Tạo cơ chế để trí thức cống hiến, phát triển

Bài 2: Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu tình hình mới

Thực tế cho thấy kết quả của chính sách thu hút, tuyển dụng người tài tại nhiều địa phương chưa như mong muốn. Vẫn còn tình trạng chảy máu chất xám, thiếu hụt trí thức lớn ở một số ngành khoa học.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội trao học bổng ươm tạo tài năng trẻ. (Ảnh: NGỌC DIỆP)
Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội trao học bổng ươm tạo tài năng trẻ. (Ảnh: NGỌC DIỆP)

Trong khi đó, nước ta đang từng bước hình thành các trụ cột kinh tế tri thức, theo hướng tăng các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới... Vì vậy, thời gian tới cần chính sách huy động trí thức hợp lý hơn, nhất là trí thức đầu ngành, đồng thời chú trọng đào tạo đội ngũ kế cận, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Bài 2: Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu tình hình mới

Theo chính sách của thành phố Hà Nội, 10 năm qua, những sinh viên được xếp loại xuất sắc khi tốt nghiệp trường đại học, học viện trên địa bàn, nếu có nguyện vọng về làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; được hỗ trợ bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm tuyển dụng, tiếp nhận;

Sau hai năm công tác kể từ thời điểm quyết định tuyển dụng, được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được thành phố hỗ trợ điều kiện học tập hằng tháng bằng 1,5 mức lương tối thiểu và hỗ trợ bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng 30 lần mức lương tối thiểu, nếu làm luận án tiến sĩ được hỗ trợ 80 lần mức lương tối thiểu…

 Bài 2: Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu tình hình mới ảnh 1

Nữ bác sĩ nội trú chuyên khoa 2, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch Trần Hồng Chuyên trực tiếp khám và chẩn đoán những ca bệnh khó, ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Quốc Hồng)

Chính sách hấp dẫn như vậy, nhưng từ năm 2013 đến nay, các cơ quan của thành phố mới thu hút được khoảng 200 thủ khoa về làm việc, tương đương 10% số thủ khoa ra trường.

Chị Nguyễn Mai Anh, thủ khoa xuất sắc năm 2009, đang công tác tại Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố cần có giải pháp khắc phục chảy máu chất xám, nhưng cái cần khắc phục hơn là các cơ quan sử dụng chưa hiệu quả, làm hạn chế sự phát triển của người tài, từ đó hạn chế mức độ đóng góp của họ cho xã hội.

 Bài 2: Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu tình hình mới ảnh 2

Cán bộ xã vùng cao Si Ma Cai hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây ăn quả ôn đới trên đất dốc đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao. (Ảnh: Quốc Hồng)

Vừa “trải thảm đỏ” đón trí thức có trình độ cao, tỉnh Vĩnh Phúc vừa làm chặt khâu tuyển dụng với phương châm “thà ít mà tốt”. Năm 2022, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc có bốn chỉ tiêu biên chế, song chỉ tuyển được hai người trong số hơn 10 người ứng tuyển.

Trường trung học phổ thông (THPT) chuyên Vĩnh Phúc luôn thiếu giáo viên giỏi, nhưng tuyển được người đủ tiêu chuẩn rất khó.

Ông Hoàng Mạnh Du, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc cho biết: “Năm 2021 trường nhận được 18 hồ sơ, nhưng chỉ tuyển được một người. Hầu hết ứng viên có đủ bằng cấp, nhưng không vượt qua được phần kiểm tra chuyên môn, bao gồm những câu hỏi về môn chuyên trong trường THPT”.

 Bài 2: Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu tình hình mới ảnh 3

Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai trồng lê Tai Nung VH6 có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc), do Trung tâm Giống Lào Cai trồng khảo nghiệm thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Quốc Hồng)

Năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc có kế hoạch tuyển dụng 15 chỉ tiêu giáo viên THPT theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Kết quả chỉ tuyển được ba người. Hằng năm, tỉnh Vĩnh Phúc dành 10% chỉ tiêu lao động để tuyển người tài, nhưng kết quả chỉ đạt khoảng 1 đến 2%, nhiều cơ quan nhiều năm liền không thu hút được trường hợp nào.

Nhiều lĩnh vực rất cần chuyên gia có trình độ cao như y tế, giao thông, kiến trúc, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, tài nguyên, môi trường, tài chính, kinh tế, công nghệ thông tin, ngoại ngữ..., nhưng không có thí sinh đăng ký dự tuyển.

 Bài 2: Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu tình hình mới ảnh 4

Cô giáo Lê Thị Lan Anh - người duy nhất trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc năm 2021. (Ảnh: Hà Hồng Hà)

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, nhưng việc thu hút người tài vẫn chưa như mong muốn. Số lượng chuyên gia thu hút được thời gian qua còn rất hạn chế và nhiều trường hợp không tiếp tục làm việc sau khi kết thúc hợp đồng.

Phân tích nguyên nhân vì sao thành phố chưa thu hút được nhiều trí thức, chuyên gia làm việc khu vực công, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, các chính sách ưu đãi về thu nhập hiện chưa đủ hấp dẫn để giữ chân người tài, nhất là chuyên gia giỏi.

 Bài 2: Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu tình hình mới ảnh 5

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc khen thưởng giáo viên có học sinh đoạt giải Olympic quốc tế. (Ảnh: Hà Hồng Hà)

Tại Hà Nội, 90% thủ khoa không chọn vào cơ quan nhà nước một phần do chính sách đãi ngộ chưa hấp dẫn, một phần do các em này ngay khi vừa tốt nghiệp đã được các trường đại học giữ lại làm giảng viên, nghiên cứu, hoặc được các tập đoàn lớn săn đón.

Ngoài nguyên nhân trên, thì chính việc thực hiện chính sách của các địa phương còn vướng mắc. Tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế chi trả thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh từ nguồn ngân sách tỉnh, nhưng không triển khai thực hiện được.

Lý do là các bộ, ngành trung ương đều có ý kiến là trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách chính sách tiền lương thì không ban hành thêm các chính sách hỗ trợ lương.

Tuy nhiên đến nay đã bốn năm, Nghị quyết số 27-NQ/TW vẫn chưa đi vào cuộc sống. Do vậy, mặc dù tỉnh có nguồn kinh phí, nhưng chưa có cơ chế chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

 Bài 2: Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu tình hình mới ảnh 6

Dự án ứng dụng công nghệ nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Núi Cốc cho kết quả tốt. (Ảnh: Thế Bình)

Nước ta đang thực hiện tái cấu trúc kinh tế, từng bước hình thành các trụ cột kinh tế tri thức, theo hướng tăng các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới, cũng như rất cần xây dựng những luận cứ khoa học, giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển.

Trong thị trường lao động hiện nay, những người giỏi hoàn toàn có quyền chọn nơi làm việc được trả công xứng đáng với sức lao động bỏ ra.

Vì thế, để “giữ chân” người tài, cần có những chính sách sử dụng, đãi ngộ phù hợp, từ đó góp phần xây dựng hệ thống hành chính, lĩnh vực công đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

 Bài 2: Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu tình hình mới ảnh 7

Nhóm nghiên cứu của Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên nuôi trai nước ngọt lấy ngọc chất lượng tốt, sáng bóng, không tỳ vết. (Ảnh: Thế Bình)

Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng và ban hành chính sách cải cách tiền lương phù hợp với mức sống và điều kiện đô thị đặc biệt; bảo đảm mức lương và thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức để tạo động lực giữ chân nhân tài; xem xét, điều chỉnh Thông tư 36 của Bộ Tài chính về quy định về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để thành phố được chủ động sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao, nhất là trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Thành phố sẽ nghiên cứu thêm chính sách về tiền lương, nhà ở… đang dự thảo trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế phát triển đột phá thành phố.

 Bài 2: Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu tình hình mới ảnh 8

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại và đội ngũ khoa học Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi nghiên cứu, bảo tồn nhiều loài ngựa quý. (Ảnh: Thế Bình)

Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố giao các sở, ban, ngành xây dựng cơ chế, chính sách công khai, linh hoạt, phù hợp với giới trẻ, nhằm thu hút, tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức trẻ về làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.

Đồng thời, thành phố sẽ lập ra các kênh tương tác, để ghi nhận các ý kiến đóng góp của các bạn trẻ và có những phản hồi kịp thời.

Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai Nguyễn Quỳnh Trang là một trong những thủ khoa xuất sắc năm 2012 đề xuất, hằng năm thành phố cần khảo sát và đánh giá về chất lượng làm việc đối với đội ngũ thủ khoa để từ đó tạo môi trường công tác cho các bạn trẻ phát triển.

 Bài 2: Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu tình hình mới ảnh 9

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chính sách hỗ trợ bác sĩ trẻ trong Chương trình Đưa bác sĩ trẻ về tăng cường y tế cơ sở. (Ảnh: Võ Mạnh Hảo)

“Lương và các chế độ đãi ngộ trong một số trường hợp không phải là yếu tố duy nhất để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, mà môi trường làm việc và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, nhất là thủ trưởng cơ quan, đơn vị có sự động viên ghi nhận kịp thời sẽ là động lực to lớn để thúc đẩy đội ngũ này tiếp tục cống hiến cho cơ quan, đơn vị”, chị Trang cho biết.

Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 là một trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng, cho nên ngay từ bây giờ tỉnh cần tiếp tục đầu tư ngân sách để hoàn thiện môi trường làm việc, nhất là bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ, chính sách cho đội ngũ trí thức ở vùng sâu, miền núi, khó khăn, đồng thời bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ, nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ trí thức đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn.

------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 31/3/2023.