Bài 5: Bức tử hồ Đại Lải: Không thể “phạt cho tồn tại”

NDO -

Như Nhân Dân điện tử đã phản ánh, sai phạm nghiêm trọng của UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại Quyết định 41/QĐ-UBND cấp hàng trăm ha lòng hồ Đại Lải cho doanh nghiệp bức tử, gây phẫn uất trong dư luận quần chúng nhân dân.

Hàng trăm ha lòng hồ Đại Lải bị Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam bức tử.
Hàng trăm ha lòng hồ Đại Lải bị Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam bức tử.

Cùng với đó là sự “tát nước theo mưa”, sai phạm vô cùng nghiêm trọng của hàng loạt doanh nghiệp ngang nhiên san lấp hồ Đại Lải khi không có giấy phép. Dư luận xã hội và bạn đọc Báo Nhân Dân yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý tận gốc vấn đề, hoàn trả nguyên trạng lòng hồ, không thể để vụ việc nghiêm trọng này theo chiều hướng “phạt cho tồn tại”.

Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam sai phạm nghiêm trọng
Tại mục 5.4 về quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật, Điều 1, Quyết định 41 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc do Phó chủ tịch tỉnh Vũ Chí Giang ký nêu rõ: Việc san nền phải bảo đảm nguyên tắc san nền cục bộ đối với từng khu đất nhằm giữ nguyên địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa khối lượng thi công do đào đắp, san nền, đồng thời có các giải pháp kè chắn đất, gia cố mái dốc. 

Tuy nhiên, Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đã ngang nhiên làm trái Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc bạt cả một quả đồi và dùng khối lượng đất, đá khổng lồ từ quả đồi đó san lấp hàng trăm ha lòng hồ Đại Lải, tuy nhiên sự việc nghiêm trọng này không được UBND tỉnh hay bất cứ cơ quan chức năng nào của tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện ngăn chặn. 

Theo ông Mai Sỹ Diến, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết “Hành động san lấp lòng hồ Đại Lải vi phạm nghiêm trọng cùng lúc nhiều luật, nghị định, thông tư: Theo QĐ số 688/2019 của Bộ NN&PTNT, hồ Đại Lải có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn 1.384 ha đất nông nghiệp, có nhiệm vụ cấp nước thô cho công nghiệp, phòng chống lũ lụt cho hạ du và phát triển du lịch.

Việc lòng hồ hiện nay chỉ còn hơn 300ha so với 577ha khi được giao về tỉnh Vĩnh Phúc quản lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về chức năng chứa nước, ngăn lũ lụt cho vùng hạ du và cấp nước cho nông nghiệp và nước thô cho công nghiệp; vi phạm khoản 39, điều 2, Nghị định số 1/2017 của Chính phủ. 

Việc tôn nền đối với phần diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng nước là vi phạm khoản 2, điều 163 Luật đất đai: “Việc khai thác, sử dụng mặt nước chuyên dùng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng chủ yếu đã được xác định”: Mục đích ở đây là hồ chứa nước thủy lợi, phải tuân theo quy định về kỹ thuật của các ngành;

Việc Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đã dùng đất, đá từ quả đồi san lấp xuống lòng hồ là vi phạm vào các hành vi bị cấm quy định tại khoản 8, Luật Thủy lợi, đó là: Ngăn, lấp, đào trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi”.

Nhiều bạn đọc của Báo Nhân Dân điện tử đã đặt câu hỏi, sự yếu kém của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các sở, ngành liên quan của tỉnh trong lĩnh vực quản lý hay có sự bao che, dung túng và cũng có thể là đồng lõa cho doanh nghiệp tự tung tự tác thực hiện sai phạm? Thiết nghĩ cần các cơ quan chức năng của Trung ương vào cuộc điều tra để làm rõ, nhằm bảo đảm sự khách quan, minh bạch đối với sai phạm nghiêm trọng này.

Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với UBND tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc nhằm làm rõ những sai phạm của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam, tuy nhiên, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan luôn tìm cách né tránh, không cung cấp tài liệu với cùng một lý do “các cơ quan chức năng đang kiểm tra nên không thể cung cấp hồ sơ”!?. Phải nói lại một lần nữa, việc kiểm tra của các cơ quan liên quan tỉnh Vĩnh Phúc đã quá hạn định gần ba tháng, tuy nhiên cho đến nay chưa hề có bất cứ một kết luận nào về sự việc nghiêm trọng này.

Không thể “phạt cho tồn tại”
Công trình hồ Đại Lải khởi công ngày 26-10-1959 và hoàn thành ngày 25-7-1963. sau bốn năm miệt mài lao động của các lực lượng TNXP, công trình hồ Đại Lải đã được hoàn thành với diện tích mặt nước gần 600ha, dung tích hơn 30 triệu m3; hệ thống cống có đường kính từ 0,75 - 1,8m và kênh dẫn nước dài tới 11km; đập xả lũ tràn rộng 32m.

Công trình hồ Đại Lải được xây dựng với mục tiêu giải quyết vấn đề thoát lũ, chống úng, giữ nước, chống hạn cho hơn năm nghìn ha đất nông nghiệp thuộc hai huyện Kim Anh, Bình Xuyên (nay là một số địa phương của Vĩnh Phúc và Hà Nội).

Đây là công trình thủy lợi đầu tiên, lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc trong suốt 60 năm qua. Để thực hiện công trình thủy nông này, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã huy động 1.200 TNXP với hơn 2,2 triệu ngày công làm việc liên tục trong bốn năm mới hoàn thành. 

Hồ Đại Lải, một công trình lịch sử được xây dựng bởi quyết tâm và ý chí cách mạng, bằng đôi bàn tay và công sức của hàng nghìn TNXP thời điểm đó. Đây là công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng về nhiều mặt, thể hiện tinh thần tập thể, lòng quyết tâm và sự hy sinh quên mình vì tương lai và sự nghiệp chung của đất nước của các TNXP. Cho đến nay, những TNXP đó đã ở độ tuổi “gần đất xa trời”, tuy nhiên, những gì họ làm, công sức họ bỏ ra đang ngày một bị một nhóm hậu thế vùi lấp không thương tiếc.

Xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật
Báo Nhân Dân là báo đầu tiên phát hiện và phản ánh loạt bài bức tử hồ Đại Lải với các bài viết: Bài 1: Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam “bức tử” hồ Đại Lải làm khu biệt thự nghỉ dưỡng; Bài 2: Buông lỏng quản lý để doanh nghiệp bức tử hồ Đại Lải; Bài 3: Bức tử hồ Đại Lải – Trách nhiệm thuộc về ai? và Bài bốn: Bức tử hồ Đại Lải - Cần thu hồi Quyết định 41 vi phạm Luật Thủy lợi của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Các bài viết phản ánh chân thực những thông tin, hình ảnh đồng thời chỉ ra những vi phạm nghiêm trọng của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cũng như các doanh nghiệp về tình trạng bức tử hồ Đại Lải.

Loạt bài trên nhận được sự quan tâm đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân, mọi ý kiến phản hồi của độc giả đều mong muốn các cơ quan chức năng của Trung ương sớm vào cuộc làm rõ sai phạm trả lại nguyên trạng lòng hồ Đại Lải.

Sau khi Báo Nhân Dân phản ánh sự việc bức tử hồ Đại Lải, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5740/VPCP-NN do ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký ngày 14-7-2020 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu liên quan hồ Đại Lải.

Văn bản nêu rõ, hồ Đại Lải là công trình cung cấp nước ngọt cho Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội, đồng thời là danh thắng nổi tiếng đang bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc. Suốt chiều dài gần 1km, hàng chục nghìn khối đất được bạt từ một quả đồi sát cạnh đổ thẳng xuống mép hồ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thông tin báo nêu, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.

Mới đây, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT đã ra Quyết định 202/QĐ-TCQLĐĐ do Phó Tổng cục trưởng Đào Trung Chính ký, thành lập đoàn kiểm tra xác minh sai phạm trong việc quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) theo thông tin báo chí phản ánh về sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải.

Tại quyết định số 202 ngày 7-8, Tổng cục Quản lý đất đai thành lập đoàn kiểm tra xác minh thông tin phản ánh của báo chí về sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại dự án sân golf Đại Lải và sân golf Đầm Vạc. 

Đoàn kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai có nhiệm vụ: Kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại hai dự án sân golf về kiểm thực việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nghĩa vụ tài chính và kiểm tra việc đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Các nội dung kiểm tra bao gồm: Sở TN&MT tỉnh báo cáo, cung cấp hồ sơ pháp lý và tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu sai phạm tại hồ Đại Lải; UBND TP Phúc Yên có trách nhiệm phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đất đai... 

Đoàn kiểm tra do Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai Nguyễn Văn Trị làm trưởng đoàn, thực hiện nhiệm vụ trong 15 ngày. Kết quả làm việc thông báo cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc để thống nhất chỉ đạo, triển khai.

Như vậy, sự việc nghiêm trọng bức tử hồ Đại Lải đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biết và chỉ đạo. Chắc chắn trong thời gian tới, các bộ, ngành của Trung ương cũng sẽ làm rõ sự việc theo chức năng và nhiệm vụ của mình, đó là tín hiệu đáng mừng và là niềm hi vọng của quần chúng nhân dân cũng như độc giả của Báo Nhân Dân trong việc điều tra, xử lý vi phạm các tổ chức, cá nhân bức tử hồ Đại Lải. Chúng ta cùng hy vọng và mong đợi một kết quả tốt đẹp trong thời gian tới khi lòng hồ Đại Lải được trả lại nguyên vẹn, đó cũng là mong mỏi của những TNXP, những người đã đóng góp hàng triệu ngày công làm nên công trình vĩ đại mang tên hồ Đại Lải.