Sự phát triển của khoa học-công nghệ đã đặt ra nhiệm vụ quan trọng đối với quân đội là, phải đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ quân sự, nâng cao tiềm lực quốc phòng.
Tuy nhiên, thực tế đặt ra đòi hỏi cần tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành thúc đẩy sự gắn kết giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân sinh, nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới.
Trăn trở của người trong cuộc
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Linh, Viện trưởng Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) cho biết, những năm gần đây, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ quân sự, phát triển công nghiệp quốc phòng đã tạo thuận lợi cho Viện triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; các đề tài có quy mô lớn hơn, sản phẩm nghiên cứu đa dạng về chủng loại, có tích hợp và hàm lượng khoa học cao hơn, tập trung giải quyết toàn diện được vấn đề chế tạo sản phẩm từ khâu thiết kế, chế thử sản phẩm, bắn thử nghiệm, đến sản xuất hàng loạt đưa vào trang bị, phục vụ tốt cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, vũ khí được coi là sức mạnh và vị thế quân sự mà mỗi quốc gia đều giữ bí quyết cho riêng mình, thậm chí được xếp vào hàng tuyệt mật.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí luôn gặp những vướng mắc, trở ngại, như khó tiếp cận tri thức mới trong lĩnh vực khoa học-công nghệ quân sự tiên tiến, vì hầu hết các nước chỉ hợp tác đào tạo, chuyển giao ở mức độ giới hạn.
Có những sản phẩm vũ khí thế hệ mới khi nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm hơn trăm lần tại trường bắn mới thành công. Có sản phẩm vũ khí công nghệ mới phải thử nghiệm ở trường bắn biển, quy mô thử nghiệm lớn, phải phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị triển khai thử nghiệm, do vậy gặp không ít khó khăn.
Đối với công nghiệp quốc phòng Việt Nam, hiện công nghệ nền và công nghệ lõi cũng còn nhiều hạn chế; các trang, thiết bị phục vụ nghiên cứu, thiết bị đo lường, thử nghiệm và hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất tuy được đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong trang bị của sư đoàn bộ binh đủ quân và một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, nhưng với vũ khí công nghệ cao cần phải có hệ thống trang, thiết bị phục vụ nghiên cứu, thiết bị đo lường, thử nghiệm và hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại hơn nữa. Đây cũng chính là “cái khó” trong việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới hiện nay.
Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Linh đề nghị, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới; tiếp tục đầu tư công tác nghiên cứu khoa học-công nghệ, đặc biệt trong công tác nghiên cứu phát triển các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, vũ khí chiến lược.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các trang, thiết bị nghiên cứu, đo lường, thử nghiệm vũ khí; các dây chuyền công nghệ chế tạo mới, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật trong tình hình mới.
Thượng tá Nguyễn Hữu Đoan, Phó Giám đốc Nhà máy Z173 cho biết, những năm qua, nhà máy tập trung vào ba mũi nhọn chính. Đó là: Sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh; sản xuất sản phẩm phục vụ các thành phần kinh tế trong nước và sản xuất sản phẩm phục vụ xuất khẩu; nhằm tận dụng nguồn lực mà Nhà nước, quân đội đã đầu tư cho đơn vị, đồng thời nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên.
Tuy nhiên, hiện nhà máy vẫn còn gặp không ít khó khăn. Các sản phẩm ngày càng đòi hỏi cao về công nghệ, chất lượng, tiến độ, trong khi năng lực nhà máy vẫn còn những hạn chế; khi triển khai thực hiện các dự án đóng tàu (cả tàu quân sự và tàu dân sự) vẫn còn nhiều thủ tục hành chính; máy móc, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng của nhà máy đã được đầu tư từ nhiều năm trước, không đồng bộ, cho nên gặp khó khăn trong tổ chức sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong nhà máy đang “già hóa”, nhưng khó tuyển dụng nhân lực.
Từ thực tế nêu trên, Thượng tá Nguyễn Hữu Đoan đề nghị, thời gian tới, Bộ Quốc phòng cần đầu tư các trang, thiết bị hiện đại có tính tự động hóa cao để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm; tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực phù hợp cơ cấu tổ chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực vào làm việc tại các nhà máy công nghiệp quốc phòng.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho biết, những năm qua, Tổng cục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra mọi giải pháp, ưu tiên các nguồn lực, tạo sự đột phá để hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, trong đó trọng tâm nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm quốc phòng và sản phẩm phục vụ dân sinh, cụ thể là: Đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng các nội dung về chiến lược xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng; xây dựng Đề án và báo cáo Bộ Chính trị ban hành Kết luận về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tham mưu cho Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035...
Các quy hoạch, chương trình, kế hoạch được ban hành đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp quốc phòng phù hợp tình hình mới, là cơ sở rất quan trọng để ngành Công nghiệp quốc phòng triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ đầu tư tiềm lực công nghiệp quốc phòng đáp ứng nhu cầu bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang phù hợp với thế bố trí chiến lược trên ba miền bắc, trung, nam.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường hiện đại, lưỡng dụng vẫn còn những khó khăn bất cập đó là: Đề án sắp xếp lại doanh nghiệp Quân đội giai đoạn 2021-2025 chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên có tác động không nhỏ đến xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển, thu hút nguồn nhân lực và ảnh hưởng đến tư tưởng của người lao động tại các doanh nghiệp thuộc Tổng cục.
Trong công tác nghiên cứu khoa học-công nghệ, về chi phí bản quyền tác giả đối với sản phẩm quốc phòng, hiện nay, chưa có quy định cụ thể của Bộ Quốc phòng về quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quốc phòng và trong giá thành sản xuất các sản phẩm quốc phòng là kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học-công nghệ (chưa có chi phí bản quyền tác giả).
Do đó chưa khích lệ và tạo được động lực lớn cho tác giả, đơn vị chủ trì đề tài khoa học-công nghệ để nghiên cứu thiết kế, chế tạo ra các sản phẩm quốc phòng mới.
Các cơ chế, chính sách đãi ngộ, trả lương đối với lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học hiện nay chưa khích lệ, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia công tác nghiên cứu khoa học-công nghệ tại Tổng cục Công nghiệp quốc phòng nói chung và tại các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng nói riêng.
Bên cạnh đó, hầu hết các dây chuyền công nghệ được đầu tư tại các doanh nghiệp thuộc Tổng cục là các dây chuyền sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, có tính đặc thù cho nên việc kết hợp khai thác dây chuyền sản xuất quốc phòng để sản xuất các sản phẩm kinh tế, lưỡng dụng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Công tác phối hợp các bộ, ngành, địa phương để tăng cường sự gắn kết giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân sinh có thời điểm chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Hoạt động xuất khẩu của nhiều nhà máy còn phụ thuộc nhiều vào đối tác thương mại; mới chỉ xuất khẩu được các bán thành phẩm, chưa xuất khẩu được các chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Để thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian tới, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tập trung thực hiện tốt các giải pháp:
Một là, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cũng như các nghị định, thông tư.
Hai là, đối với xuất khẩu sản phẩm quốc phòng cần phải có hành lang pháp lý, xây dựng thông tư riêng nhằm tiếp cận được thị trường quốc tế, xuất khẩu được các loại vũ khí, trang bị thay vì bán các thành phẩm như hiện nay.
Ba là, đề xuất cơ chế về sở hữu bản quyền và đãi ngộ đối với lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học-công nghệ để thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
Cùng với đó, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tiếp tục chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ tiên tiến, phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng; tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công thương để tham gia vào các chương trình, dự án phát triển công nghiệp quốc gia và thúc đẩy sự gắn kết giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân sinh nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ các số ra ngày 29 và 30/8/2023.