kỳ vọng tăng trưởng từ giá đường thế giới cao kỷ lục và kéo dài. Tuy nhiên, thực trạng khan hiếm nguồn cung đường tiếp tục là bài toán nan giải, đặc biệt khi dịp lễ Tết cuối năm đang đến gần. 
0:00 / 0:00
0:00
Bài toán nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ của ngành mía đường Việt Nam

Trợ lực chính đáng từ Chính phủ với ngành mía đường nội địa

Ngành mía đường nội địa vẫn đang chịu sức ép về chi phí sản xuất và giá cả nguyên vật liệu tăng cao từ khủng hoảng kinh tế vĩ mô, đường lậu, cạnh tranh vùng nguyên liệu mía với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, ngành mía đường trong nước vẫn đang được bảo hộ tốt.

Cụ thể, theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT mới đây của Bộ Công thương sau khi rà soát lần thứ nhất về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan, Bộ Công thương tiếp tục áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía do một số công ty Thái Lan sản xuất, xuất khẩu, thời hạn thực hiện từ 18/8/2023 đến 15/6/2026.

Các biện pháp phòng vệ thương mại, áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp một lần nữa gia tăng lợi thế cho sản phẩm đường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm kinh doanh và duy trì giá thu mua mía ổn định với người dân trồng mía ở mức tương đương các nước trong khu vực, trong khi vẫn giữ giá đường ở mức ngang bằng và thấp hơn so với các nước lân cận (Philippines, Indonesia và Trung Quốc). Điều này đã giúp nông dân an tâm phát triển vùng nguyên liệu và hạn chế tình trạng mất giá sau vụ thu hoạch.

Nguồn cung đường sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ

Sau niên vụ 2022-2023, tổng sản lượng đường sản xuất cả nước chỉ đạt 871.000 tấn.

Báo cáo ngành mía đường quý I/2023 của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dẫn số liệu dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) ước tính sản lượng tiêu thụ đường Việt Nam ở mức 2,3-2,4 triệu tấn/năm, bình quân gần 200.000 tấn/tháng.

Điều này có nghĩa sản lượng đường trong nước dự kiến sẽ chỉ đáp ứng được 36% nhu cầu tiêu thụ trong năm 2023.

Song song đó, dự báo sản lượng đường nhập khẩu chính ngạch của Việt Nam năm 2023 cũng chỉ khoảng 319.070 tấn. Tổng lượng đường sản xuất trong nước và lượng đường dự kiến nhập khẩu chính ngạch theo đó đạt xấp xỉ 1,19 triệu tấn đường, chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ năm 2023.

Đứng trước mối lo ngại khủng hoảng nguồn cung đường, Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) mới đây kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn đường để bảo đảm cân đối cung-cầu trong nước trong năm nay.

Theo FFA, đường là một trong những hàng hóa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của làn sóng bảo hộ lương thực thực phẩm với các quyết định hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ, Brazil… dẫn đến thiếu hụt đường dự trữ trên toàn cầu, cùng với niên vụ sản xuất mía đường nội địa đã hết. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và ngành nước giải khát trong nước lại đang gia tăng nhu cầu nguồn cung đường nguyên liệu khi bước vào mùa sản xuất cao điểm như Tết Trung thu và Tết Nguyên đán.

Bài toán nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ của ngành mía đường Việt Nam ảnh 1

Ngành đường trong nước đứng trước áp lực thiếu nguồn cung trong giai đoạn quý III, IV - cao điểm sản xuất thực phẩm mùa lễ hội

Tự chủ nguồn cung vẫn là chìa khóa duy trì nội lực

Trong những năm vừa qua, nguồn nguyên liệu mía phục vụ sản xuất của các nhà máy sản xuất đường Việt Nam đã và đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng. Lý do chính xuất phát từ việc phải chịu tác động kép từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19, hạn hán, bão lũ, bên cạnh đó là sức ép từ đường nhập lậu, và cây mía phải cạnh tranh với cây trồng khác.

Sự hồi phục của ngành đường nội địa đang được kỳ vọng tiến triển tích cực sau quyết định tiếp tục áp thuế phòng vệ thương mại từ Bộ Công thương đến năm 2026, giúp các nhà máy đường trong nước có cơ hội cạnh tranh tốt hơn trong thời gian tới. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với việc bảo đảm nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong nước, lợi ích của người tiêu dùng và người nông dân trồng mía.

Tuy nhiên, có thể thấy việc hưởng lợi từ giá đường tăng cũng như các lợi thế về thuế nhập khẩu, thuế phòng vệ thương mại chỉ là giải pháp ngắn hạn. Trong tương lai, bài toán ổn định cung cầu và triển vọng của ngành phụ thuộc vào việc bổ sung hạn ngạch nhập khẩu đường một cách hợp lý. Thực tế, việc nhập khẩu đường thô chỉ nhằm bảo đảm nguồn cung thiếu hụt trong nước, không gây ảnh hưởng đến thị phần sản xuất nội địa. Việc này giúp bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất các sản phẩm chất lượng và đa dạng, phục vụ người tiêu dùng trong thời kỳ khan hiếm nguyên liệu.

Nhìn chung, việc hỗ trợ ngành đường mía đang đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định giá và cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm. Sự phối hợp giữa Chính phủ, phát triển vùng nguyên liệu tự chủ từ Doanh nghiệp và sự cộng tác của người nông dân là chìa khóa để bảo đảm ngành đường phát triển bền vững và đối phó với các tác động khách quan từ thị trường.

Ngày 23/8, Chính phủ Ấn Độ đã thông báo kế hoạch cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023-2024, bắt đầu từ tháng 10/2023, do lo ngại mưa giảm sẽ tác động tiêu cực đến năng suất mía, đánh dấu lần đầu tiên sau 7 năm Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu đường. Kể từ năm 2016, Ấn Độ đã áp thuế lên tới 20% đối với hoạt động xuất khẩu đường nhằm ưu tiên nguồn cung cho thị trường nội địa.

Tiếp đó ngày 29/8/2023, Ủy ban Điều phối Kinh tế (ECC) Pakistan cũng thông qua lệnh cấm xuất khẩu đường nhằm ổn định giá nội địa nước này. Lệnh cấm được đưa ra theo đề nghị của Bộ An ninh lương thực quốc gia sau khi Bộ trưởng Tài chính tạm quyền Shamshad Akhtar chủ trì một cuộc họp của ECC xem xét tình hình đang diễn ra trong nước.

Quyết định cấm xuất khẩu đường của các cường quốc mía đường hàng đầu thế giới này dự kiến khiến nguồn cung toàn cầu suy giảm đáng kể, đồng thời có thể đẩy giá các loại lương thực, thực phẩm tăng đột biến nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời.