Sự thiệt hại sẽ không lớn đến như vậy, nếu người nuôi không chủ quan và ngành chức năng hành động quyết liệt trong thời gian qua.
Thiệt hại nặng nề
Đến thời điểm này, có những xã trên địa bàn Bắc Kạn gần như không còn một con lợn nào. Chưa bao giờ, nghề chăn nuôi lợn ở Bắc Kạn chịu thiệt hại nặng nề đến vậy. Mỹ Thanh là xã có đàn lợn lớn nhất huyện Bạch Thông với nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Trước khi có dịch, tổng đàn lợn của xã là 8.650 con.
Mỹ Thanh là xã đầu tiên của huyện Bạch Thông công bố có dịch và cũng là xã có số lượng lợn chết dịch mang đi tiêu hủy nhiều nhất. Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi quét qua xã Mỹ Thanh đã xóa sổ đàn lợn nuôi nhỏ lẻ của các nông hộ, đặc biệt cao điểm vào tháng 4/2024. Lãnh đạo xã cho biết, tổng số lợn của xã bị dịch tả lợn châu Phi là 262 con với tổng trọng lượng gần 9,5 tấn của 84 hộ nuôi, trong đó, thôn Phiêng Kham bị dịch nhiều nhất.
Anh Triệu Phú Y, thôn Phiêng Kham là một trong những hộ có đàn lợn nuôi thuộc loại lớn nhất xã Mỹ Thanh với hai lợn nái đẻ gây giống và gần 10 con lợn thịt. Thời điểm tháng 4, đàn lợn của gia đình anh bắt đầu có dấu hiệu bỏ ăn. Một thời gian sau, hai con lợn nái nhiễm dịch bị chết, phải đem tiêu hủy. Hiện, gia đình anh Y đang vừa chăm vừa theo dõi đàn lợn con được ba tháng tuổi. Anh Y cho biết, chỉ khi biết lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi anh mới đi mua vắc-xin về tiêm cho đàn lợn con. Ngoài ra, gia đình tiến hành vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột, phun hóa chất khử khuẩn theo hướng dẫn và theo kinh nghiệm.
Đồng cảnh ngộ với anh Y, anh Triệu Văn Ngọc, thôn Phiêng Kham cũng có ba con lợn thịt nuôi trong hai chuồng có vách ngăn riêng biệt mới bị chết, phải tiêu hủy. Khi chúng tôi đến, hai chuồng nuôi của gia đình anh Ngọc vẫn trắng xóa vôi bột. Anh Ngọc buồn bã cho biết, anh vẫn chưa dám tái nuôi, để nghe ngóng xem tình hình như thế nào, bao giờ hết dịch mới dám nuôi trở lại.
Hiện tại, chuồng nuôi lợn vẫn bỏ trống, làm chỗ nhốt mấy con gà.
Không riêng xã Mỹ Thanh, hơn 90 xã khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng điêu đứng vì dịch tả lợn châu Phi càn quét. Hầu hết đàn lợn nuôi của các hộ dính dịch đều đã chết và đưa đi tiêu hủy theo quy định. Nhiều xã không còn con lợn nào, chuồng trại bỏ không. Lãnh đạo một số xã và người dân khi được hỏi đều chung một câu trả lời: “chưa biết bao giờ hết dịch” và “chừng nào chết hết đàn lợn chừng đó mới không còn dịch”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, sáu tháng đầu năm 2024, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 2.830 hộ, 598 thôn, 96 xã thuộc tám huyện, thành phố làm 13.087 con lợn chết, tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 513 tấn. Tính đến đầu tháng 7, số xã đã qua 21 ngày theo dõi kể từ khi có dịch là 10 xã, số xã chưa qua 21 ngày gồm 84 xã, trong đó có sáu xã mắc lại lần hai. Có hai xã đã công bố hết dịch là Cốc Đán (Ngân Sơn) và Bằng Thành (Pác Nặm). Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra nhiều lần ở Bắc Kạn nhưng đợt dịch này gây thiệt hại nặng nề nhất. Thời điểm tháng 4/2024, số lợn tiêu hủy vì dịch của Bắc Kạn chiếm tới 40% tổng số lợn bị nhiễm dịch phải tiêu hủy trên cả nước. Lợn chết nhiều cũng gây khan hiếm nguồn cung thịt lợn ở nhiều xã và đẩy giá thịt lợn lên cao.
Bài học đắt giá
Dịch tả lợn châu Phi quét qua đã gây thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay, mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị chết vì dịch, được thống kê, tiêu hủy đúng quy định chỉ khoảng 38.000 đồng/kg. So với giá thị trường thì mức hỗ trợ này còn thấp và rõ ràng các hộ chăn nuôi sẽ phải gánh hậu quả.
Nguyên nhân chính dẫn tới việc dịch lan rộng, gây thiệt hại nặng là do công tác tổ chức tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh của tỉnh Bắc Kạn rất kém. Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khi kiểm tra tại Bắc Kạn đã xác định, hầu hết người chăn nuôi chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học. Mặc dù đã có vắc-xin dịch tả lợn châu Phi và các địa phương chung quanh, cũng như một số hộ chăn nuôi của tỉnh Bắc Kạn đã sử dụng, cho kết quả rất tốt, bảo vệ được đàn lợn, nhưng hơn 99% các đàn lợn thịt ở Bắc Kạn không được tiêm phòng loại vắc-xin này.
Bên cạnh đó, công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời. Hệ thống thú y từ cấp tỉnh đến cấp xã đều rất thiếu, yếu, chưa tham mưu kịp thời, có hiệu quả các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Chính quyền tỉnh chưa thật sự quan tâm, chưa huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn dẫn đến dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Công tác quản lý giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch chưa thực hiện theo quy định.
Để chấn chỉnh tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức hội nghị trực tuyến đến tất cả các xã để chỉ đạo triển khai các biện pháp quyết liệt. Tại hội nghị, tỉnh mời thêm các công ty, tập đoàn cung ứng vắc-xin tham dự để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các xã hiểu và triển khai việc tiêm vắc-xin.
Tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung nguồn lực của địa phương, kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí cho chính quyền cấp xã xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới, tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về việc để dịch lây lan rộng, không xử lý kịp thời.
Tỉnh cũng nghiên cứu bố trí kinh phí để tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 về việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh và Công văn số 2560/BNN-TY ngày 9/4/2024 về việc tập trung tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nông Quang Nhất cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo tiêm đại trà vắc-xin phòng bệnh tả lợn châu Phi ngay, với quan điểm khi tái đàn thì vật nuôi phải được tiêm phòng đầy đủ. Tỉnh đã giao các huyện thành lập các tổ công tác đi tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn của các hộ dân.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 10 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn. Với việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch bệnh, nên dù dịch tả lợn châu Phi “càn quét” gần như toàn bộ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thì đàn lợn của các trang trại này vẫn an toàn. Điều đó càng khẳng định tầm quan trọng của việc chăn nuôi theo hướng dẫn và tiêm vắc-xin đầy đủ cho vật nuôi. Hy vọng bài học đắt giá từ đợt dịch này sẽ giúp các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ ở Bắc Kạn thay đổi tư duy để chăn nuôi an toàn hơn khi tái đàn trong thời gian tới.