Bài thi Khoa học Tự nhiên: Vật lý tăng độ khó

NDO -

Sáng 8/7, các thí sinh Kỳ thi thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đã trải qua bài thi Khoa học tự nhiên. Đáng chú ý, trong các môn thành phần, Vật lý tăng độ khó và có thêm dạng bài mới.

Thí sinh trao đổi về bài thi tổ hợp sau khi kết thúc buổi thi sáng 8/7. Ảnh: THUỶ NGUYÊN
Thí sinh trao đổi về bài thi tổ hợp sau khi kết thúc buổi thi sáng 8/7. Ảnh: THUỶ NGUYÊN

Bài thi Khoa học tự nhiên, mỗi môn thi thành phần Vật lý, Hóa học và Sinh học vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và có cấu trúc như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Các câu hỏi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (90%). Khoảng 60-70% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 30%-40% số câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Theo đánh giá của giáo viên tổ Tự nhiên, Hệ thống giáo dục Học mãi, đề thi bảo đảm mục tiêu xét tốt nghiệp và có tính phân hóa để các trường đại học chọn được thí sinh có chất lượng.

* Vật lý: Tăng độ khó và có thêm dạng bài mới

Đề thi có 16 câu là bài tập tính toán, 24 câu hỏi lý thuyết. Theo đánh giá của các giáo viên và học sinh, các câu hỏi lý thuyết tăng độ khó so với các năm trước. Đề thi xuất hiện một số câu hỏi thuộc dạng bài mới, lạ như câu hỏi liên chuyên đề dòng điện không đổi (lớp 11), dao động và sóng điện từ (lớp 12) (câu 36 mã 216).

"Ngoài việc đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi có độ phân hóa tốt, độ khó tăng nhẹ ở nhóm câu hỏi vận dụng, vận dụng cao phục vụ cho mục tiêu xét tuyển đại học" - các giáo viên Hệ thống giáo dục Học mãi nhận xét. 

Cô Lê Thị Quỳnh Trang, giáo viên Vật lý Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Đông, Hà Nội) đánh giá đề thi môn Vật lý năm 2021 nhìn chung có mức độ khó hơn đề minh họa Bộ GD-ĐT công bố và so với đề Vật lý năm 2020. Đề thi có nhiều câu đòi hỏi học sinh có khả năng tư duy, phân tích tốt.

Theo cô giáo, với đề thi này, đa số học sinh làm được 30 câu đầu, từ câu 31 học sinh phải có kỹ năng vận dụng tốt. “Mặt bằng điểm thi sẽ thấp hơn năm trước, dự đoán phổ điểm Vật lý năm nay sẽ ở mức 6,5 - 7,5 và không có nhiều điểm 10”.

Cùng chung nhận định, thầy Phạm Thụ, giáo viên tại Hải Phòng cho rằng đề thi Vật lý năm nay có tính phân hoá cao, có nhiều câu có ý tưởng mới nên khiến học sinh thấy lạ khi đọc đề. 

* Hóa học: Phổ điểm từ 6-8 điểm

Đa số câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, còn lại là của lớp 11. Đề thi có 11 câu hỏi là bài tập tính toán, 29 câu hỏi lý thuyết. Đề thi không xuất hiện câu hỏi thuộc dạng bài mới. Ngoài việc đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Câu hỏi vận dụng và vận dụng cao gồm các câu hỏi tổng hợp kiến thức vô cơ, hữu cơ, thí nghiệm thực hành và các bài toán, để làm được những câu này học sinh cần có tư duy logic cao, làm chủ kiến thức và khả năng vận dụng tốt các kiến thức kĩ năng. Các câu hỏi có tính toán thuộc phần vận dụng cao thuộc các chủ đề kiến thức quen thuộc như: este – lipit, amin-amino axit – peptit, đại cương kim loại, kim loại kiềm – kiểm thổ - nhôm, sắt, tổng hợp vơ cơ, tổng hợp hữu cơ, tổng hợp hidrocacbon cấu trúc tương tự như đề tham khảo.

Thầy Trần Đức Tuấn, Tổ phó tổ Hóa học trường THPT Lục Ngạn số 1, Lục Ngạn, Bắc Giang nhận định đề Hoá học năm nay có nhiều câu hỏi gắn liền lý thuyết với thực tế, có các câu hỏi gắn với thí nghiệm thực hành. Trong mã đề thi 206, câu số 76 là bài toán hay lạ về độ tan, có thể làm nhiều học sinh bỡ ngỡ, là câu có tính phân hóa.

Theo thầy Tuấn, phổ điểm chủ yếu nằm trong khoảng 6 đến 8.

* Sinh học: Xuất hiện câu hỏi ứng dụng thực tế về Covid-19

Theo nhận xét của các giáo viên Hệ thống Giáo dục Học mãi, 90% số câu hỏi thuộc chương trình lớp 12. Trong các mã đề có một số câu hỏi vận dụng thực tế vào cuộc sống. Có một câu hỏi nằm trong chương trình lớp 10, ứng dụng vào thực tế phòng dịch Covid. Trong số 10% số câu hỏi thuộc mức độ vận dụng cao, xuất hiện một câu hỏi thuộc dạng bài mới (dạng bài Di truyền quần thể).