Bài toán chưa có lời giải của các quốc gia Liên minh châu Âu

Sản lượng khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã sụt giảm do các mỏ ở Biển Bắc cạn kiệt, nguồn cung từ Nga giảm mạnh vì xung đột quân sự ở Ukraine đã đẩy giá năng lượng tăng vọt. Thiếu năng lượng, lạm phát cao đang là "bài toán chưa có lời giải" của các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).

Một người đàn ông đi mua hàng tại Italia. Ảnh: REUTERS
Một người đàn ông đi mua hàng tại Italia. Ảnh: REUTERS

Các quốc gia EU đang "đói" nhiên liệu khi sản lượng khí đốt tự nhiên ở châu Âu sụt giảm do các mỏ ở Biển Bắc, vốn là nguồn sản xuất khí đốt tự nhiên đặc biệt quan trọng của Anh và Hà Lan, cạn kiệt.

Từ cuối tháng 2 đến nay, người dân châu Âu đã phải chịu đựng giá năng lượng cao chóng mặt sau tình hình căng thẳng leo thang tại Ukraine. Trong nửa đầu tháng 3, có thời điểm giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, sau khi Mỹ và các nước châu Âu xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga, còn nguồn cung dầu thô từ Iran chưa có dấu hiệu sớm trở lại thị trường toàn cầu.

Trong bối cảnh quan hệ Nga-phương Tây xấu đi nghiêm trọng và chiến sự tại Ukraine leo thang gần đây, EU buộc phải triển khai kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Hiện nay, EU là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất trên thế giới, với tỷ trọng khí đốt lớn nhất đến từ Nga (41%), Na Uy (24%) và Algeria (11%). Xét về các nhà cung cấp nước ngoài, khí đốt của Nga có mức giá rẻ nhất.

Mới đây, Ðức thông báo tạm dừng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 ở Biển Baltic đưa khí đốt trực tiếp của Nga đến Ðức. Quyết định này đưa ra trong bối cảnh Berlin vẫn đang rất thiếu nguồn cung năng lượng. Báo chí Ðức cho biết, các kho dự trữ khí đốt của Ðức đã giảm xuống mức đáng lo ngại và hiện ở mức 35-36%, dưới ngưỡng 40% mà Chính phủ Ðức cho là cần thiết.

Khó khăn về nguồn cung năng lượng của EU càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh các nước trong khối đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào than đá để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải vào năm 2030.

Hiện tại, khoảng 20% điện năng của EU là từ sản xuất than. Kể từ năm 2012, EU đã giảm sản lượng điện than khoảng 1/3. Thêm vào đó, từ năm 2011, Ðức đã sớm từ chối các khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân sau sự cố hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản. Mặc dù EU đang tập trung vào việc xây dựng các nguồn năng lượng tái tạo nhưng quá trình này diễn ra không đủ nhanh để giảm bớt sự phụ thuộc nhiên liệu vào Nga và các đối tác nước ngoài.

Trong khi "bài toán năng lượng" chưa có lời giải, thì lạm phát đang là một thách thức khác với EU khi giá dầu và khí đốt phi mã đẩy giá hàng hóa thiết yếu lên cao. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 2 vừa qua đã tăng lên mức cao kỷ lục 5,8%, chủ yếu do giá năng lượng tăng. Theo Eurostat, giá năng lượng tháng 2 tăng 31,7%, nhanh hơn mức 28,8% ghi nhận trong tháng 1/2022. Giá thực phẩm cũng tăng 4,1% trong tháng 2 so với mức 3,5% của tháng trước đó.

Tình thế khó khăn nêu trên đang tạo sức ép lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của châu Âu và buộc "đại gia đình EU" phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mới đây cho biết EU đang thảo luận với Mỹ và các nhà cung cấp khác về việc tăng lượng khí đốt tự nhiên giao cho châu Âu trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo do các hãng truyền thông Ðức tổ chức, bà Leyen nhấn mạnh EU đang thảo luận với nhiều nhà cung cấp khí đốt khác, như Na Uy, về việc tăng nguồn cung cho châu Âu. Bên cạnh đó, để đối phó lạm phát, các nước EU đã đưa ra nhiều hình thức giảm thuế, trợ cấp và các biện pháp khác nhằm giúp người tiêu dùng không phải đối mặt với những hóa đơn tăng chóng mặt.

Các nhà phân tích cho rằng, những giải pháp nêu trên chưa đủ để "giải cơn khát" năng lượng và hạ nhiệt lạm phát cho EU. Mặc dù Cơ quan Năng lượng quốc tế sẵn sàng giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ nếu cần, nhưng các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Commerzbank Research (Ðức) dự báo giá dầu sẽ ở mức hơn 100 USD/thùng trong quý II/2022.

Trong bối cảnh nêu trên, việc tìm lời giải cho "bài toán năng lượng" của EU sẽ tiếp tục là một thử thách lớn đối với các nhà lãnh đạo của "lục địa già" trong năm nay.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine