Nguồn lực quan trọng
Theo GS, TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật (KH&KT) TP Hồ Chí Minh, năm 2014, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại bốn đơn vị, trong đó có Ban Quản lý Khu công nghệ cao. Năm 2019, thành phố cũng đã ban hành quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt với nhiều hỗ trợ và ưu đãi về thưởng, lương, tiền thuê nhà ở...
Nhờ triển khai tốt việc thu hút, trọng dụng nhân tài, trong những năm qua, đã có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, khu công nghệ cao, các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh. Thành phố hiện có một mạng lưới kiều bào trẻ gồm các chuyên gia, trí thức đang cộng tác thường xuyên với các sở, ngành.
Trong khi đó, tại TP Đà Nẵng, TS Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Đà Nẵng cho biết, đi đôi với việc phát triển tốt các nguồn lực trong nước, lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh và tìm mọi cách để phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố. Một giải pháp nổi bật được TS Võ Công Trí nhấn mạnh là việc TP Đà Nẵng hỗ trợ các trường đại học, đặc biệt là Đại học Đà Nẵng triển khai một số chính sách nhằm thu hút cán bộ, trí thức kiều bào về giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Ước tính, trong cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12%, tương đương khoảng 500.000-600.000 người. Trong đó, các chuyên gia, trí thức kiều bào là cầu nối giúp tiếp xúc, vận động, kêu gọi và thu hút các nhà khoa học quốc tế có uy tín về Việt Nam tham dự các hội nghị, hội thảo, tạo cơ hội gặp gỡ giao lưu, hợp tác với giới khoa học Việt Nam.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Tại Hội thảo Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp tổ chức ngày 23/3 vừa qua, GS, TS Nguyễn Quốc Sỹ, Đại học Năng lượng quốc gia Moscow (Nga), Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT khẳng định, xuất phát từ tình yêu và trách nhiệm với đất nước, trí thức kiều bào luôn mong muốn được đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của bản thân, ông Nguyễn Quốc Sỹ chỉ ra rằng trí thức kiều bào về nước làm việc không phải vì chính sách lương bổng, đãi ngộ nhà cửa… mà là vì mong muốn được cống hiến cho sự phát triển nước nhà. “Chúng tôi cần không chỉ có đồng lương, chúng tôi cần những nhiệm vụ khoa học - công nghệ mà chúng tôi có thể đóng góp được. Nếu chúng tôi về đây với đồng lương rất cao, một ngôi nhà rất to mà không có nhiệm vụ để làm thì chúng tôi sẽ lại ra đi”, GS, TS Nguyễn Quốc Sỹ chia sẻ.
Do đó, ông Nguyễn Quốc Sỹ kiến nghị cần thể hiện rõ sự trân trọng, lắng nghe, đánh giá khách quan, khen thưởng kịp thời, có chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm ghi nhận những thành quả thiết thực mà trí thức kiều bào đem lại cho xã hội và đất nước. Cùng với đó, cần cải tổ lại bộ máy tổ chức, quản lý hệ thống khoa học và tập hợp, thu hút trí thức, trong đó có trí thức kiều bào theo hướng gọn nhẹ, chuyên sâu, lấy các tiêu chí về hiệu quả hoạt động đầu tư và ứng dụng lên làm đầu.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, thời gian tới, các cấp, các ngành cần có một chiến lược, với những giải pháp cụ thể để triển khai đồng bộ kế hoạch thu hút kiều bào về nước tham gia đóng góp xây dựng đất nước, đặc biệt là trên các lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài phải thật sự “đúng vai”, nhất quán, giảm chồng chéo về chức năng, đồng thời có sự liên thông, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan.