Chống hàng giả, hàng nhái - Cuộc chiến không hồi kết:

Bài 5: Chống hàng giả phải có con người thật

NDO -

NDĐT - Sau loạt bài ghi nhận thực trạng của hàng giả, hàng nhái, để nhận diện những khó khăn và có những giải pháp thiết thực cho “cuộc chiến” đầy cam go này, phóng viên Nhân Dân điện tử xin ghi lại ý kiến của một số cơ quan chức năng và hiệp hội.

Một lô giấy giả bị thu giữ ở Bắc Ninh.
Một lô giấy giả bị thu giữ ở Bắc Ninh.

* Bài 4: Dán tem để chống giả - “sứ mệnh” bất khả thi

* Bài 3: Những cuộc truy lùng hàng giả từ biên giới

* Bài 2: Hàng giả hại hàng thật

* Bài 1: Thịt trâu thành thịt bò - sự phù phép siêu lợi nhuận?

Ông Trần Hùng, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia: Còn những vùng "nhạy cảm"

Bài 5: Chống hàng giả phải có con người thật ảnh 1
Ông Trần Hùng.

Lực lượng của Ban chỉ đạo 389 quốc gia phát hiện khá nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái trong thời gian vừa qua tại một số địa phương. Nhưng không phải tất cả các vụ việc đều được xử lý. Phải chăng còn những “vùng nhạy cảm” mà các cơ quan thực thi công vụ tại địa phương chưa dám làm? Những đối tượng cộm cán, những đường dây, ổ nhóm có tổ chức, có quy mô tại sao dân biết, Trung ương biết mà địa phương không xử lý được? Vấn đề chính là do con người, cụ thể là những cán bộ ở đó.

Mặt khác, chúng ta đang thiếu cơ chế, chính sách cho những lực lượng hoạt động trong lĩnh vực này. Có thể liệt kê ra các lực lượng chủ công trong chống hàng giả và thương mại như: biên phòng, hải quan, công an, thuế, lực lượng quản lý thị trường (QLTT)... Trong khi các lực lượng như biên phòng, hải quan, công an, thuế đều dựa vào luật để thực thi nhiệm vụ thì lực lượng QLTT chỉ dựa vào nghị định để hoạt động. Vì vậy, dẫn đến những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý do không có cơ chế, hành lang pháp lý.

Trong khi các ngành khác đều có trường lớp đào tạo chính quy, nghiệp vụ tinh thông, bài bản, lực lượng QLTT không hề có trường đào tạo chính quy, ngay cả sơ cấp cũng không có. Trước đây, đội ngũ cán bộ chủ yếu là bộ đội hết nghĩa vụ quân sự, nhưng bây giờ có đầu vào từ nhiều ngành khác. Hiện nay, cả nước có gần 6.000 cán bộ QLTT, vươn tới tận các quận, huyện. Nhưng ít người trong số này được đào tạo bài bản, có năng lực.

Đây lại là công việc nhiều áp lực. Nhiều lúc nắng chang chang, cán bộ QLTT phải cãi nhau tay đôi với những người buôn hàng, trong khi nhận lại đồng lương rất thấp, phụ cấp thâm niên không có. Vì vậy, dễ nảy sinh tiêu cực nếu như họ không đủ bản lĩnh, giữ vững được đạo đức, lập trường.

Một bất cập nữa là ngành nào cũng có hệ thống quản lý theo ngành dọc. Trong khi đó, QLTT tại mỗi địa phương thuộc Sở Công thương của địa phương đó, chịu sự điều hành của UBND tỉnh. Cục QLTT chỉ có thể ra văn bản chung, nhưng không có sự điều tiết, chỉ huy thống nhất, tập trung. Chưa kể lực lượng QLTT của tỉnh này không thể sang tỉnh khác để phối hợp, tỉnh nào biết tỉnh đấy. Tình trạng quản lý hiện nay quá bất cập, lỏng lẻo, thiếu sự thông tin giữa QLTT các địa phương, không trao đổi học tập nghiệp vụ thì làm sao bảo đảm được?

Thiếu sự quản lý ngành dọc nên dễ hiểu, ở các địa phương, lãnh đạo tỉnh nào quan tâm đến công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, chỉ đạo, tăng cường hỗ trợ về phương tiện, con người, vật chất cho lực lượng QLTT thì đội ngũ này ở chỗ đấy phát triển mạnh, buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn đó được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi địa phương nào chưa đề cao công tác chống hàng giả, chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh thì tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả hoành hành.

Tóm lại, thực ra vấn đề hàng giả xử lý không khó, nếu có con người thật, cùng với đó là hệ thống luật pháp chuẩn, cộng với ý thức người dân và công tác tuyên truyền tốt thì sẽ xử lý được.

* Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam: Nhiều cơ quan, quy định xử lý hàng giả "đá" nhau

Bài 5: Chống hàng giả phải có con người thật ảnh 2
Ông Lê Thế Bảo.

Trước hết, nguyên nhân khách quan của tình trạng hàng giả nghiêm trọng hiện nay là do vị trí địa lý của nước ta có nhiều vùng biên giới tiếp giáp với một đất nước có trình độ làm giả tinh vi. Tốc độ làm hàng giả, hàng nhái của họ tăng hàng chục lần so với trước đây. Ngày xưa, để làm giả một mẫu thuốc nhuộm tóc phải mất độ 7-8 tháng sau. Nhưng bây giờ, nếu có một sản phẩm bán chạy, chỉ một tháng sau, hàng giả đã tràn ngập thị trường. Nếu như đưa mẫu một vỉ thuốc sang nước bên cạnh chúng ta, chỉ một tuần sau có thể lấy hàng trăm nghìn vỉ hàng nhái. Điều này gây ra một tác hại rất lớn. Nhiều doanh nghiệp trong nước, mặc dù cũng đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, nhưng đều sang nước bạn làm giả để tăng lợi nhuận, không ai kiểm tra nổi.

Về quy định của Nhà nước, hiện có khoảng 35 văn bản quy định về chống hàng giả hàng nhái. Rồi đến từng mặt hàng, từ xi-măng, sắt thép, gas... đều có nghị định riêng cả, nhưng không trùng khớp nhau, văn bản này “đá” văn bản kia gây bất hợp lý.

Thí dụ, về xử lý hàng hóa bị làm giả, có văn bản thì nói phải “tịch thu, tiêu hủy”, sang mặt hàng khác thì lại “loại bỏ yếu tố vi phạm”, có nghĩa là vẫn được bán. Hiệp hội cũng có lần báo cáo Chính phủ về việc phân công ngành hàng không khớp nhau. Bộ Y tế quản lý nước đóng chai, nhưng Bộ Công thương nói là nước uống. Vậy nước uống và nước đóng chai chịu sự quản lý khác nhau. Tinh bột thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng bột dinh dưỡng do Bộ Y tế, rồi Bộ Công thương cũng có liên quan. Như thế, các bộ phân công trong các nghị định không khớp nhau, khiến doanh nghiệp làm thủ tục đi từ cổng này đến cổng khác, mà cuối cùng chẳng biết xin ai.

Một nguyên nhân nữa khá quan trọng là, chống buôn lậu, hàng giả là để hỗ trợ cho sản xuất phát triển, nhưng chúng ta cứ chống mà sản xuất thì không phát triển. Ngành thuốc lá cũng bị buôn lậu, chịu nhiều thiệt hại. Cách đây mười năm, người dân miền đông và miền tây quen hút thuốc lá Zet, Hero nhưng chúng ta chỉ sản xuất được Vinataba và 555. Còn khoảng một triệu người hút thuốc ở vùng này chọn loại thuốc lá khác. Thị trường nội địa không sản xuất loại thuốc hợp “gu” của người dùng. Như vậy, có thể nói, ngành hàng đó đã nhường thị trường cho buôn lậu và hàng giả.

Một thí dụ khác để thấy sản xuất phát triển là yếu tố số một để đẩy lùi hàng giả. Trước đây, bia Vạn Lực tràn ngập ở thị trường phía bắc. Nhưng sau đó, các sản phẩm bia Hà Nội, bia Sài Gòn, cùng nhiều loại bia liên doanh ra đời thì tự nhiên, nhu cầu tiêu thụ loại bia Trung Quốc kia biến mất.

Trong cuộc họp ngày 28-11 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới yếu tố quyết định là sản xuất. Doanh nghiệp chúng ta hiện nay không vươn lên chiếm lĩnh thị trường, chưa nói đến những doanh nghiệp có ý thức chống hàng giả, hàng nhái chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ không dành kinh phí hạch toán để hỗ trợ cho việc chống hàng giả.

Xét về ý thức người tiêu dùng, một mặt họ không biết cách phân biệt hàng giả hàng thật. Mặt khác, thu nhập của người tiêu dùng còn thấp, không thể dùng hàng hiệu nên muốn có đồ đẹp hơn thì phải dùng hàng nhái của các thương hiệu lớn. Chính điều này đã vô tình tiếp tay cho việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái phát triển.

Bài 5: Chống hàng giả phải có con người thật ảnh 3
Ông Lâm Quốc Hùng (Ảnh: Công lý).

Người tiêu dùng khi mua phải hàng giả biết kiện ai? Mà kiện khó lắm, chúng ta có những tổ chức này, tổ chức khác nhưng hiệu quả hoạt động rất thấp. Có chăng chỉ là phát biểu ở hội nghị vài câu, nhưng việc cụ thể không ai xử lý. Lực lượng thực thi có bảy cơ quan có chức năng nhưng kinh phí không có, ngoài đồng lương ra không có quỹ nào cho họ hoạt động. Trước đây Nhà nước còn dành lại 4% cho lực lượng thực thi, nhưng nay vì kinh tế khó khăn nên đã cắt ngân sách này đi.

* Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế): Khó xác định hàng giả, mất an toàn vì tốn kém kinh phí

Đã từng có nhà báo cầm mớ rau muống và hỏi tôi, liệu mớ rau này có an toàn hay không? Một câu hỏi tưởng như rất đơn giản nhưng muốn khẳng định được thì phải có các điều kiện. Thứ nhất, ít nhất phải có trong tay 10 triệu đồng. Thứ hai, phải mất thời gian từ 7 đến 10 ngày xét nghiệm, và labor phải có đủ khả năng kiểm nghiệm.

Một mẫu phóng xạ 3,5 triệu, mà có năm mẫu phóng xạ lưu hành trên thị trường. Chưa kể thuốc bảo vệ thực vật có khoảng 400 loại. Nếu nhóm thành các nhóm để test nhanh định tính, độ chính xác cũng chỉ là 85 đến 90%. Đấy là chưa kể đến thử định lượng phải phân tích, số tiền để kiểm nghiệm sẽ “vọt” lên như thế nào?

Có lúc, thị trường rộ lên thông tin mực khô giả. Kết quả xét nghiệm vẫn cho thấy có hàm lượng đạm nhưng thấp mà thôi. Vì thế, sản phẩm vẫn tiêu hủy nhưng không thể nói là giả được.