Bài 3: Nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội thời bình
Nêu cao trách nhiệm nơi tuyến đầu
Với quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”, xác định nhiệm vụ chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội thời bình, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía nam đã khắc phục khó khăn, xung kích đi đầu trên tuyến đầu chống dịch.
Thực tế sau hơn 1,5 năm gồng mình làm nhiệm vụ trên biên giới, BĐBP tỉnh cũng như các lực lượng tăng cường từ nội địa ra làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới của Tây Ninh cũng sẽ phải như anh Thắng, nếu không may gia đình có hữu sự xấu hay sự kiện quan trọng. Nhưng vì nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh cũng như các lực lượng đã khắc phục khó khăn, nêu cao trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Được biết, ngoài lực lượng BĐBP các tỉnh chi viện cho Tây Ninh, còn có học viên các trường biên phòng, lực lượng của Quân khu 7, Bộ CHQS và Công an tỉnh, với tổng số hơn 1.000 người, ngày đêm làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới.
Chiều muộn một ngày cuối tháng bảy, ngành y tế Tây Ninh thông báo, trong ngày tỉnh có 115 ca dương tính, trong đó các huyện biên giới Bến Cầu, Tân Châu, Châu Thành… đều có ca bệnh. Thực tế nêu trên cho thấy, Tây Ninh ngoài nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ nội địa, còn có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ địa bàn giáp Campuchia rất lớn. Đến nay, tỉnh đã cách ly tại cơ sở y tế 464 người, cách ly tập trung 2.290 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú 8.205 người. Nguyên nhân phần nhiều đến từ đối tượng nhập cảnh trái phép do mất việc, do dịch bên kia biên giới; một phần do các đối tượng buôn lậu nhập cảnh trái phép lại còn mang dịch bệnh vào nội địa...
Mới đây, BĐBP tỉnh đã trao quyết định và thưởng nóng năm triệu đồng tặng chị H.T.T.X., khi ngày 12/5, chị H.T.T.X kịp thời báo tin cho Trạm kiểm soát Biên phòng Hòa Thạnh, thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân, về hành vi khả nghi của hai nữ du khách đón xe đi TP Hồ Chí Minh. Từ vụ việc này, Công an huyện Châu Thành điều tra và bắt giữ hai đối tượng cầm đầu đường dây chuyên tổ chức đưa đón người xuất, nhập cảnh (XNC) trái phép qua biên giới.
Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Tây Ninh, cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trên toàn tuyến biên giới được tăng dày thêm các chốt, từ 129 chốt đến nay đã tăng lên 159 chốt, với hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ canh giữ. Trong đó, vẫn còn 115 chốt tạm, 73 chốt chưa có điện và 111 chốt chưa có nước sinh hoạt…; nếu trời mưa dông, sấm sét, anh em ở nhiều chốt không chỉ bị ướt, lạnh, mà còn đối diện nguy cơ gặp rắn, rết, thú rừng và muỗi. Một số chốt do nước sinh hoạt thiếu, không có điện, anh em phải thay nhau “chạy” về chốt chính ăn cơm, tắm giặt, vệ sinh; bữa ăn hằng ngày của anh em ở đây sử dụng mì tôm là chính... Khó khăn, gian khổ là vậy, song BĐBP tỉnh cùng các lực lượng quân sự, dân quân tự vê (DQTV), công an, y tế đã vượt lên khó khăn, bám trụ chống dịch, đi đôi phối hợp phát hiện, xử lý 206 vụ, với 991 đối tượng vi phạm pháp luật trên biên giới, trong đó có 147 vụ/959 đối tượng XNC trái phép...
Không chùn bước trước gian khó, hiểm nguy
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính từ đợt dịch thứ tư đến sáng 25/7, tỉnh đã có 7.642 ca mắc Covid-19; trong đó có 1.978 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 3.677 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly, 1.153 ca bệnh phát hiện trong khu phong tỏa, 783 ca phát hiện liên quan tới nguồn lây nhiễm từ chợ và khu không phong tỏa, 5 ca phát hiện tại chốt kiểm dịch. Hiện, tỉnh có 12 khu điều trị bệnh nhân Covid-19, với 4.012 bệnh nhân đang điều trị; các bệnh nhân mới phát hiện đang được điều chuyển sang các khu điều trị và một số bệnh nhân F0 không triệu chứng vẫn còn cách ly tại các khu cách ly tạm thời.
Làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch, thời gian qua, cùng với bảo đảm PCD hiệu quả trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Bình Dương còn phối hợp, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án PCD bệnh cho từng cấp độ; phát huy phương châm “4 tại chỗ”, khảo sát mở rộng các khu cách ly tập trung, triển khai bệnh viện dã chiến truyền nhiễm (DCTN), huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, DQTV triển khai các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh và khoanh vùng, phong tỏa, truy vết dập dịch quyết liệt. Hiện, tỉnh Bình Dương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có 88 cơ sở cách ly tập trung, với khoảng 50 nghìn giường...
Trong đó, LLVT tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị rà soát lại các cơ sở cách ly tập trung, tăng cường cơ chế, giám sát, bổ sung trang, thiết bị vật tư cần thiết, bảo đảm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung. Tại khu cách ly tập trung thị xã Bến Cát, nơi tổ chức cách ly y tế cho hàng nghìn lượt người thời gian qua, trong đó có nhiều công nhân lao động trong các doanh nghiệp.
Trung tá Lê Đình Hải, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị xã Bến Cát, Trưởng ban Chỉ đạo khu cách ly nêu trên cho biết: Cán bộ, chiến sĩ đơn vị xác định, nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội thời bình, do vậy khi làm nhiệm vụ trong khu cách ly y tế tập trung, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn nêu cao trách nhiệm, thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần các công dân giúp họ yên tâm và tuân thủ tốt quy định trong khu cách ly.
Vừa hoàn thành đợt cách ly tại khu cách ly tập trung thị xã Bến Cát trở về, chị Nguyễn Thị Phương và nhiều công nhân Công ty TNHH Puku Việt Nam, ở TP Thuận An (Bình Dương) tâm sự, trước khi vào cách ly tập trung, tôi cũng như nhiều người rất lo lắng. Song, được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của các anh bộ đội và lực lượng làm nhiệm vụ tại đây, do vậy tôi cùng các công dân đều yên tâm, ý thức được trách nhiệm cách ly là bảo vệ cho mình, cho cộng đồng và cố gắng thực hiện tốt việc cách ly.
Để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, Bộ CHQS tỉnh phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh đến thăm, tặng quà, động viên người dân và lực lượng làm nhiệm vụ ở các khu vực cách ly, phong tỏa. Đoàn Thanh niên Bộ CHQS tỉnh phối hợp Tỉnh đoàn vận động nhiều doanh nghiệp hỗ trợ vật chất, hàng hóa cho các khu cách ly. Bên cạnh đó, còn phối hợp tổ chức “Phiên chợ online không đồng”, hỗ trợ miễn phí lương thực, thực phẩm cho người dân trong khu cách ly.
Tại lễ phát động tiêm chủng vaccine và ra quân phun thuốc khử khuẩn diện rộng PCD Covid-19 trên địa bàn tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã biểu dương sự làm việc nghiêm túc của lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Công an, Y tế, đã không quản ngại khó khăn tham gia chống dịch và có những sáng kiến thiết thực, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, LLVT TP Cần Thơ luôn có mặt thường xuyên nơi tuyến đầu chống dịch. Trong đó, Bộ CHQS thành phố đã điều động 700 cán bộ, chiến sĩ, DQTV tham gia thực hiện PCD ở các khu cách ly, tại 41 khu vực phong tỏa và 93 chốt kiểm dịch.
Là người làm nhiệm vụ thường xuyên ở khu cách ly tập trung của đơn vị, nhiều lần tiếp xúc các bệnh nhân Covid-19, Thượng tá, bác sĩ Phạm Văn Bồi, Chủ nhiệm Quân y Bộ CHQS TP Cần Thơ, cho biết: Lúc đầu tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 tôi khá lo lắng, vì lần đầu đối diện dịch bệnh nguy hiểm. Nhưng bằng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng PCD được trang bị, đã giúp tôi tự tin trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời bảo đảm an toàn cho bản thân và đồng đội.
“Là người lính quân y được trui rèn qua thử thách, tôi cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tình nguyện làm nhiệm vụ ở nơi khó khăn để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Dù trong công việc thường xuyên phải tiếp xúc người bệnh, nguy cơ lây nhiễm cao, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tôi cũng như các đồng đội không chùn bước trước gian khó, hiểm nguy, nêu cao tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, tất cả vì sự bình an của các công dân”, Thượng tá Phạm Văn Bồi chia sẻ.
Hiện, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Cần Thơ diễn biến rất phức tạp, đặt biệt ở các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và các huyện Thới Lai, Phong Điền đã xuất hiện nhiều ca lây nhiễm mới; tỷ lệ nhiễm qua xét nghiệm sàng lọc trọng điểm trên địa bàn còn cao, một số ca chưa xác định rõ nguồn lây, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn phức tạp.
Trước thực tế nêu trên, Đảng ủy, Bộ CHQS thành phố đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của các cấp về PCD bệnh Covid-19; huy động hơn 1.600 cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ PCD tại các khu cách ly, các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.
Đồng thời, tham mưu ban hành kế hoạch và quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự trong trạng thái có dịch bệnh diện rộng trên địa bàn thành phố; thành lập Sở Chỉ huy PCD Covid-19 trên địa bàn thành phố. Tham mưu khảo sát, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh trong công tác quản lý, điều hành các khu các ly tập trung trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chỉ đạo lực lượng phun thuốc khử khuẩn 30 điểm có nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn quận Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng.
Hiện, Bộ CHQS thành phố đã khảo sát, sẵn sàng kích hoạt 16 khu cách ly y tế tập trung, khả năng tiếp nhận 3.896 công dân; tổ chức Bệnh viện Quân dân y làm Bệnh viện DCTN, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19, góp phần cùng TP Cần Thơ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.