Tạo cơ chế để trí thức cống hiến, phát triển

Bài 1: Hiệu quả từ chính sách thu hút người tài

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức được cống hiến, phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển, rất cần sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp chính quyền.
0:00 / 0:00
0:00
Giống lê Tai Nung VH6 do Trung tâm giống Lào Cai trồng khảo nghiệm thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai. (Ảnh QUỐC HỒNG)
Giống lê Tai Nung VH6 do Trung tâm giống Lào Cai trồng khảo nghiệm thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai. (Ảnh QUỐC HỒNG)

Với tình cảm và trách nhiệm với quê hương, đất nước cùng chính sách thu hút nhân lực cao của các địa phương, không ít trí thức đã tự nguyện nhận nhiệm vụ tại những địa bàn xa xôi, có nhiều việc làm thiết thực cho cộng đồng hoặc những công trình khoa học mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao.

Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện đa khoa Lào Cai Trần Hồng Chuyên vừa trực tiếp xử lý thành công một ca bệnh khó, cứu sống một nữ bệnh nhân là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu Văn Bàn, chị là bác sĩ nội trú đầu tiên của tỉnh miền núi Lào Cai.

Sau gần 10 năm học tập, trở thành bác sĩ nội trú chuyên khoa tim mạch, bác sĩ Trần Hồng Chuyên được Trường đại học Y-Dược Thái Nguyên và nhiều bệnh viện, cơ sở y tế lớn ở Hà Nội mời làm việc với mức lương cao và điều kiện làm việc tốt.

Nhưng bác sĩ Chuyên đã làm đơn xin về quê nhà: "Ðích thân Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai và cán bộ Sở Y tế đã gặp gỡ và trực tiếp làm thủ tục để tôi về làm việc tại bệnh viện của tỉnh và được hưởng các chế độ đãi ngộ, thu hút nhân lực cao của tỉnh Lào Cai, với 120 triệu đồng hỗ trợ vào năm 2015".

Hiện nay, với cương vị là Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện đa khoa quy mô hơn 500 giường bệnh, ngoài việc trực tiếp khám, chẩn đoán và điều trị các ca bệnh khó, bác sĩ Chuyên còn tập trung nghiên cứu nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở về lĩnh vực tim mạch, tiêu biểu như: "Khảo sát sự biến thiên huyết áp ở bệnh nhân tai biến mạch máu não", "Khảo sát nồng độ Pro BNP ở bệnh nhân suy tim"…

Bác sĩ Chuyên còn tổ chức giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn cho các đồng nghiệp trong trung tâm và bệnh viện tuyến cơ sở. Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Lào Cai cũng thu hút nhiều nhà khoa học về địa phương công tác như: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc phân hiệu Ðại học Thái Nguyên tại Lào Cai; Tiến sĩ Ðặng Thị Oanh, Phó Trưởng khoa Kinh tế-Du lịch, Phân hiệu Ðại học Thái Nguyên tại Lào Cai.

Là trung tâm vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên có nhiều giải pháp để phát huy năng lực, tâm huyết của đội ngũ trí thức khoa học để phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2017, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp Trường đại học Nông-Lâm Thái Nguyên (trực thuộc Ðại học Thái Nguyên) xây dựng Dự án ứng dụng công nghệ nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Núi Cốc.

Nhóm thực hiện dự án gồm bảy nhà khoa học do Tiến sĩ Lê Minh Châu và Thạc sĩ Trần Viết Vinh làm Chủ nhiệm. Các nhà khoa học thu gom trai sống tự nhiên tại các sông, hồ trên địa bàn, lựa chọn những con đủ tiêu chuẩn đưa vào bể nuôi và cấy nhân vào con trai. Nhân cấy được nhập từ Nhật Bản, rồi đưa trai vào túi, thả nuôi tại hồ Núi Cốc.

Sau 18 tháng, tỷ lệ trai cho ngọc đạt từ 60 đến 62%, mỗi con trai thu được từ hai đến bốn viên ngọc với nhiều kích cỡ, bán với giá từ 60 nghìn đến hơn 100 nghìn đồng/viên để chế tác đồ trang sức, làm mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ... Dự án được nghiệm thu, đánh giá cao, được nhân nuôi ở một số hồ trong tỉnh. Sau đó, Tiến sĩ Lê Minh Châu và Thạc sĩ Trần Viết Vinh tiếp tục nghiên cứu tạo nhân cấy ngọc để không phải nhập khẩu từ Nhật Bản và nghiên cứu nuôi trai nước ngọt tạo ra các mầu ngọc khác nhau. Dự án thành công, mở ra cơ hội để nông dân trong tỉnh tiếp cận, phát triển ngành nghề mới, mang lại giá trị kinh tế cao.

Từ năm 2014 đến 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút các chuyên gia về công tác tại bốn cơ quan, đơn vị thí điểm thuộc các nhóm ngành, lĩnh vực: Khoa học và công nghệ cơ bản; nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ sinh học và công nghiệp công nghệ cao.

Các chuyên gia được cơ quan, đơn vị đề xuất và ký hợp đồng hợp tác là các cá nhân có nhiều thành tích nghiên cứu và uy tín trong ngành, lĩnh vực chuyên môn của các trường đại học tại các nước phát triển hàng đầu thế giới, gồm: chín giáo sư, sáu tiến sĩ, một thạc sĩ và một kỹ sư. Các chuyên gia được thu hút và bố trí công tác chủ yếu theo các chương trình, đề án, dự án, công trình nghiên cứu đang triển khai thực hiện tại đơn vị; một số trường hợp được giao nhiệm vụ hướng dẫn nghiên cứu sinh, cán bộ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực.

Ðặc biệt, Viện Khoa học-Công nghệ Tính toán đang thực hiện cơ chế đặc thù về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên đối với chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài. Tính đến năm 2017, các chuyên gia đã đóng góp gần 20 công trình, đề tài khoa học có chất lượng, trực tiếp nghiên cứu và hỗ trợ thực hiện gần 120 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí chuyên ngành.

Nhờ các chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, các địa phương đã thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao về làm việc. Theo đồng chí Phạm Toàn Thắng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (khóa X), tỉnh đã xây dựng và ban hành chín nghị quyết, 15 quyết định và chỉ thị, tám kế hoạch để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc ở các lĩnh vực.

Trong 5 năm qua, tỉnh có 58 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trở lên được triển khai thực hiện ở lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học xã hội và nhân văn, công nghiệp, y tế. Kết quả nghiên cứu trong một số lĩnh vực đã đem lại hiệu quả thiết thực. Như trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, các nhà khoa học đã lai tạo giống lúa thuần Tân Thịnh 15 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống mới năm 2019.

Ðặc biệt, sau ba năm thực hiện chính sách thu hút trí thức trẻ công tác tại các huyện nghèo của Chính phủ, 94 trí thức trẻ về công tác tại ba huyện nghèo là: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, và phân bổ xuống làm việc tại các hợp tác xã đã tổ chức phát triển sản xuất, khai thác thế mạnh của địa phương, giúp các hộ dân xóa đói, giảm nghèo, củng cố chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo nên sự chuyển biến rõ nét về mọi mặt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành đề án đào tạo 80 thạc sĩ và 20 tiến sĩ, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2020, quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực và chính sách luân chuyển cán bộ, công chức.

Giai đoạn 2012-2022, lực lượng trí thức Thái Nguyên đã thực hiện hơn 300 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp Nhà nước và cấp tỉnh; các huyện, thành phố triển khai thực hiện thành công hơn 800 mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến, sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao, trồng trọt, chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học... tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao.

Là tỉnh phát triển công nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc ban hành nhiều chính sách với chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút lực lượng trí thức làm việc trong khu vực công. Ông Nguyễn Phú Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết: Hiện nay, Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết số 6/2021/NQ-HÐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài năng, nhất là vào những ngành, lĩnh vực như giao thông, xây dựng, kiến trúc, y tế, giáo dục và đào tạo...

Các trường hợp đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, sau khi được tiếp nhận công tác hoặc được tuyển dụng mới sẽ được tỉnh hỗ trợ theo nhiều mức. Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hoặc tiến sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa cấp II được hỗ trợ 600 triệu đồng. Thạc sĩ hoặc thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú được hỗ trợ 400 triệu đồng. Giáo viên, giảng viên có trình độ tiến sĩ được hỗ trợ 600 triệu đồng; có trình độ thạc sĩ được hỗ trợ 400 triệu đồng; có trình độ đại học được hỗ trợ 300 triệu đồng. Sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140/2017/NÐ-CP, thì ngoài những chính sách theo quy định của Chính phủ còn được tỉnh hỗ trợ 600 triệu đồng đối với người có trình độ tiến sĩ; 400 triệu đồng đối với người có trình độ thạc sĩ. Sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên được tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng…

(Còn nữa)