Trụ cột tài chính và nguồn lực con người

Yếu tố kinh phí để xây dựng, phát triển và nguồn nhân lực để vận hành là những khâu then chốt của then chốt trong quá trình phát triển của mỗi đô thị hiện đại. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện với PGS, TS Đỗ Tú Lan, chuyên gia Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Phát triển đô thị-Bộ Xây dựng, và ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ về những vấn đề liên quan.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian tuyệt đẹp ở Yên Trường (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Không gian tuyệt đẹp ở Yên Trường (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

- Để có thể phát triển đô thị bền vững đòi hỏi nguồn lực tài chính không nhỏ. Theo ông, bà, các đô thị ở Việt Nam đang dành sự ưu tiên cho vấn đề này như thế nào, nhất là với mô hình đô thị thông minh?

Trụ cột tài chính và nguồn lực con người ảnh 1

PGS, TS Đỗ Tú Lan

- PGS, TS Đỗ Tú Lan: Ở Việt Nam chỉ một số đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội… có những cơ chế đặc biệt, được giữ lại một tỷ lệ nguồn thu để phát triển đô thị, còn hầu hết các đô thị đều thực hiện theo nguồn lực phân bổ từ Trung ương, tỉnh. Việc phân bổ các nguồn tài chính đầu tư từ ngân sách trung ương và địa phương thường rất hạn chế, chỉ đạt khoảng 20-30% so nhu cầu thực tế. Do đó, nguồn lực chủ yếu được huy động từ ngoài ngân sách. Nói đến phát triển đô thị và nhất là đô thị thông minh, là phải đầu tư phát triển đồng thời rất nhiều lĩnh vực, từ vật chất đến phi vật chất, đầu tư đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn. Phát triển đô thị thông minh là liên quan việc áp dụng công nghệ cao 4.0, cần nguồn lực tài chính đầu tư ban đầu và duy trì đổi mới liên tục. Tuy nhiên, hiện nhiều lĩnh vực đô thị đã có những chiến lược phát triển, chương trình, dự án áp dụng công nghệ thông tin công nghệ cao, nhưng nguồn lực không đáp ứng đồng bộ, hoặc có thể có đầu tư ban đầu nhưng lại thiếu duy trì dẫn đến việc phát triển chậm và không đồng bộ.

- Ông Lê Hoàng Trung: Hiện còn khá nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn lực phát triển đô thị tại địa phương. Những khó khăn đó đến từ hạn chế trong nhận thức về vai trò của đô thị, những cơ hội và giá trị tăng thêm có thể đến từ quá trình quy hoạch, xây dựng, đầu tư phát triển đô thị hợp lý. Thực trạng đó khiến cho việc quan tâm khai thác, thúc đẩy nguồn lực phát triển đô thị còn chưa hiệu quả. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong thời gian qua, bên cạnh những mặt tích cực cho phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống… cũng đã để lại một số hệ quả ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển bền vững của đô thị như: thâm dụng quỹ đất, phát triển nóng…

Điều nữa, mặc dù đã có sự quan tâm, chính sách huy động và khai thông nguồn lực phát triển đô thị vẫn còn khá hạn chế. Chưa có nhiều trường hợp thí điểm thành công để rút ra bài học tổng kết để ban hành chính sách hướng dẫn, hỗ trợ việc xác định, đánh giá giá trị gia tăng từ hoạt động quy hoạch đô thị, không gian phát triển đô thị. Bên cạnh đó, chính sách phân bổ nguồn lực cho các địa phương còn chưa khuyến khích tính chủ động của địa phương, cũng như còn thiếu các cơ chế, hướng dẫn để giúp địa phương phát huy sức mạnh nội lực.

- Ông Trần Việt Trường: Tài chính đô thị là vấn đề được đặt ra cho mỗi địa phương khi xác định nguồn lực triển khai phát triển đô thị theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội trước đây, cũng như hiện nay là theo quy hoạch tỉnh. Nguồn lực về tài chính trong phát triển đô thị là một trong các yếu tố mang tính then chốt. Thời gian qua dù đã có những cách làm hiệu quả ở một số địa phương, nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Nhìn chung, các đô thị có bức tranh phát triển tốt là các đô thị thành công trong huy động nguồn lực tài chính nói riêng và nguồn lực khác từ xã hội, bên cạnh nguồn lực hữu hạn của chính quyền địa phương. Với TP Cần Thơ, tuy có sự thay đổi đáng kể nhưng so với tiềm năng thì còn khá khiêm tốn.

- Theo ông, bà, cần huy động nguồn lực tài chính đô thị theo cách nào, để có nguồn vốn phát triển bền vững?

- PGS, TS Đỗ Tú Lan: Nguồn lực tài chính đô thị khối nhà nước chủ yếu là nguồn thu ngân sách thông qua thuế, phí từ các hoạt động kinh tế đô thị, các nguồn tài nguyên, và một phần vốn vay ODA. Nguồn lực này đang tập trung phát triển những cơ sở nền tảng cơ bản của đô thị như các khung lớn hạ tầng đô thị, hạ tầng phúc lợi xã hội, an toàn xã hội, hỗ trợ nhà ở xã hội...

Nguồn lực tài chính đô thị khối tư nhân là nguồn thu lợi nhuận thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ngân hàng và kinh doanh bất động sản (chênh lệch địa tô), đầu cơ bất động sản... Nguồn lực tài chính tư nhân tập trung đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất và thương mại, hạ tầng đô thị có lợi nhuận, bất động sản… Hiện, cả khối nhà nước và tư nhân ở nhiều đô thị đang khai thác nguồn lực chủ yếu từ giá trị sử dụng của đất, từ cho thuê đất, đấu thầu chuyển nhượng đất... nhưng đây chỉ là nguồn lực khá lớn trước mắt. Đất đai chỉ có hạn, do đó cần có chiến lược phát triển bền vững lâu dài cho các hoạt động kinh tế đô thị từ kinh doanh, dịch vụ, sản xuất các sản phẩm phục vụ xã hội.

Trụ cột tài chính và nguồn lực con người ảnh 2

Ông Lê Hoàng Trung

- Ông Lê Hoàng Trung: Có thể thấy, trên thực tế, tài chính đô thị có mối quan hệ mật thiết với hiệu quả của quy hoạch đô thị (trong đó nhấn mạnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cơ sở hạ tầng) và đầu tư phát triển. Quy hoạch tốt (xác định mô hình phát triển đô thị phù hợp, hiệu quả, sử dụng đất đem lại chức năng tối ưu cho đô thị, tiết kiệm đất đai, năng lượng và bảo đảm khả năng kết nối hạ tầng tốt…) thì không chỉ công tác đầu tư phát triển đô thị sẽ giảm được gánh nặng về tài chính, mà quá trình tạo ra không gian đô thị hiệu quả sẽ giúp tăng trưởng năng suất lao động của các ngành nghề kinh tế, giúp phát triển kinh tế đô thị và do vậy tạo ra nhiều nguồn lực để đầu tư ngược trở lại phát triển đô thị.

Do đó, quy hoạch đô thị rất quan trọng, là nền tảng quyết định, gắn kết mật thiết với việc thúc đẩy và tạo ra nguồn lực tài chính đô thị. Trên thế giới, không một quốc gia phát triển nào không dựa trên công cụ quy hoạch đô thị được phát triển hoàn thiện phù hợp bối cảnh đô thị hóa, nhu cầu phát triển, điều kiện kinh tế-xã hội. Do vậy, Đảng, Nhà nước, chính quyền trung ương những năm gần đây đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu, ban hành các chính sách then chốt nhằm tạo ra môi trường đầu tư cho phát triển đô thị Việt Nam, trong đó có cả trao quyền cho các chính quyền địa phương để tăng khả năng chủ động khơi thông nguồn lực từ cơ sở.

- Ông Trần Việt Trường: Cần Thơ phát triển với tầm nhìn "Cần Thơ trở thành trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam". Theo đó, Cần Thơ xác định quan điểm nhất quán: nguồn lực đầu tư lớn nhất và ổn định nhất chính là nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Trong đó, nguồn lực nhà nước chiếm tỷ lệ giới hạn nhưng mang tính chất tạo tiền đề ở các khâu đột phá.

Chúng tôi xác định nguồn lực phát triển đô thị gắn với việc phát triển và tái thiết đô thị. Trong đó đặc biệt quan tâm tái thiết khu vực đô thị trung tâm (Ninh Kiều-Bình Thủy-Cái Răng và Phong Điền), thông qua đó tạo không gian phát triển các ngành dịch vụ, công nghệ và thương mại cùng với các chức năng thúc đẩy sáng tạo mà thành phố đang có thế mạnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Trong tầm nhìn dài hạn, theo các chuyên gia, cần có chính sách thế nào để thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn lực con người cho công tác quản trị đô thị?

- PGS, TS Đỗ Tú Lan: Đô thị phát triển ngày càng lớn, đa dạng, và phức tạp, nhất là hướng tới những mục tiêu phát triển đô thị thông minh, bền vững, đòi hỏi bộ máy quản lý đô thị phải có đủ lực lượng, trình độ thích hợp. Thực tế hiện nay một số trường đại học đã có những khoa hay bộ môn đào tạo về quản lý đô thị để đào tạo những kiến thức cơ bản về quản lý đô thị, nhưng chủ yếu về lĩnh vực quản lý dự án, quản lý xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, kiến trúc cảnh quan. Tuy nhiên quản lý phát triển đô thị là rất nhiều lĩnh vực có sự liên đới, mặt khác hệ thống luật pháp cũng luôn điều chỉnh, đổi mới do đó không chỉ có kiến thức cơ bản mà luôn cần cập nhật nâng cao, mở rộng kiến thức về kinh tế-xã hội, kỹ thuật và pháp luật. Để đáp ứng nhu cầu thực tế trong bối cảnh mới, nếu chỉ thực hiện theo dạng các chương trình đề án, các lớp đào tạo theo phong trào sẽ không hiệu quả. Để nhanh chóng có được một lực lượng quản lý đô thị theo hướng chính quyền số và phát triển đô thị thông minh, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích nhiều cơ sở đào tạo công và tư có đủ năng lực và giảng viên đào tạo, có thể thực hiện chương trình đào tạo các chuyên ngành về quản lý đô thị.

- Ông Lê Hoàng Trung: Trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, quy hoạch và phát triển đô thị bền vững Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiệm vụ xây dựng chính sách phát triển đô thị là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển đô thị và khơi thông nguồn lực, nguồn nhân lực. Bộ Xây dựng đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện để nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra. Ngoài ra, tại các trường đại học và cơ sở đào tạo, công tác xây dựng phát triển nguồn nhân lực cần tập trung, bổ sung các yếu tố chuyên môn thực tiễn, mở rộng kiến thức liên quan bên cạnh đào tạo riêng kỹ thuật để đáp ứng thực tiễn cuộc sống: thí dụ như liên kết khóa học trong các lĩnh vực như quy hoạch đô thị, kỹ thuật, khoa học dữ liệu, chính sách công và khoa học xã hội để tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có nhiều kỹ năng và kiến thức liên quan quản lý thành phố thông minh.

Trụ cột tài chính và nguồn lực con người ảnh 3

Ông Trần Việt Trường

- Ông Trần Việt Trường: Nguồn nhân lực cơ bản bao gồm từ hai khối: nguồn lực của hệ thống quản trị từ chính quyền thành phố và nguồn lực tổng hợp từ các bộ phận, cá nhân trong xã hội đồng hành suốt quá trình phát triển của thành phố. Ở bước khởi đầu, giải pháp của thành phố xác định thu hút chuyên gia hỗ trợ đội ngũ nhân lực, qua đó đặt các viên gạch đầu tiên, mang tính nền tảng để từ đó nguồn nhân lực trong khối tư nhân có thể tham gia nhiều hơn, sâu hơn trong phát triển thành phố. Thành phố mạnh dạn mời chuyên gia thông qua các dự án cụ thể xây dựng thể chế, hệ thống hạ tầng thông minh (dữ liệu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…); đồng thời đặt tiêu chí trong từng dự án để thu hút nguồn nhân lực từ các nhà đầu tư có kinh nghiệm, tri thức và công nghệ.

Việc đào tạo nguồn lực không dừng lại ở khối cơ quan hành chính mà gắn đào tạo với nhu cầu phát sinh trong thực tiễn của xã hội. Một chính sách chung cần hướng đến là đẩy mạnh duy trì an ninh, an toàn thông qua hoàn thiện thể chế pháp luật và sự thống nhất về nền tảng quản trị đô thị để làm bộ khung cho sự tham gia của xã hội trong quản trị đô thị.

- Xin trân trọng cảm ơn các ông, bà!