Nhờ xây dựng các chuỗi liên kết trong cung ứng nên những năm qua, ngành thủy sản nói chung, lĩnh vực nuôi cá lồng bè trên sông, nuôi cá trong các ao, đầm, hồ chứa phát triển khá ổn định, mang lại thu nhập bền vững cho các đơn vị kinh doanh và người nông dân.
Xây dựng chuỗi liên kết
Chủ hộ chăn nuôi cá lồng Nguyễn Văn Thường, Khu dân cư Đồng Ngọ, phường Nam Đồng, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) cho biết, hiện gia đình ông đang chăn nuôi cá lồng trên sông với 40 lồng cá các loại, tổng diện tích hơn 2.200 m2. Hằng năm, gia đình ông cung cấp cho thị trường từ 480 đến 600 tấn cá các loại. Năm 2024, gia đình ông phấn đấu cung cấp ra thị trường khoảng 800 tấn cá các loại. Sau khi trừ các khoản chi phí, thu nhập đạt hàng chục tỷ đồng/năm.
Để phát triển bền vững, ông cho biết, tất cả các khâu thức ăn, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, kiểm soát môi trường… đều được thực hiện nghiêm đúng quy định của cơ quan quản lý; muốn sản xuất ổn định, bền vững cần phải liên kết với các đối tác, doanh nghiệp để hỗ trợ lẫn nhau về con giống, thức ăn, vật liệu lồng bè đến thị trường tiêu thụ. Hiện gia đình ông đã xây dựng ổn định chuỗi cung ứng cá lồng với mô hình tiêu thụ là chuỗi các cửa hàng vừa bán hàng ăn uống phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, vừa bán buôn cho các đại lý, siêu thị tại các thành phố lớn trên cả nước. Nhờ vậy, sản lượng và giá trị tiêu thụ cá gia tăng hằng năm, mang lại lợi nhuận đáng kể cho gia đình.
Cùng với việc xây dựng tốt các đầu mối phục vụ thức ăn chăn nuôi, con giống, liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý hiệu quả môi trường chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao cũng đang ngày càng trở nên cần thiết đối với lĩnh vực chăn nuôi cá nước ngọt. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản công nghệ cao Tân Kỳ (Hải Dương) Nguyễn Hữu Quân cho biết, hiện cơ sở đang sử dụng hơn 10 ha mặt nước hồ để nuôi các loại cá như rô phi, trắm, chép. Bước sang năm 2024 là năm thứ 12 HTX phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Bình quân hằng năm, HTX cung cấp cho thị trường từ 300 đến 400 tấn cá các loại. Để ổn định đầu ra, HTX xây dựng chuỗi liên kết cung ứng chặt chẽ với các đầu mối doanh nghiệp, nhờ vậy, đầu ra cho các sản phẩm thủy sản của HTX luôn bảo đảm, được khách hàng tin tưởng, đánh giá tốt.
Hiện nay, các tỉnh Hòa Bình, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hải Dương, Nam Định… đang tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản, ứng dụng công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm; phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng, bè trong các thủy vực lớn, đặc biệt là trên lòng hồ thủy điện, bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản và môi trường; tăng cường công tác dự báo phòng ngừa dịch bệnh. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa giống loài, hình thức nuôi, tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi cá đặc sản như cá lăng, cá chiên, cá bỗng, cá trắm đen, cá tầm; kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán lưu thông cá giống trên thị trường, chất lượng giống trong sản xuất, ương dưỡng. Cùng với việc đầu tư thỏa đáng về vốn, khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng trong chăn nuôi cá nước ngọt, các địa phương tập trung vận động, khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ gia đình trong sản xuất thủy sản phát triển theo hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình theo hướng hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, “nhà băng”); tăng cường gắn kết trong sản xuất nông nghiệp tạo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ nông dân phát triển nghề nuôi cá nước ngọt trên các sông, suối, ao, hồ phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Quản lý để phát triển bền vững
Việc phát triển nghề nuôi cá lồng tại các địa phương hiện nay đã tạo ra nguồn thực phẩm có chất lượng cao và ổn định với hàng nghìn tấn cá thương phẩm mỗi năm, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm sức ép khai thác tận diệt đối với một số đối tượng thủy sản trên sông, hồ. Cùng với việc phát triển nghề nuôi cá, các tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi cá cũng từng bước được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà quản lý và người dân tiếp cận với vốn vay, thị trường, khoa học-công nghệ nhằm phục vụ phát triển nghề nuôi. Ngoài ra, nghề chăn nuôi cá cũng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác trong các lĩnh vực chế biến, sản xuất thức ăn, sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thuốc, hóa chất phòng trị bệnh. Đây là một lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và dư địa phát triển cần sự đầu tư hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
Thời gian qua, ngành thủy sản đã thường xuyên hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý nuôi, phòng chống dịch bệnh; đã tổ chức giám sát, quan trắc môi trường và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi tập trung trên sông, hồ; phổ biến, tuyên truyền hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản chủ động các biện pháp phòng bệnh, đạt hiệu quả. Ngành nông nghiệp đã xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững tại các hồ chứa lớn. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã xây dựng được phương pháp xác định tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả và bền vững. Đối với công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tới người nuôi nhằm phát triển thủy sản hồ chứa, đã xây dựng các mô hình chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá rô phi đen, cá rô phi đỏ (diêu hồng), cá nheo Mỹ, cá bỗng, một số loài cá tầm, cá lăng nha, lăng chấm trên sông và hồ chứa tập trung ở nhiều địa phương ở miền núi phía bắc, miền trung và Tây Nguyên. Tuy vậy, mặc dù diện tích mặt nước các hồ chứa tại Việt Nam là rất lớn nhưng phát triển còn hạn chế so với tiềm năng. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi trồng thủy sản còn hạn chế, đầu tư chưa đồng bộ; phương thức nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh và quảng canh cải tiến, năng suất thấp. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật, khoa học-công nghệ, phương thức sản xuất áp dụng cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa chưa đáp ứng yêu cầu, làm hạn chế khả năng sản xuất, khai thác và làm gia tăng chi phí đầu vào, hiệu quả sản xuất thấp. Việc nuôi cá lồng hầu hết còn theo kiểu truyền thống, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chưa phổ biến nên hiệu quả nuôi trồng còn hạn chế. Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy phát triển thủy sản mặt nước lớn còn nhiều vướng mắc; khó xây dựng được phương án tiếp cận thị trường trên quy mô lớn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, những năm qua, nuôi trồng thủy sản hồ chứa có phát triển nhưng chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, do vậy cần phải có sự định hướng, xây dựng mô hình, lan tỏa sản xuất để có bước đi vững chắc. Thời gian tới, theo Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030, ngành nông nghiệp đã nêu rõ một số chính sách thúc đẩy phát triển đối với nuôi thủy sản trên hồ chứa; trong đó tập trung sản xuất nhân tạo, chọn tạo các giống thủy sản mới, có tiềm năng phát triển; giống trái vụ, giống có khả năng thích nghi cao với điều kiện môi trường, tăng trưởng nhanh; phát triển công nghệ nuôi phù hợp, thân thiện môi trường, bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm và giảm phát thải khí nhà kính; tiếp tục phát triển một số đối tượng phù hợp như cá truyền thống, bản địa, một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp tại các vùng nuôi tập trung trong các ao đầm nước ngọt, trên sông và hồ chứa nhằm cung cấp thực phẩm, tạo sinh kế, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân; áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm quy mô hàng hóa để chế biến xuất khẩu; tiếp tục phát triển, mở rộng các tổ hợp tác, hợp tác xã, các mô hình liên doanh, liên kết giữa các tổ chức, cá nhân theo hình thức hợp tác gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản; xây dựng, phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với hoạt động kinh tế khác như du lịch sinh thái, ẩm thực, giải trí, theo mô hình kinh tế tuần hoàn để tạo ra giá trị gia tăng… ■
-------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 28/2/2024.
(Tiếp theo và hết)(★)