Vai trò tiên phong và trách nhiệm xã hội của báo chí

Bài 3: Đề cao vai trò nêu gương của người làm báo

Thời gian qua đã và đang xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên sợ sai, sợ trách nhiệm, suy thoái về tư tưởng đạo đức trong đó có cả những người làm báo, gây bức xúc dư luận. Từ thực tế này đòi hỏi việc đề cao vai trò nêu gương của người làm báo cần được xác định như là trách nhiệm, sứ mệnh của "những người viết sử thời đại" trong tình hình hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Phóng viên Báo Nhân Dân tác nghiệp tại các vùng chịu ảnh hưởng bởi động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 3/2023. (Ảnh THÀNH ÐẠT)
Phóng viên Báo Nhân Dân tác nghiệp tại các vùng chịu ảnh hưởng bởi động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 3/2023. (Ảnh THÀNH ÐẠT)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới", "Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Ðảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu". Ðể hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn "cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa"; "nắm vững chủ trương, chính sách của Ðảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động". Ðây chính là "kim chỉ nam" cho các cơ quan báo chí và những người làm báo. Trong bối cảnh hiện nay người làm báo cần làm tốt hơn nữa vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách.

Trước hết, người làm báo phải dám dũng cảm bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai. Nghĩa vụ đầu tiên của nhà báo theo quy định tại Ðiều 25 Luật Báo chí là: "Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân". Như vậy, cá nhân mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cũng như cả nền báo chí đều phải có nhiệm vụ, nghĩa vụ "thông tin trung thực". Từ đây có thể thấy thông tin trung thực cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ cái đúng, lên án cái sai, phản ánh khách quan, chính xác, đúng đắn những sự kiện, hiện tượng đã, đang và sẽ diễn ra.

Từ các vụ việc tham nhũng nổi cộm bị đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy một số đơn vị, địa phương, bộ, ngành đã để xảy ra tình trạng "dĩ hòa vi quý", "mũ ni che tai", vô cảm trước cái đúng, thờ ơ trước tiêu cực, sai phạm, dẫn đến tình trạng cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu lộng hành, quan liêu, hách dịch, "tự tung tự tác", kéo bè kết cánh, tư lợi cá nhân, hình thành lợi ích nhóm; những người dám góp ý thẳng thắn, vì lợi ích chung bị trù dập. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng" thẳng thắn chỉ ra rằng: "một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh". Tại Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", Ðảng ta chỉ rõ một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên là: "thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh". Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh sự nguy hiểm của biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Ðảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.

Thực trạng chung trong Ðảng là như vậy, và cả ở hoạt động của lĩnh vực báo chí cũng có những biểu hiện tương tự. Có lúc, có nơi, một số người làm báo và cơ quan báo chí thấy đúng nhưng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Những biểu hiện cụ thể khá phổ biến có thể kể đến là: Thứ nhất, vì "sức ép" từ những cá nhân nào đó có chức quyền, địa vị trong xã hội mà chủ đích bỏ qua, không dám dũng cảm lên tiếng bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai. Cái đúng, cái sai ở đây đều có thể là một cá nhân, một sự việc cụ thể; thậm chí có thể là cả tập thể lãnh đạo, hoặc rất nhiều sự việc kéo dài. Thứ hai, vì những lợi ích cá nhân, nhóm nhỏ mà cố tình "nhắm mắt làm ngơ", lờ đi những việc bất bình diễn ra dù biết rõ đó là sai phạm. Cũng vì lợi ích riêng mà không lên tiếng bảo vệ những điều đúng đắn, những người làm việc đúng đắn nhưng bị nhìn nhận, đánh giá sai lệch, thậm chí những người tốt, việc tốt bị phê phán, trù dập, chèn ép. Thứ ba, vì quen biết, cả nể mà không phản ánh sự thật khách quan, không phơi bày những khuất tất, bất cập có thể dẫn đến tham ô, lãng phí, tiêu cực.

Một khi người làm báo không dám bày tỏ ý kiến, dũng cảm bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, vì lợi ích về cá nhân mà quên đi chức năng, nhiệm vụ, nghĩa vụ của mình, họ có thể gây ra những mối nguy hại cho cơ quan, đơn vị cũng như sự phát triển lành mạnh của xã hội, làm xói mòn niềm tin, thậm chí gây bất bình trong công chúng đối với cơ quan báo chí. Quy định số 08-QÐi/TW, ngày 25/10/2018, của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về "trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương" phải gương mẫu đi đầu thực hiện: "Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi". Như vậy, Ðảng ta xác định phải cương quyết, quyết liệt chống lại tình trạng không dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, trong đó báo chí phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu.

Bên cạnh đó, người làm báo phải dám đương đầu với khó khăn, gian khổ, sẵn sàng dấn thân, đi đến tận cùng sự thật, sâu sát với cơ sở. Thực tiễn đã cho thấy trong quá trình tác nghiệp, nhiều nhà báo không nề hà, quản ngại thời gian, đường sá xa xôi hiểm trở, những hiểm nguy rình rập,… luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất kể thời gian nào, ngày cũng như đêm, mưa bão hay bất kỳ thảm họa thiên tai nào, thậm chí dưới làn đạn bom, khói súng trong các cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Chính vì vậy, họ đã có được những tác phẩm báo chí phản ánh kịp thời, chân thực từ trung tâm sự kiện, hiện tượng, với những nhân vật khai thác ngay tại "điểm nóng", những chi tiết, hình ảnh, câu chuyện sâu sắc, nhân văn, xúc động, thuyết phục, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng.

Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội giúp việc kiếm tìm thông tin dễ dàng hơn, song áp lực chạy đua thông tin gay gắt đã khiến không ít nhà báo, thậm chí là cơ quan báo chí xem nhẹ việc đi sâu bám sát đời sống, từ đây nảy sinh tâm lý ngại đối diện với khó khăn, vất vả, "an phận thủ thường". Các đòi hỏi nghiệp vụ cơ bản của một nhà báo như đi, nghe, nhìn, phỏng vấn, hay việc đầu tư công sức, tiền của, trí tuệ cho các sản phẩm báo chí đôi lúc đã bị xem nhẹ. Một bộ phận người làm báo không dám dấn thân trong công việc, bằng lòng với việc trở thành những "phóng viên salon" chuyên ngồi phòng điều hòa và khai thác tin tức từ mạng xã hội hoặc các bản báo cáo.

Ðể thích ứng và phát triển trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội chiếm nhiều ưu thế, báo chí chính thống buộc phải có những sự thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của thời đại. Trên hành trình đầy gian nan, thử thách ấy, những khó khăn, gian khổ, vướng mắc mà cơ quan báo chí, nhà báo phải đối diện, giải quyết trên nhiều phương diện khác nhau là không ít, từ phát hiện đề tài, khai thác, thu thập thông tin, hình thành tác phẩm báo chí đến những chuyện "bếp núc" nghề nghiệp, đời sống, nhất là vấn đề kinh tế báo chí… Khi phải đối diện với thực tế này, một số người làm báo đã chỉ vì mưu cầu lợi ích cá nhân, đã có lựa chọn sai lầm, chệch hướng và phải trả giá. Ðây là những bài học rất đau xót để mỗi người làm báo không ngừng tự cảnh tỉnh bản thân, từ đó xác định con đường đúng đắn cho mình.

Cao hơn cả nhà báo phải hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Nội dung đầu tiên trong 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành năm 2015 xác định rõ: "Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế". Ðây là sứ mệnh và cũng là niềm tự hào của những người làm báo, những "chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa", đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng. Ý thức đầy đủ về điều này, các cơ quan báo chí cần chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng Ðảng giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng lý luận chính trị, nâng cao bản lĩnh và tính chiến đấu cho người làm báo, bảo đảm vừa hồng, vừa chuyên. Những biểu hiện suy thoái về nhận thức, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ những người làm báo cần được nhận diện để có biện pháp cảnh báo, ngăn chặn kịp thời; kiên quyết cho ra khỏi đội ngũ những nhà báo suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm Luật báo chí, Quy định đạo đức nhà báo.

Dám dũng cảm bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai; dám đương đầu với khó khăn, gian khổ, kiên trung bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, hết lòng cống hiến vì sự nghiệp chung, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu là phẩm chất cần có với những người "viết sử thời đại". Yêu cầu này càng trở nên cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Với sự phát triển ngày càng đông đảo đội ngũ những người làm báo "vừa hồng vừa chuyên", chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng về một nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước phồn thịnh, văn minh, bền vững.

----------------------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ các số ra ngày 20/6-23/6/2023.