Phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng

Thực hiện chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Nhà máy Z199-Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thực hiện hiệu chỉnh tính năng kính ngắm.
Công nhân Nhà máy Z199-Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thực hiện hiệu chỉnh tính năng kính ngắm.

Bài 1: Tạo nền tảng để xây dựng Quân đội hiện đại

Xuất phát từ “con số không”

Cuối năm 2022, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 đã thu hút 174 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 30 quốc gia (120 doanh nghiệp nước ngoài, 54 doanh nghiệp Việt Nam), tham gia trưng bày các gian hàng sản phẩm công nghiệp quốc phòng, an ninh. Tại triển lãm, có 303 sản phẩm do Công nghiệp quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, sản xuất được trưng bày, gồm:

Các nhóm vũ khí lục quân; súng, đạn thế hệ mới; khí tài quang học; các loại tàu chiến; các loại vật tư, trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật; các loại thiết bị cho người lính thời kỳ 4.0...; các loại ra-đa, máy thông tin liên lạc; thiết bị tác chiến điện tử, chỉ huy điều khiển, thiết bị bay không người lái.

Ngoài ra, còn có các phương tiện, trang thiết bị, vũ khí đồng bộ của Quân đội nhân dân Việt Nam được lựa chọn, huy động trưng bày. Đặc biệt, tại triển lãm, các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã ký kết một số hợp đồng với công ty của Hà Lan, Israel, với tổng giá trị khoảng 25 triệu USD; cũng như tìm hiểu được sự phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật các nước, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, xuất khẩu khác... Triển lãm đánh dấu sự phát triển của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, góp phần khẳng định uy tín, vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Thành công bước đầu nêu trên bắt nguồn từ sự tiếp nối truyền thống ngành Quân giới anh hùng, đó là cách đây 78 năm (ngày 15/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng - tiền thân của ngành Công nghiệp quốc phòng ngày nay.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mặc dù ngành Quân giới với điểm xuất phát hầu như từ “con số không”: không có các cơ sở sản xuất công nghiệp cơ bản; không có các loại vật tư nguyên liệu thiết yếu; không có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề...; song, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, công nhân, nhân viên Quân giới đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, nghiên cứu, cải tiến, sửa chữa, chế tạo, sản xuất hàng triệu tấn vũ khí, đạn, trang bị các loại cung cấp cho lực lượng vũ trang và toàn dân đánh giặc, lập nhiều chiến công vang dội, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Sau năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, ngành Quân giới bước sang chặng đường phát triển mới đó là, tập trung phát triển sản xuất quốc phòng và tham gia sản xuất xây dựng nền kinh tế đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã hoàn thành xuất sắc vai trò, chức năng cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong xây dựng tiềm lực quốc gia về công nghiệp quốc phòng; huy động sức mạnh, trí tuệ tập thể, đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quan hệ đối ngoại, nghiên cứu phát triển và sản xuất thành công nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật đáp ứng cho toàn quân huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) được đánh giá là điểm sáng trong công tác nghiên cứu, thiết kế vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đại tá Tiến sĩ Nguyễn Phúc Linh, Viện trưởng Viện Vũ khí tự hào nhớ về một quá khứ hào hùng. Ra đời ngày 4/2/1947, Nha Nghiên cứu kỹ thuật (tiền thân Viện Vũ khí ngày nay) mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, đơn vị đã mở lớp học chuyên môn đầu tiên.

Bài học thực hành của các học viên là nhồi lắp một lô đạn bazôka theo yêu cầu đặc biệt của Bộ Quốc phòng. Những quả đạn bazôka đầu tiên được bộ đội đưa vào chiến đấu và đã tiêu diệt được xe tăng của thực dân Pháp khi chúng tiến đánh chùa Trầm, buộc địch phải rút lui.

Tiếp đó, đơn vị tiếp tục hoàn thiện đạn bazôka, triển khai nghiên cứu chế thử đạn AT (là loại đạn trang bị cho bộ binh, có tác dụng xuyên lõm, sát thương, bắn trên súng AK thông qua nòng phụ). Cuối năm 1948, khi ta có súng, đạn bazôka và AT có thể bắn được xe tăng và xuyên thủng lô cốt dày 300 mm, giặc Pháp đã cho xây dựng hệ thống boong ke rất kiên cố. Muốn tiêu diệt được địch cố thủ trong lô cốt, ta cần phải có vũ khí uy lực mạnh hơn bazôka.

Để đáp ứng yêu cầu đó, Nha Nghiên cứu kỹ thuật phải nhanh chóng thiết kế, chế tạo một loạt vũ khí mới. Giữa năm 1949 súng và đạn SKZ60 đã ra đời, loại vũ khí này có khả năng xuyên phá gấp ba lần bazôka. Sản phẩm SKZ60 sản xuất loạt đầu được nhiều đơn vị sử dụng và rất hiệu quả trong nhiều trận đánh. Từ đó SKZ60 được sản xuất hàng loạt và được trang bị cho các đại đoàn chủ lực.

Từ năm 1954 đến 1973, Nha Nghiên cứu kỹ thuật đã tích cực nghiên cứu thiết kế mới và cải tiến vũ khí theo yêu cầu trang bị cho bộ đội, tiêu biểu là súng tiểu liên AK; trung liên TUL-1; súng và đạn chống tăng B40; lựu đạn chạm nổ; mìn định hướng MĐH.10; súng cối 120 mm, 60 mm giảm nhẹ; vũ khí đánh địch trên sông, biển... Các sản phẩm ra đời rất đúng lúc, đáp ứng được yêu cầu của chiến trường, góp phần nâng cao hiệu quả chiến đấu của bộ đội.

Sản xuất các sản phẩm quốc phòng sát thực tế

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Linh cho biết, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về lĩnh vực khoa học và công nghệ quân sự, đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; và gần đây nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; phát huy truyền thống đơn vị hai lần anh hùng, Viện đã đổi mới, sáng tạo, bám sát nhiệm vụ, thực tế sản xuất của các nhà máy, tích cực, chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Chỉ tính 10 năm trở lại đây, Viện đã thực hiện hàng trăm đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ về nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội, trong đó nhiều đề tài được Hội đồng khoa học-công nghệ đánh giá xuất sắc.

Đến nay, năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật của Viện đã chuyển từ nghiên cứu thiết kế theo mẫu sang nghiên cứu thiết kế không theo mẫu và hình thành các nhóm nghiên cứu về vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, như: Vũ khí chống tăng thế hệ mới; hệ pháo và đạn pháo, đạn nhiễu trên tàu hải quân; pháo và đạn pháo trên xe tăng thế hệ mới; hệ đạn cối mẫu mới; tổ hợp súng và đạn nhiệt áp; súng phóng lựu liên thanh; súng bắn tỉa, súng trung liên thế hệ mới; các loại khí tài quan sát, ngắm bắn hỗn hợp ngày đêm tích hợp đo xa laser...

Một trong những sản phẩm đề tài được đánh giá cao là đề tài kính ngắm bắn ngày tích hợp đo xa laser dùng cho súng bộ binh của Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hiệu, cán bộ Viện Vũ khí vừa được Ban Tổ chức Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội trao tặng giải nhì.

Thiếu tá Hiệu cho biết, hiện trong các loại súng bắn tỉa thường sẽ đồng bộ với kính ngắm bắn ngày để nâng cao hiệu quả khi sử dụng. Tuy nhiên, mẫu kính ngắm bắn ngày đang được trang bị cho súng bắn tỉa tại các đơn vị quân đội hiện nay có hạn chế như: lấy khoảng cách từ xạ thủ tới mục tiêu theo nguyên lý đo trên kính vạch thường không chính xác, cho nên sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện phát bắn.

Để khắc phục hạn chế này, phải sử dụng thêm một thiết bị đo khoảng cách từ xạ thủ đến mục tiêu, song vẫn nảy sinh hạn chế như: làm tăng số lượng trang thiết bị và khối lượng khi hành quân mang vác; khi sử dụng cần thêm trợ thủ (người sử dụng thiết bị)...

Do vậy, sản phẩm kính ngắm bắn ngày tích hợp đo xa laser được đưa vào thử nghiệm có tính ưu việt hơn: khả năng đo xa đến 1.000 m, độ chính xác cao, hỗ trợ xạ thủ lấy điểm ngắm nhanh và chính xác hơn so kính ngắm bắn ngày truyền thống; kíp xạ thủ từ hai người giảm xuống chỉ còn một người. Ngoài ra, kính ngắm bắn không chỉ sử dụng ngắm bắn mà còn giúp người lính và chỉ huy quan sát chiến trường, đo khoảng cách đến các mục tiêu cần thiết với độ chính xác cao, bảo đảm gọn, nhẹ, giảm khối lượng mỗi khi hành quân mang vác.

Đây là mẫu kính ngắm lần đầu được nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm ở trong nước, không dựa trên mẫu có sẵn, có khả năng tích hợp nhiều bảng bắn, sử dụng linh hoạt với nhiều loại súng bộ binh khác nhau.

“Qua tiếp xúc các loại kính ngắm ban ngày của súng bộ binh bộ đội huấn luyện trên thao trường, từ những bất cập của các loại kính ngắm đó, tôi đã ấp ủ nghiên cứu kính ngắm ban ngày mới từ năm 2017 và bắt đầu thực hiện từ năm 2020. Sau năm lần thử nghiệm, tôi mới tìm ra nguyên lý và thành công; đề tài đã được Hội đồng khoa học cấp nghiệm thu” - Thiếu tá Hiệu phấn khởi cho biết.

Nhà máy Z173, thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (tiền thân là Ban Ca Nô) được thành lập ngày 30/10/1965. Ngày đầu thành lập, quân số của Ban Ca Nô chỉ có 20 cán bộ, cơ sở vật chất chỉ có hai xe Grát vận chuyển thiết bị, vật tư đến các cơ sở sản xuất ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng để gia công đặt hàng. Từ năm 1965 đến 1975, nhà máy có nhiệm vụ đặt hàng, đóng mới, sửa chữa các phương tiện thuyền gỗ, thuyền nan, thuyền gắn máy, ca-nô, sà-lan phục vụ vận chuyển, rà phá bom từ trường và phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.

Từ năm 1975 đến nay, nhà máy với chức năng, nhiệm vụ đóng mới và sửa chữa tàu quân sự phục vụ nhiệm vụ quốc phòng; tham gia đóng tàu phục vụ các thành phần kinh tế trong nước và xuất khẩu. Bước vào thời kỳ đổi mới, đơn vị gặp nhiều khó khăn, thách thức khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: do cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ, sản phẩm quốc phòng hạn chế, việc phát triển các sản phẩm kinh tế gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Trước thực tế nêu trên, Đảng ủy, chỉ huy nhà máy đã đề ra chủ trương và hướng đi mới: chuyển từ sửa chữa tàu sông sang sửa chữa tàu biển; tổ chức lại sản xuất theo hướng tinh gọn; huy động mọi nguồn vốn để nâng cấp trang, thiết bị, nhà xưởng...

Với cách làm, hướng đi đúng, nhà máy từng bước vượt qua khó khăn và là tấm gương sáng trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Năm 1989, nhà máy vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gửi Thư khen ngợi, vì đã “Chấp nhận cuộc cạnh tranh giành ưu thế trên thị trường”. Đến nay, Nhà máy Z173 (Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Hồng Hà) là một trong những đơn vị trọng yếu của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng về lĩnh vực đóng mới, sửa chữa tàu thuyền trang bị trong toàn quân.

Thượng tá Nguyễn Hữu Đoan, Phó Giám đốc nhà máy chia sẻ, việc điều chỉnh tổ chức lực lượng, sáp nhập, cơ cấu lại, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp quân đội, hợp nhất các nhà máy đóng tàu đã tác động không nhỏ đến tư tưởng của một bộ phận cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên và lao động.

Sự cạnh tranh giữa các nhà máy đóng tàu trên địa bàn ngày càng khốc liệt; các sản phẩm đòi hỏi cao về công nghệ, chất lượng, tiến độ, trong khi năng lực nhà máy vẫn còn hạn chế...

Song, phát huy truyền thống đơn vị hai lần anh hùng, nhà máy đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: đóng mới một số tàu quân sự Made in Viet Nam (ký hiệu TT-400TP), đây là loại tàu tuần tiễu hiện đại, có nhiều đặc tính ưu việt trang bị cho lực lượng Hải quân; đóng mới các sản phẩm thuộc chương trình biển, đảo theo Nghị quyết 72/2014 của Quốc hội, gồm seri một số tàu TT-400 (tàu tuần tra cao tốc), một tàu vận tải đa năng tiếp dầu 3.000 tấn cho Cảnh sát biển; một tàu vận tải đa năng 3.000 tấn cho Quân chủng Hải quân...

Đánh giá về năng lực sản xuất quốc phòng hiện nay, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, cho biết: Hiện, Tổng cục có nhiều dây chuyền sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật các loại được đầu tư mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Thí dụ như: dây chuyền sản xuất súng bộ binh thế hệ mới; dây chuyền sản xuất ngòi đạn pháo; sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trang bị cho Sư đoàn bộ binh đủ quân, với các chủng loại: vũ khí, đạn dược, khí tài quang học, thuốc phóng, thuốc nổ...; một số chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật đạt trình độ tiên tiến trên thế giới như: súng tiểu liên 7,62 mm; súng và đạn chống tăng, đạn chống giáp phản ứng nổ; đạn nhiệt áp; đạn cao xạ hải quân; đạn cối tăng tầm; đạn phóng lựu 40 mm xuyên lõm, lựu đạn chống người nhái... Các nhà máy đóng tàu đã làm chủ thiết kế và thi công, đóng mới hơn 50 gam tàu quân sự với tải trọng lên đến 4.500 tấn, như:

Tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo tuần tiễu, tàu cảnh sát biển, tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm cứu nạn xa bờ, tàu tìm kiếm cứu hộ tàu ngầm đa năng...; có khả năng sửa chữa đến cấp vừa cho tàu ngầm; cải hoán, hiện đại hóa, sửa chữa lớn và bảo đảm kỹ thuật cho tàu hộ vệ tên lửa, tàu chống ngầm và các loại tàu mặt nước cho các lực lượng chiến đấu, thực thi pháp luật trên biển... góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, tạo nền tảng để xây dựng quân đội hiện đại.

(Còn nữa)

Giá trị mang lại từ đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng dễ nhận thấy nhất đó là đã bước đầu đạt được những kết quả về cải tiến, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang.