Bài học kinh nghiệm công tác Công an trong phòng, chống dịch Covid-19

NDO - Ngày 12/1, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Công tác công an trong phòng, chống dịch Covid-19 - một số vấn để lý luận và thực tiễn”. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Công an Lê Văn Tuyến phát biểu ý kiến.
Thứ trưởng Công an Lê Văn Tuyến phát biểu ý kiến.

Hội thảo nhằm làm rõ những kết quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của lực lượng Công an nhân dân; những vấn đề mới, khó khăn, vướng mắc, bất cập, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống dịch.

Đồng thời, Hội thảo nhằm đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa các đơn vị trong Công an nhân dân và giữa các đơn vị ngoài ngành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại công an các đơn vị, địa phương; dự báo tác động của việc thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch và đề xuất các giải pháp có tính căn bản, chiến lược, dài hạn và phương án, kế hoạch chủ động đáp ứng các tình huống đại dịch khác xảy ra trong tương lai…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất đánh giá nhiều nội dung, như: Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội về sinh hoạt, sức khỏe, tính mạng của người dân; đại dịch là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bất ổn, xung đột xã hội…

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng PV01, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp tại địa bàn. Lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều loại hình tội phạm nổi lên, như: tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng hoạt động phạm pháp với nhiều cách thức mới, tinh vi; tội phạm tín dụng đen, các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả mạo ngân hàng, các cơ quan tư pháp, kêu gọi đầu tư tài chính đa cấp trên không gian mạng, lừa đảo bán hàng, cho vay lãi suất thấp, đánh bạc bằng tiền “điện tử”...

Tình trạng tội phạm về kinh tế xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm, như: vận chuyển hàng lậu, hàng cấm bằng các phương tiện được cấp phép lưu thông, buôn bán trái phép vật tư y tế phòng, chống dịch..

Trong bối cảnh đó, quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ kép là: “Nâng cao hiệu quả công tác Công an, phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trong tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh” và “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo; khắc phục những khó khăn, biến những nguy cơ thành cơ hội thuận lợi để chủ động triển khai các mặt công tác nghiệp vụ Công an, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố”.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời xác định tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị và chính quyền địa phương, tập trung triển khai hiệu quả “an ninh chủ động”, nắm bắt và dự báo sát với tình hình thực tiễn, chủ động “từ xa”, “từ sớm” để thực hiện thắng lợi công tác bảo đảm an ninh trật tự góp phần thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Thượng tá Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, chia sẻ về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và tham gia truy vết, khoanh vùng, dập dịch trong đợt bùng phát dịch thứ ba (diễn ra trong quý I/ 2021). Hải Dương là địa phương đầu tiên có dịch bệnh xâm nhiễm vào khu công nghiệp với số lượng ca nhiễm bệnh lớn ổ dịch lớn. Ngay trong ngày đầu tiên công bố dịch đã phát hiện 70 F0 tại Công ty Pouyn (khu công nghiệp Công Hòa, thành phố Chí Linh), trong khi công tác phòng, chống dịch là một vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ, gây ra áp lực rất lớn đối với công tác phòng, chống dịch của các lực lượng chức năng.

Tại thời điểm đó, toàn lực lượng chủ động nắm chắc mọi biến động, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động của một số đối tượng bất mãn, chống đối không để các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh kích động người dân biểu tình, công nhân đình công và không để xảy ra tình huống đột xuất,bất ngờ về an ninh trật tự. Tăng cường công tác quản lý cư trú, nhất là công dân nhập cảnh về địa phương,… để phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn lây nhiễm bẩn từ bên ngoài. Đồng thời, quản lý chặt chẽ hơn 4 nghìn người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có người thân đang sinh sống tại nước ngoài cam kết không nhập cảnh trái phép…

Bên cạnh đó, Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tuyên truyền, hướng dẫn, xử lý các vi phạm về phòng, chống dịch…

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Công an Lê Văn Tuyến trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu chung quanh chủ đề Hội thảo. Đồng chí đề nghị cơ quan thường trực hội thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận để bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện; Phối hợp các đơn vị chức năng nghiên cứu những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác công an trong phòng chống đại dịch Covid-19 để góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận Công an nhân dân trong thời kỳ mới.

Dự báo trong thời gian tới, dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế cộng đồng, do đó để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến yêu cầu thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó với những thách thức của dịch bệnh, các vấn đề liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật phát sinh trong tình hình hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.